Tập trung sắp xếp lại, xử lý tài sản công tiết kiệm, hiệu quả

16:22 | 06/01/2021 Print
Trong năm 2021, Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong sắp xếp lại, xử lý tài sản công chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả.

thu truong

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: T.T.

Chiều 6/1, Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính tổ chức tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021. Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Phê duyệt mới phương án sắp xếp lại, xử lý 1.503 cơ sở nhà, đất

Trình bày báo cáo tại hội nghị, bà Tạ Thanh Tú - Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản cho biết, về công tác quản lý tài sản công, trong năm 2020, Cục Quản lý công sản đã tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức phổ biến, tuyên truyền Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành luật.

Thực hiện các quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công, Cục Quản lý công sản đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong việc ban hành hệ thống tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công chuyên dùng tại các bộ, ngành, địa phương.

Cùng với đó, Cục Quản lý công sản cũng đã báo cáo Bộ Tài chính có văn bản tham gia ý kiến về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô chuyên dùng đối với 9 bộ, ngành, cơ quan Trung ương và một số địa phương. Đồng thời, báo cáo Bộ Tài chính có văn bản tham gia ý kiến về tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích chuyên dùng với 9 bộ, cơ quan trung ương; báo cáo Bộ Tài chính có ý kiến về Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết với 7 bộ, ngành, cơ quan trung ương.

Đối với công tác sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, năm 2020, Cục Quản lý công sản đã báo cáo Bộ Tài chính có công văn đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất của các doanh nghiệp trong danh sách cổ phần hóa doanh nghiệp theo Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, Cục Quản lý công sản đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Trung ương quản lý. Năm 2020, cục đã trình Bộ Tài chính phê duyệt mới phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 1.503 cơ sở nhà, đất; phê duyệt điều chỉnh phương án đối với 149 cơ sở nhà, đất của khối bộ, cơ quan trung ương, nâng tổng số các cơ sở đã được Bộ Tài chính phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý là 28.182 cơ sở nhà, đất của khối bộ, cơ quan trung ương.

Về phương án sắp xếp lại, xử lý trụ sở làm việc của các bộ, cơ quan trung ương trên địa bàn thành phố Hà Nội sau khi di dời đến trụ sở mới, cục đã báo cáo bộ có công văn đề nghị 14 bộ, cơ quan trung ương báo cáo danh sách các cơ sở nhà, đất hiện đang sử dụng làm trụ sở làm việc của các bộ, cơ quan trung ương trên địa bàn TP. Hà Nội và đề xuất phương án xử lý sau khi di dời đến trụ sở mới.

Đôn đốc các bộ, ngành, địa phương quản lý tài sản công hiệu quả

Báo cáo của Cục Quản lý công sản nêu rõ, năm 2021, phấn đấu hoàn thành toàn diện, có chất lượng các nhiệm vụ do Bộ Tài chính giao.

Theo đó, Cục Quản lý công sản tiếp tục phối hợp với Văn phòng Chính phủ trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành đối với Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP về sắp xếp lại, xử lý tài sản công; phối hợp với Văn phòng Chính phủ trình Chính phủ ban hành nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước sạch tập trung...

hội nghị
Năm 2020, Cục Quản lý công sản đã trình Bộ Tài chính nhiều văn bản quan trọng trong quản lý, sử dụng tài sản công. Ảnh: T.T

Cục Quản lý công sản tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn bộ, ngành, địa phương để các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh việc báo cáo kê khai, lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc đối tượng cổ phần hóa) để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý theo quy định.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đánh giá cao kết quả đạt được của Cục Quản lý công sản trong năm qua. Thứ trưởng khẳng định, khối lượng công việc của cục triển khai đã góp phần vào hoàn thành nhiệm vụ tài chính – ngân sách trong năm 2020 của Bộ Tài chính.

Theo Thứ trưởng Trần Xuân Hà, khối lượng công việc của Cục Quản lý công sản trong năm nhiều, phức tạp và nhiều việc hệ trọng. Số lượng văn bản cục trình lãnh đạo Bộ Tài chính trong năm qua lên đến 2.940 tờ trình. Trong đó, có nhiều bộ hồ sơ liên quan đến đất đai, công sản khá phức tạp, nhưng cục đã phối hợp với các đơn vị thuộc bộ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Điểm lại một số văn bản quy định pháp luật đang trình hiện nay, Thứ trưởng cho biết, Cục Quản lý công sản đã trình các cấp có thẩm quyền ban hành nhiều quy định quan trọng, như: trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 167/2017/NĐ-CP về sắp xếp lại, xử lý tài sản công; nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch; nghị định quy định việc quản lý, sử dụng nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước phục vụ hoạt động đối ngoại của Nhà nước... Tuy nhiên, do tính chất phức tạp của các văn bản, đến nay một số văn bản chưa được ban hành chính thức.

Thứ trưởng Trần Xuân Hà đánh giá cao việc Cục Quản lý công sản đã phối hợp tốt với các bộ, ngành, địa phương trong sắp xếp và điều chỉnh phương án sắp xếp các cơ sở nhà, đất; nỗ lực với các bộ, ngành trong rà soát, tổng hợp, lên phương án, sắp xếp các văn phòng đại diện ở TP.Hồ Chí Minh; triển khai quản lý, sử dụng tài sản công là các cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực: giao thông, hàng không, sản xuất điện và một số tài sản khác.

Đối với triển khai nhiệm vụ năm 2021, Thứ trưởng đề nghị Cục Quản lý công sản tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý tài sản công thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính ban hành; rà soát lại quy định về thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài sản công; sắp xếp cơ sở hạ tầng đường sắt, hàng không; tiếp tục thực hiện Dự án nâng cấp Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công theo kế hoạch đã được Bộ Tài chính phê duyệt.../.

Minh Anh

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam