Điểm sáng xuất nhập khẩu

20:49 | 03/01/2021 Print
(TBTCVN) - Số liệu từ Bộ Công thương cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2020 ước đạt 543,9 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 281,47 tỷ USD. Đây là điểm sáng đáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2020 với đầy màu sắc ảm đạm do ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid–19.

in

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Kết quả này là tiền đề quan trọng để nâng vị thế Việt Nam trên trường quốc tế trong thời gian tới.

Xuất khẩu đi vào chiều sâu, xuất siêu đạt kỷ lục mới

Theo thống kê của Bộ Công thương, sau nhiều tháng lao đao vì ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid – 19, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 12/2020 vươn lên đạt mức tăng trưởng khá ấn tượng, với mức tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2019. Theo đó, ước tính năm 2020, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của cả nước đạt 281,47 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2020 ước đạt 543,9 tỷ USD.

Trong đó, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực có mức tăng khá cao như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (tăng 24,4%), gỗ và sản phẩm từ gỗ (tăng 15,7%), máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng (tăng 47,8%), sắt thép (tăng 23,7%), phân bón (tăng 26,6%)…

Đặc biệt, thống kê cũng cho thấy, năm 2020 có 31 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Trong đó, đáng chú ý có 9 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 92% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập nhẩu (Bộ Công thương) đánh giá, từ đầu năm đến nay, đại dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ hoạt động thương mại và đầu tư của thế giới cũng như Việt Nam. Trước tình hình cảnh đó, các thị trường nhập khẩu vừa suy giảm nhu cầu, vừa siết chặt hàng rào phi thuế quan, gia tăng bảo hộ trong nước… Do đó, trong năm 2020, hoạt động xuất nhập khẩu của nước ta tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng ổn định và là năm thứ hai liên tiếp có tổng kim ngạch đạt mức trên 500 tỷ USD là kết quả đáng ghi nhận.

Đặc biệt, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu nhấn mạnh, năm 2020, xuất siêu ghi nhận mức kỷ lục với 19,1 tỷ USD - cao hơn con số 10,87 tỷ USD của năm 2019.

Ngoài ra, một trong những tín hiệu tích cực được ghi nhận trong bức tranh xuất khẩu của nước ta năm 2020 đó chính là cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục được cải thiện. Xuất khẩu các sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp với giá trị cao gia tăng mạnh và giảm hàm lượng xuất khẩu sản phẩm thô, giá trị thấp. Bên cạnh đó, động lực tăng trưởng xuất khẩu tiếp tục đến từ các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến.

Minh chứng, nhóm hàng công nghiệp chế biến ước tăng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái, với tỷ trọng chiếm tới trên 85% tổng kim ngạch xuất khẩu, cao hơn mức 84,2% của năm 2019. Trong khi đó, xuất khẩu nhóm nông sản, thủy sản năm 2020 ước giảm 2,5%, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản giảm 35%.

Bước đầu tận dụng hiệu quả cơ hội từ các FTA

Theo đánh giá của Cục Xuất nhập nhẩu, trong tình hình khó khăn, bên cạnh việc đẩy mạnh khai thác các thị trường truyền thống, doanh nghiệp Việt đã tích cực mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới từ việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực.

Nhìn vào cơ cấu thị trường xuất khẩu cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp Việt đã và đang tận dụng ngày càng tốt hơn cơ hội từ các FTA. Điển hình, xuất khẩu sang thị trường EU tiếp tục có kết quả tích cực từ khi Hiệp định EVFTA thực thi. Cả năm 2020, xuất khẩu sang thị trường EU ước đạt 34,9 tỷ USD. Đáng chú ý, sau 5 tháng thực thi Hiệp định EVFTA, xuất khẩu sang thị trường EU đạt khoảng 15,38 tỷ USD, tăng khoảng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Ngoài ra, thống kê cho thấy, kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực đến hết ngày 18/12/2020, các tổ chức được uỷ quyền đã cấp gần 62.500 bộ chứng nhận xuất xứ (C/O) để hưởng ưu đãi tại thị trường EU với kim ngạch 2,35 tỷ USD. Các mặt hàng đã được cấp C/O chủ yếu là hàng dệt may, da giày, rau quả, sản phẩm mây, tre, đan, hàng điện tử....

Còn đối với thị trường các nước CPTPP, kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường là thành viên CPTPP đạt mức tăng tốt. Năm 2020, xuất khẩu sang Canađa duy trì mức tăng trưởng dương, ước đạt 4,35 tỷ USD, tăng 11,9%; xuất khẩu sang Mexico đạt 3,17 tỷ USD, tăng 12,2%...

Mới đây, tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã khẳng định vai trò quan trọng của các hiệp định thương mại Việt Nam tham gia đối với việc tăng trưởng xuất khẩu. Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, chính nhờ Hiệp định EVFTA mà tốc độ tăng trưởng 3 tháng cuối năm tại thị trường EU đạt mức cao nhất từ trước tới nay. Bên cạnh đó, với thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc, Bộ trưởng Tuấn Anh đánh giá, chúng ta cũng đã rất linh hoạt khai thác cơ hội để mở cửa thị trường và đạt mức tăng trưởng từ 22 - 37%, tiếp tục đóng góp vào duy trì tốc độ xuất khẩu ở mức 6,5%.

Bộ trưởng Bộ Công thương cũng đề xuất 4 nhóm nội dung phát triển kinh tế. Trong đó, chú trọng khâu phát triển thị trường nước ngoài, tổ chức khai thác hiệu quả 17 FTA thông qua thực hiện các chương trình hành động Chính phủ đã ban hành.

Đồng thời, Bộ Công thương cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo hành lang thông thoáng cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác xây dựng thể chế chính sách, cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; đẩy mạnh triển khai Cơ chế Một cửa quốc gia nhằm tạo môi trường thuận lợi thông thoáng cho hoạt động xuất nhập khẩu.

Đại diện Cục Xuất nhập khẩu thông tin thêm, Bộ Công thương sẽ tăng cường công tác xác minh xuất xứ hàng hóa; đẩy mạnh phòng chống, phát hiện, xử lý các hành vi lẩn tránh bất hợp pháp, gian lận xuất xứ; theo dõi, kịp thời điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước theo đúng cam kết quốc tế.

Thặng dư thương mại cao kỷ lục

Theo Bộ Công thương, không chỉ có xuất khẩu, ở chiều nhập khẩu cũng có những chuyển biến tích cực khi trong tháng 12/2020 nhập khẩu tăng 11,4% so với tháng trước và tăng 22,7% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung trong năm 2020, nhập khẩu tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước và đặc biệt, nhóm hàng cần nhập khẩu ước đạt 231,54 tỷ USD, tăng 3,9% so với năm trước, chiếm tỷ trọng 88,3% trong tổng kim ngạch nhập khẩu. Trong khi đó, nhóm hàng cần kiểm soát năm 2020 ước đạt 16,5 tỷ USD, giảm 8,9% so với năm 2019, chiếm tỷ trọng 6,3% trong tổng kim ngạch nhập khẩu.

Với kim ngạch nhập khẩu như trên, thương mại hàng hóa của năm 2020 đã thặng dư tới 19,1 tỷ USD, cao nhất trong 5 năm liên tiếp xuất siêu kể từ năm 2016. Giá trị xuất siêu các năm giai đoạn 2016 - 2020 lần lượt là: 1,6 tỷ USD; 1,9 tỷ USD; 6,5 tỷ USD; 10,9 tỷ USD; 19,1 tỷ USD.

Tố Uyên

Tố Uyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam