Bước đột phá từ triển khai đề án kiểm tra chuyên ngành

10:29 | 06/01/2021 Print
(TBTCVN) - Từ việc phân tích thực trạng, những tồn tại, bất cập trong công tác kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu, nghiên cứu một số mô hình kiểm tra trên thế giới, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã xây dựng Đề án KTCN nhằm cắt giảm thời gian, chi phí cho DN.

Cán bộ Hải quan Hà Nội kiểm tra hàng hóa thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành.

Cán bộ Hải quan Hà Nội kiểm tra hàng hóa thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành. Ảnh: Hải Anh

“Năm 2021, ngành Hải quan tiếp tục đẩy mạnh cải cách hiện đại hóa, chú trọng các hoạt động tạo thuận lợi thương mại, trong đó tập trung nguồn lực sẵn sàng triển khai đề án “Cải cách Mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu” vừa được Bộ Tài chính trình Chính phủ…” - Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn phát biểu tại hội nghị tổng kết năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 của ngành Hải quan mới đây.

Tiết giảm 399 triệu USD mỗi năm cho nền kinh tế

Có thể nói việc tham mưu xây dựng và trình Bộ Tài chính xem xét trình Chính phủ Đề án Cải cách Mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu (Đề án kiểm tra chuyên ngành - KTCN), là một điểm sáng của ngành Hải quan đạt được trong năm 2020, đáp ứng yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết 02/NQ-CP (ngày 1/1/2020) và Nghị quyết 99/NQ-CP (ngày 13/11/2019).

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành, từ việc phân tích thực trạng, những tồn tại, bất cập trong công tác kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu, nghiên cứu một số mô hình kiểm tra trên thế giới, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã xây dựng Đề án KTCN nhằm cắt giảm thời gian, chi phí, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN).

Đề án KTCN được áp dụng sẽ khắc phục những hạn chế còn tồn tại trong công tác KTCN, đồng thời ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào hoạt động KTCN. So với trước đây, việc KTCN tại cửa khẩu do nhiều cơ quan thực hiện, nay giao cơ quan hải quan là đầu mối duy nhất trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Theo đó, đề án đề xuất 7 cải cách trong công tác kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm nhằm khắc phục nhược điểm của mô hình hiện tại.

Về tính khả thi của đề án KTCN, Tổng cục Hải quan cho hay, Dự án Tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ đã thực hiện đánh giá tác động của đề án một cách độc lập, khách quan, cho thấy hiệu quả mang lại cho cộng đồng DN và cả nền kinh tế.

Cụ thể, tỷ lệ số tờ khai kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm trong một năm cắt giảm được theo mô hình mới so với mô hình hiện tại khoảng 54,4% (chưa tính đến việc giảm số lô hàng kiểm tra do đề án đề xuất tăng đối tượng được miễn kiểm tra). Căn cứ tỷ lệ KTCN năm 2019 do Tổng cục Hải quan cung cấp, ước tính giá trị tiết kiệm cho nền kinh tế khi áp dụng mô hình mới lên đến 399 triệu USD mỗi năm.

Doanh nghiệp kỳ vọng hết chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành

Ở góc độ chuyên gia trong lĩnh vực pháp luật, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá cao Đề án KTCN nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động của DN và cho rằng, đây cũng là vấn đề được VCCI đặc biệt quan tâm đề xuất với Chính phủ, các bộ, ngành tháo gỡ vướng mắc, chồng chéo trong KTCN vốn đã tồn tại nhiều năm qua.

Ông Đậu Anh Tuấn nhìn nhận, các giải pháp được đưa ra trong Đề án KTCN không chỉ hướng tới việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước trong công tác KTCN mà còn xuất phát từ lợi ích chính đáng của cộng đồng DN. Đó là giảm chi phí, giảm thời gian thông quan hàng hóa cho DN. Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu, việc cắt giảm chi phí, thời gian cho DN trong hoạt động xuất nhập khẩu có ý nghĩa quan trọng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam.

Ông Đậu Anh Tuấn phân tích, Đề án KTCN chắc chắn sẽ có tác động mạnh, lan tỏa rất rộng và được các DN hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu mặt hàng thực phẩm đón nhận theo chiều hướng tích cực. Trong đó có việc áp dụng chuyển đổi phương thức kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm từ kiểm tra chặt sang kiểm tra thông thường, từ kiểm tra thông thường sang kiểm tra giảm theo mặt hàng để giảm tối đa lô hàng cần phải kiểm tra… Đây là những nội dung cải cách rất quan trọng, sẽ giúp cho việc giải quyết thủ tục hành chính trở nên nhanh chóng, thuận tiện và minh bạch hơn cho cộng đồng DN.

“Hy vọng rằng những nội dung cải cách quan trọng mà Đề án KTCN đưa ra sẽ sớm được hiện thực hoá và được truyền tải đầy đủ tinh thần cải cách của Chính phủ trong quá trình sửa đổi quy định pháp luật cũng như quá trình thực thi sau này. VCCI sẽ tiếp tục đồng hành với Bộ Tài chính và các bộ, ngành có liên quan trong quá trình triển khai Đề án KTCN, nhằm tạo thuận lợi tối đa cho các DN”, ông Đậu Anh Tuấn chia sẻ.

Rà soát, xử lý các chồng chéo, vướng mắc

Tạo thuận lợi cho việc triển khai Đề án kiểm tra chuyên ngành (KTCN), trong năm 2020, Tổng cục Hải quan đã làm việc với các bộ, ngành để rà soát và xử lý các chồng chéo, vướng mắc trong các quy định về KTCN. Tính đến tháng 12/2020, các bộ, ngành đã sửa đổi, bổ sung được 27/38 văn bản (chiếm 71,05%) theo yêu cầu tại Quyết định số 1254/QĐ-TTg và Quyết định số 1258/QĐ-TTg; ban hành 49/60 danh mục hàng hóa kèm mã số HS; ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn cho 18/22 nhóm hàng theo yêu cầu tại Quyết định số 1254/QĐ-TTg.

Hải Linh

Hải Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam