Năm 2021, dự toán chi giảm hơn 60 nghìn tỷ đồng nên phải triệt để tiết kiệm

17:58 | 05/01/2021 Print
Theo Bộ Tài chính, năm 2021, dự toán chi ngân sách thấp hơn năm 2020 hơn 60 nghìn tỷ đồng. Bởi vậy, các bộ, địa phương phải triệt để tiết kiệm, quán triệt yêu cầu sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao tự chủ tài chính đơn vị sự nghiệp công...

tiền

Ngân sách ưu tiên nguồn để chi cho đầu tư phát triển, tiết kiệm triệt để chi thường xuyên. Ảnh: TL.

Trên cơ sở đánh giá khả năng thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2020, dự kiến tình hình năm 2021, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội thông qua dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021 và định hướng kế hoạch tài chính – NSNN 3 năm 2021 - 2023.

Chi thường xuyên giảm, tăng chi cho đầu tư phát triển

Về thu ngân sách nhà nước (NSNN), dự toán là 1.343,33 nghìn tỷ đồng, đạt tỷ lệ huy động vào NSNN khoảng 15,5% GDP. Trong đó, cơ cấu thu tiếp tục xu hướng chuyển dịch tích cực, với tỷ trọng thu nội địa chiếm 84,4%, thu dầu thô chiếm 1,7% và thu cân đối xuất nhập khẩu chiếm 13,3%.

Trong bối cảnh dự kiến thu NSNN còn khó khăn do tình hình sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp cần thời gian phục hồi do tác động của đại dịch Covid-19, dự toán chi ngân sách năm 2021 là 1.687 nghìn tỷ đồng, thấp hơn 60,1 nghìn tỷ đồng so với dự toán năm 2020.

Trong đó: chi đầu tư phát triển là 477,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 28,3% tổng chi NSNN; chi trả nợ lãi, viện trợ, dự trữ quốc gia là 112,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 6,7% tổng chi NSNN; chi thường xuyên là 1.036,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 61,4% tổng chi NSNN.

Theo Bộ Tài chính, mức dự toán trên đã bảo đảm ưu tiên bố trí chi đầu tư phát triển ở mức hợp lý, cao hơn mức bố trí dự toán năm 2020 cả về tỷ trọng và số tuyệt đối, trong điều kiện cân đối NSNN khó khăn hơn.

Việc chi thường xuyên giảm, nhưng tăng chi cho đầu tư phát triển, do đó, trong dự toán bố trí cho các bộ, địa phương cần phải triệt để tiết kiệm, quán triệt yêu cầu sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao tự chủ tài chính đơn vị sự nghiệp công và chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương từ NSNN.

Bội chi ngân sách dự toán là 343,67 nghìn tỷ đồng, tăng 108,87 nghìn tỷ đồng so với dự toán năm 2020, bằng khoảng 4% GDP. Tổng nhu cầu huy động của Chính phủ (chưa bao gồm vay về cho vay lại) khoảng 580 nghìn tỷ đồng. Dự kiến đến cuối năm 2021, nợ công bằng khoảng 46,1% GDP.

Nhiều thách thức thực hiện kế hoạch tài chính trung hạn 2021 - 2023

Bộ Tài chính cho biết, kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm 2021 - 2023, thu ngân sách phấn đấu khoảng 4,33 triệu tỷ đồng; đạt tỷ lệ huy động thu vào NSNN bình quân khoảng 15,5%GDP; tiếp tục cơ cấu lại thu NSNN, tăng tỷ trọng thu nội địa đến năm 2023 khoảng 85 - 86% tổng thu NSNN.

Dự kiến tổng chi ngân sách 3 năm này khoảng 5,4 triệu tỷ đồng. Bội chi NSNN bình quân khoảng 3,8% GDP. Nợ công đến năm 2023 khoảng 48,1% GDP.

Tuy nhiên, tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 đã và đang tạo ra những thách thức đối với Kế hoạch NSNN trung hạn 3 năm 2021 - 2023, trong việc bảo đảm lộ trình thực hiện cải cách tiền lương, điều chỉnh chuẩn trợ cấp xã hội, chuẩn nghèo...

Do đó, để hoàn thành các nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2021, ngành Tài chính tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, đồng thời tập trung giải quyết những khó khăn, thách thức, trong đó tập trung vào một số giải pháp trọng tâm.

Để đạt dự toán thu ngân sách trong giai đoạn này, ngành Tài chính tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế chính sách thu, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, minh bạch, công bằng; xem xét tiếp tục thực hiện các chính sách miễn, giảm, giãn về thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19.

Đồng thời, Bộ Tài chính tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu, bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào NSNN; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, chuyển giá, trốn, lậu thuế, gian lận thuế, lợi dụng chính sách hoàn thuế.

Về chi NSNN, theo Bộ Tài chính, sẽ tiếp tục quản lý chặt chẽ các khoản chi ngay từ khâu lập dự toán, đến tổ chức thực hiện. Ngoài ra, công tác chi sẽ thực hiện triệt để tiết kiệm các khoản chi chưa thực sự cấp thiết, giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, công tác phí trong và ngoài nước, kinh phí mua sắm trang thiết bị đắt tiền; ưu tiên dành nguồn thực hiện các chính sách an sinh xã hội, đảm bảo các nhiệm vụ về an ninh - quốc phòng, các dịch vụ quan trọng thiết yếu.

Trong giai đoạn này, Bộ Tài chính tập trung rà soát các vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là các công trình trọng điểm quốc gia, có sức lan tỏa lớn, có tính kết nối, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội liên vùng. Việc xây dựng, phân bổ và giao kế hoạch vốn phải được thực hiện phù hợp với khả năng của từng nguồn vốn, từng dự án cùng từng bộ, địa phương. Đồng thời, hoạt động này phải quản lý chặt chẽ, tránh thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực đầu tư công.

Theo Bộ Tài chính, bên cạnh các giải pháp nêu trên, bộ sẽ thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính – NSNN, tăng cường kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách, nhất là trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí; rà soát, quản lý chặt chẽ các khoản chi chuyển nguồn, chỉ thực hiện chuyển nguồn theo đúng quy định của pháp luật.

Giai đoạn 2021 - 2023, sẽ tiếp tục quản lý, kiểm soát chặt chẽ nợ công, cơ cấu lại các khoản vay của NSNN nhằm giảm thiểu các rủi ro về kỳ hạn nợ, rủi ro tái cấp vốn, thanh khoản, tỷ giá, lãi suất, tín dụng; hạn chế tối đa cấp bảo lãnh chính phủ; giám sát chặt chẽ việc cho vay, sử dụng vốn của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, tập trung cho các công trình, dự án trọng điểm, thực sự có hiệu quả, đảm bảo khả năng cân đối nguồn trả nợ.

Đồng thời, Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung pháp lý về sắp xếp, cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, quản lý và sử dụng nguồn thu từ thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Song song với đó, ngành Tài chính sẽ tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, quản lý và sử dụng vốn nhà nước.

Bộ Tài chính cũng sẽ hoàn thiện các quy định về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập; tăng cường cơ chế giao dự toán kinh phí cung cấp sản phẩm, dịch vụ công theo phương thức đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ. Đồng thời, bộ có lộ trình đẩy mạnh cơ chế đấu thầu, đặt hàng phù hợp với lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ sự nghiệp công và khả năng cân đối NSNN.

Trong nhóm các giải pháp tiếp theo, Bộ Tài chính sẽ tập trung tăng cường quản lý, sắp xếp, khai thác và sử dụng có hiệu quả tài sản công; đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy, cải cách thủ tục và hiện đại hoá công nghệ, nhất là trong các lĩnh vực có quan hệ với người dân và doanh nghiệp như thuế, hải quan, kho bạc nhà nước; thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính - NSNN, tăng cường kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách; triệt để quán triệt quan điểm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Tại hội nghị trực tuyến về quyết toán ngân sách với các địa phương vào cuối năm 2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã đặc biệt lưu ý với các địa phương trong thực hiện dự toán ngân sách năm 2021. Theo Bộ trưởng, năm 2021 vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh dự toán chi ngân sách của năm 2021 giảm hơn 60 nghìn tỷ đồng so với năm 2020, song dự toán chi cho đầu tư phát triển lại tăng lên, do đó, phải siết giảm chi thường xuyên.

Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị các cơ quan tài chính tại địa phương cần tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, phải triệt để tiết kiệm trong phân bổ dự toán cho các đơn vị sử dụng ngân sách. Đây cũng là tinh thần chung trong thực hiện nhiệm vụ kế hoạch tài chính - ngân sách trong trước mắt cũng như lâu dài./.

Minh Anh

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam