Bộ Tài chính lấy ý kiến về dự thảo quy định và hướng dẫn thực hiện thẩm định giá doanh nghiệp

15:06 | 04/01/2021 Print
Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo thông tư về ban hành Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 12, nhằm thay thế thông tư quy định về vấn đề này, có hiệu lực kể từ đầu năm 2018 đến nay.

thẩm định giá

Việc áp dụng các phương pháp thẩm định giá doanh nghiệp cần phù hợp với cơ sở giá trị doanh nghiệp và nhận định của thẩm định viên. Ảnh: TL.

Tiêu chuẩn này quy định và hướng dẫn thực hiện thẩm định giá doanh nghiệp. Đối tượng áp dụng là: Thẩm định viên về giá hành nghề, doanh nghiệp thẩm định giá, các tổ chức và cá nhân khác thực hiện hoạt động thẩm định giá; khách hàng thẩm định giá và bên thứ ba sử dụng kết quả thẩm định giá (nếu có).

Dự thảo thông tư nêu rõ: Tiêu chuẩn cơ sở giá trị doanh nghiệp là giá trị thị trường hoặc giá trị phi thị trường. Cơ sở giá trị doanh nghiệp được xác định trên cơ sở mục đích thẩm định giá, đặc điểm pháp lý, đặc điểm kinh tế - kỹ thuật và đặc điểm thị trường của doanh nghiệp cần thẩm định giá, yêu cầu của khách hàng thẩm định giá tại hợp đồng thẩm định giá (nếu phù hợp với mục đích thẩm định giá) và quy định của pháp luật có liên quan. Các nội dung khác thực hiện theo quy định tại Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 2 và số 3.

Căn cứ vào triển vọng thực tế của doanh nghiệp, thị trường kinh doanh của doanh nghiệp, mục đích thẩm định giá và quy định của pháp luật, thẩm định viên đưa ra nhận định về tình trạng hoạt động, tình trạng giao dịch (thực tế hoặc giả thiết) của doanh nghiệp cần thẩm định giá sau thời điểm thẩm định giá.

Thông thường giá trị của doanh nghiệp là giá trị doanh nghiệp hoạt động liên tục. Trong trường hợp thẩm định viên nhận định rằng doanh nghiệp sẽ chấm dứt hoạt động sau thời điểm thẩm định giá, thì giá trị của doanh nghiệp sẽ là giá trị doanh nghiệp hoạt động có thời hạn hoặc giá trị thanh lý.

Việc áp dụng các phương pháp thẩm định giá doanh nghiệp cần phù hợp với cơ sở giá trị doanh nghiệp và nhận định của thẩm định viên về trạng thái hoạt động của doanh nghiệp tại và sau thời điểm thẩm định giá.

Về phương pháp tài sản, thẩm định viên xác định giá trị của các tài sản vô hình không xác định được (các tài sản vô hình còn lại) thông qua 7 bước cụ thể. Đối với bước 7, dự thảo thông tư bổ sung quy định: Ước tính tổng giá trị các tài sản vô hình không xác định được của doanh nghiệp cần thẩm định giá bằng cách vốn hóa phần thu nhập do các tài sản vô hình này đem lại cho doanh nghiệp cần thẩm định giá.

Dự thảo thông tư đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến rộng rãi trước khi chính thức ban hành./.

Minh Anh

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam