Kịch bản nào cho lãi suất năm 2021?

21:01 | 03/01/2021 Print
(TBTCVN) - Năm 2021, dự báo kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi nhanh, đạt được tốc độ tăng trưởng khá cao, theo đó nhu cầu về vốn cho nền kinh tế sẽ tăng, kéo theo mặt bằng lãi suất có thể sẽ nhích dần lên.

nh

Năm 2021, khả năng mặt bằng lãi suất cho vay sẽ nhích lên.

Đây là nhận định của ông Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, trong cuộc trao đổi với phóng viên TBTCVN.

* PV: Thưa ông, năm 2021, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP là 6%, vậy để hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng đó, theo ông tín dụng năm 2021 tăng trưởng bao nhiêu là hợp lý?

- Ông Cấn Văn Lực: Trước hết, đánh giá về mục tiêu tăng trưởng GDP 6% năm 2021, tôi cho rằng, mục tiêu này tương đối khả thi, thậm chí chúng tôi còn dự báo lạc quan hơn về tăng trưởng năm 2021 sẽ ở mức 6,5 – 7%.

can

Ông Cấn Văn Lực

Có 3 lý do chính để có thể lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2021. Thứ nhất, các động lực tăng trưởng chính như đầu tư, xuất khẩu được dự báo vẫn duy trì xu hướng tích cực trong năm tới. Cụ thể, nhìn lại năm 2020, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, về đầu tư, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện đạt hơn 2.164 nghìn tỷ đồng, tăng 5,7% so với năm 2019, đặc biệt tốc độ tăng vốn thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước năm 2020 đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2011 – 2020. Về xuất khẩu, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt hơn 281 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019; cán cân thương mại hàng hóa năm 2020 ước tính xuất siêu 19,1 tỷ USD, mức cao nhất trong 5 năm xuất siêu kể từ năm 2016… Những “đầu kéo” tăng trưởng trên được đánh giá sẽ tiếp tục đạt được kết quả khả quan trong năm 2021.

Thứ hai, kinh tế Việt Nam đã phục hồi rõ nét theo hình chữ “V” từ quý III/2020 và sẽ tăng trưởng khá trong năm 2021. Năm 2020, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 2,91%, mặc dù thuộc tốp cao nhất thế giới, song mức tăng trưởng này tương đối thấp. Do đó, khi nền kinh tế bị “nén lại” trong năm 2020 sẽ là tiền đề để “bung” ra phục hồi, phát triển mạnh trong năm 2021.

Thứ ba, hiện nay vắc-xin đang bắt đầu được cung cấp tại nhiều nước trên thế giới, là tín hiệu tích cực đối với việc phòng, chống dịch Covid-19, hỗ trợ quá trình khôi phục phát triển kinh tế trên toàn cầu, trong đó có nhiều nền kinh tế đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, về điều hành lãi suất, năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất với tổng mức giảm tới 1,5 – 2%/năm lãi suất điều hành. Với chính sách điều hành trên, cùng với việc chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết kiệm chi phí, giảm mạnh lãi suất cho vay đã giúp mặt bằng lãi suất cho vay năm 2020 giảm bình quân khoảng 1% so với cuối năm 2019.

Với những yếu tố trên, cộng thêm động lực tăng trưởng từ kinh tế số, tôi cho rằng khả năng năm 2021 GDP có thể tăng 6,5 – 7%. Để hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng này, năm 2021, tín dụng tăng 10 – 12% là hợp lý và tôi dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2021 sẽ đạt khoảng 12%.

* PV: Vậy còn mặt bằng lãi suất, ông dự báo như thế nào về mặt bằng lãi suất cho vay năm 2021?

- Ông Cấn Văn Lực: Tôi cho rằng, năm 2021, khả năng mặt bằng lãi suất cho vay sẽ nhích lên. Cơ sở để đưa ra nhận định này là, lãi suất là giá của đồng tiền, khi nào nhu cầu sử dụng vốn tăng trở lại thì giá của đồng tiền, lãi suất sẽ tăng dần lên. Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế dự báo sẽ phục hồi nhanh, đạt được tốc độ tăng trưởng khá cao trong năm 2021. Đơn cử, Ngân hàng Thế giới dự báo, GDP Việt Nam năm 2021 có thể đạt 6,8%, hay Quỹ Tiền tệ quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 đạt 6,7%.... Khi nền kinh tế khôi phục được tốc độ tăng trưởng cao, thì nhu cầu về vốn của nền kinh tế, doanh nghiệp (DN) sẽ tăng lên, nhu cầu về hàng hóa, dịch vụ, nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng sẽ tăng lên… khi đó lãi suất sẽ nhích lên.

Tuy nhiên, định hướng của Chính phủ, Ngân hàng (NH) Nhà nước vẫn cố gắng giữ mặt bằng lãi suất ổn định, để nhằm vừa ổn định vĩ mô, vừa hỗ trợ DN trong bối cảnh nền kinh tế, DN về cơ bản vẫn còn nhiều khó khăn trong năm 2021. Do đó, theo tôi, mặt bằng lãi suất sẽ chỉ nhích nhẹ và có thể chỉ ở từng thời điểm.

* PV: Như vậy, với triển vọng “sáng sủa” của nền kinh tế trong năm 2021, liệu ngành Ngân hàng có bớt khó khăn hơn trong năm tới, thưa ông?

- Ông Cấn Văn Lực: Dù nền kinh tế phục hồi, song tôi cho rằng vẫn còn rất nhiều khó khăn, rủi ro đối với ngành NH trong năm 2021, chưa kể khó khăn đối với ngành NH được đánh giá là có độ trễ nhất định so với nền kinh tế và DN.

Trước hết có thể thấy, năm 2020, số DN tạm ngừng hoạt động tăng hơn 62% với hơn 46,6 nghìn DN, 10/19 ngành kinh tế giảm 20 – 35% lợi nhuận so với năm 2019 và sẽ tiếp tục còn khó khăn nhất định do dịch Covid-19 vẫn còn, khiến nguy cơ nợ xấu và suy giảm lợi nhuận của hệ thống các NH thương mại ngày càng hiện hữu. Theo nghiên cứu và dự báo của chúng tôi, thu nhập của các NH có thể bị giảm 15 – 20% trong 2020 – 2021.

Tôi cũng muốn nhấn mạnh, hiện nay rủi ro của lĩnh vực NH Việt Nam được đánh giá ở mức trung bình. Mặc dù vậy, mức độ rủi ro của hệ thống NH Việt Nam có thể tăng và sức chịu đựng có thể suy giảm nếu được kích hoạt bởi sự tăng nhanh của nợ xấu; đồng thời với sự giảm xuống của hệ số an toàn vốn (CAR) trong khi CAR còn thấp so với khu vực và các nước mới nổi.

Bên cạnh những rủi ro liên quan đến “sức khỏe” của hệ thống các tổ chức tín dụng, thì ngành NH cũng đứng trước những rủi ro, thách thức lớn từ việc gia tăng tội phạm trong lĩnh vực tài chính – NH. Theo báo cáo của một số công ty an ninh mạng Việt Nam, năm 2020, có 90% số vụ cảnh báo tấn công mạng là nhắm đến hệ thống tài chính – NH. Theo đó, các hình thức tấn công ngày càng đa dạng và tinh vi, số lượng tài khoản bị lừa đảo, chiếm đoạt ngày càng gia tăng… Dự báo những rủi ro này sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, từ đó đặt ra những thách thức không nhỏ đối với các NH trong phòng ngừa và ứng phó với rủi ro này…

* PV: Xin cảm ơn ông!

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực

Các ngân hàng cần đặt nhiệm vụ kiểm soát rủi ro, xử lý nợ xấu lên hàng đầu
Tôi cho rằng, các ngân hàng cần đặt nhiệm vụ xử lý nợ xấu, kiểm soát rủi ro nợ xấu lên hàng đầu, đặc biệt là việc xây dựng các giải pháp riêng biệt cho từng nhóm khách hàng và đẩy mạnh bán nợ.

Tiếp theo, các ngân hàng ngoài việc nỗ lực đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong ngắn hạn, thì về dài hạn cần điều chỉnh danh mục cho vay, thậm chí hướng tới điều chỉnh danh mục tài sản tiến tới giảm tỷ trọng tài sản tín dụng, tăng tài sản phi tín dụng để hạn chế, giảm thiểu tổn thất nếu rủi ro tín dụng xảy ra.

Cùng với đó, các ngân hàng cần đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số, đẩy nhanh hoàn thiện hệ thống dữ liệu lớn (big data), nhanh chóng đưa vào sử dụng và hoàn thiện các sản phẩm ngân hàng số, các giao dịch ngân hàng điện tử, đặc biệt trong lĩnh vực bán lẻ phục vụ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Đồng thời, các tổ chức tín dụng cần tiếp tục tái cơ cấu, nâng cao năng lực tài chính, tăng vốn chủ sở hữu, nâng cao năng lực quản trị rủi ro, cũng như tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là những công nghệ 4.0 trong kiểm soát, ứng phó rủi ro, phòng chống tội phạm trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng...

Diệu Thiện (thực hiện)

Diệu Thiện (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam