Cơ sở để xây dựng Kho bạc Nhà nước chuyên nghiệp, hiện đại

15:52 | 02/01/2021 Print
(TBTCVN) - Năm 2020, Kho bạc Nhà nước đã ghi dấu ấn đặc biệt khi 100% đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước thuộc đối tượng phải giao dịch qua dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4.Đây là 1 trong 10 sự kiện nổi bật trong năm 2020 vừa được Kho bạc Nhà nước công bố.

Cán bộ Kho bạc Nhà nước Sơn La kiểm soát chi trên máy. Ảnh: Hạnh Thảo

Cán bộ Kho bạc Nhà nước Sơn La kiểm soát chi trên máy. Ảnh: Hạnh Thảo

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Nguyễn Văn Quang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Kho bạc Nhà nước cho rằng, lần đầu tiên có một nghị định quy định riêng về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực kho bạc. Đây là cơ sở để xây dựng Kho bạc Nhà nước chuyên nghiệp, hiện đại.

PV: Một trong những dấu ấn quan trọng của Kho bạc Nhà nước (KBNN) trong năm 2020 là đã trình Bộ Tài chính, trình Chính phủ ban hành Nghị định 11/2020/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định số 11) quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực KBNN. Xin ông cho một vài đánh giá về nghị định này?

- Ông Nguyễn Văn Quang: Đây là lần đầu tiên có một nghị định quy định riêng về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực kho bạc. Nghị định số 11 tạo cơ sở pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ để điều chỉnh tất cả các thủ tục hành chính (TTHC) thuộc lĩnh vực KBNN theo hướng cải cách, đơn giản hóa và phù hợp với các cơ chế, chính sách mới được ban hành, nhằm tạo ra một cơ chế quản lý có hiệu quả, tạo thuận lợi cho các đơn vị, cá nhân trong quá trình giao dịch thu, chi với KBNN.

Ông Nguyễn Văn Quang

Ông Nguyễn Văn Quang

Nghị định số 11 cũng góp phần xây dựng KBNN chuyên nghiệp, hiện đại và hình thành kho bạc điện tử, theo định hướng Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020. Nghị định số 11 đã kế thừa và phát huy những mặt tích cực của bộ TTHC thuộc lĩnh vực KBNN thời gian qua. Đồng thời nghị định có các quy định cải cách, đơn giản hóa nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị trong quá trình giao dịch với KBNN. Phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các đơn vị, cá nhân có liên quan trong việc triển khai thực hiện TTHC thuộc lĩnh vực KBNN theo nguyên tắc “thượng tôn pháp luật”, không làm phát sinh thêm các nhiệm vụ mới.

Với việc ban hành nghị định này đã cắt giảm 41 thành phần hồ sơ, bãi bỏ một số chỉ tiêu của 43 mẫu tờ khai TTHC; giảm thời hạn giải quyết của tất cả TTHC; bổ sung thêm quy định việc gửi, nhận và trả kết quả kiểm soát chi ngân sách nhà nước (NSNN) qua trang thông tin dịch vụ công của KBNN; quy định cụ thể lộ trình thực hiện TTHC qua dịch vụ công mức độ 4.

PV: Được biết, Nghị định 11 hướng đến các đơn vị sử dụng ngân sách, người dân và doanh nghiệp, nên các TTHC cũng được thay đổi theo hướng đơn giản, dễ thực hiện. Xin ông nói rõ hơn về những thay đổi này?

- Ông Nguyễn Văn Quang: Nghị định số 11 quy định 11 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực KBNN, có nhiều thay đổi theo hướng đơn giản dễ thực hiện, góp phần cải cách thủ tục hành chính. Những nội dung thay đổi đó tác động trực tiếp đến các đơn vị, cá nhân có giao dịch với KBNN. Một thay đổi lớn so với trước đây đó là. Trong lĩnh vực thu NSNN, thủ tục nộp tiền vào NSNN quy định rõ thời hạn giải quyết là không quá 5 phút theo phương thức điện tử; bổ sung việc nộp tiền vào NSNN qua Cổng dịch vụ công quốc gia; tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán..., qua đó tăng không gian và thời gian thu nộp NSNN.

Đối với lĩnh vực kiểm soát chi NSNN, trong quy định kiểm soát chi thường xuyên, đã bãi bỏ một số thành phần hồ sơ gửi KBNN, hoặc gộp lại theo hướng đơn giản, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị sử dụng ngân sách như: bỏ quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu; bỏ một số hồ sơ đối với chi đoàn ra như quyết định cử đi công tác nước ngoài của cấp có thẩm quyền...

Trong quy định kiểm soát chi đầu tư, bãi bỏ một số thành phần hồ sơ gửi KBNN như quyết định lựa chọn nhà thầu; đồng thời gộp tờ khai bảng xác định giá trị khối lượng công việc hoàn thành theo hợp đồng đề nghị thanh toán và bảng xác định giá trị khối lượng công việc phát sinh ngoài hợp đồng đề nghị thanh toán thành bảng xác định khối lượng công việc hoàn thành...

PV: Trong bối cảnh toàn hệ thống KBNN đang nỗ lực cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động nghiệp vụ, Nghị định 11 có tác động như thế nào tới các hoạt động của KBNN, thưa ông?

- Ông Nguyễn Văn Quang: Các thủ tục thu, kiểm soát chi NSNN qua KBNN được tăng cường thực hiện qua môi trường điện tử, với khả năng ứng dụng công nghệ thông tin cao, giúp hệ thống KBNN giám sát kiểm tra các hoạt động nghiệp vụ, từ khâu tiếp nhận thủ tục hành chính, đến trả kết quả, góp phần phòng chống rủi ro trong các hoạt động nghiệp vụ. Qua đó, hệ thống KBNN nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tiết giảm chi phí quản lý, kiểm soát tốt và tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong các hoạt động nghiệp vụ.

Để thực hiện tốt Nghị định số 11, hệ thống KBNN sẽ tiếp tục hoàn thiện các quy trình nghiêp vụ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình thực hiện TTHC thuộc lĩnh vực KBNN, qua đó nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn các đơn vị giao dịch, lấy sự hài lòng của khách hàng làm thước đo đánh giá kết quả hoạt động của các đơn vị thuộc hệ thống KBNN.

PV: Xin cảm ơn ông!

Hạnh Thảo (thực hiện)

Hạnh Thảo (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam