Cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước: Kỳ vọng sự “chuyển mình”

15:34 | 02/01/2021 Print
(TBTCVN) - Thời gian qua, hệ thống cơ chế chính sách pháp luật phục vụ quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước đã được ban hành đầy đủ và đang tiếp tục được ban hành, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trên thực tiễn.

Công ty cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) – một trong những

Công ty cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) – một trong những doanh nghiệp “lên đời”sau cổ phần hóa.

Đây là nền tảng để kỳ vọng tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới sẽ được đẩy nhanh hơn, cũng như đảm bảo quá trình này được thực hiện chặt chẽ hơn, công khai minh bạch, tối đa hóa lợi ích của Nhà nước và hạn chế thất thoát vốn, tài sản nhà nước.

Nhiều thương vụ thoái vốn hiệu quả cao

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, giai đoạn 2016 – 2020, đã có 178 doanh nghiệp (DN) được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa (CPH), với tổng giá trị DN là 443.503 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước (NN) là 207.116 tỷ đồng. Tổng giá trị dự kiến bán cho các đối tượng là 98.748 tỷ đồng, tương đương 48% giá trị phần vốn NN tại DN. Tổng giá trị thực tế bán được là 22.748 tỷ đồng (đạt 23% kế hoạch dự kiến bán, tương đương 11% giá trị phần vốn NN tại DN). Tổng giá trị thu về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN từ công tác CPH là 36.145 tỷ đồng (đạt 1,6 lần so với giá bán). Cũng theo Bộ Tài chính, tổng số thoái vốn (TV) giai đoạn 2016 – 2020 đạt 27.275 tỷ đồng, thu về 177.037 tỷ đồng.

Đánh giá về kết quả CPH, TV giai đoạn 2016 – 2020, ông Đặng Quyết Tiến – Cục trưởng Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính cho biết, việc CPH, TV giai đoạn này đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, CPH vượt kế hoạch về số lượng, giá trị cổ phần NN bán được đạt 11%, nhiều hơn so với giai đoạn 2011 - 2015 (8%); TV đạt kết quả tốt, có nhiều thương vụ TV hiệu quả cao (Vinamilk, Sabeco…). Bên cạnh đó, các DN CPH, TV trong giai đoạn 2016 - 2020 không phát sinh tiêu cực thất thoát vốn, tài sản NN, DN; DNNN được sắp xếp lại tinh gọn hơn, hiệu quả hoạt động được nâng cao…

Công ty cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) – một trong những
Infographics: T.L

Mặc dù vậy, quá trình CPH, TV giai đoạn 2016 – 2020 được đánh giá vẫn còn có những tồn tại. Cụ thể như, tiến độ CPH, TV chậm hơn so với kế hoạch được đề ra. Trong số 178 DN đã CPH chỉ có 37/128 DN CPH thuộc danh mục CPH theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đạt 28% kế hoạch. Bên cạnh đó, theo kế hoạch đề ra đối với công tác TV, trong giai đoạn 2016 – 2020, sẽ thực hiện TV tại 348 DN với tổng giá trị vốn NN theo sổ sách là khoảng 60.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến tháng 11/2020 chỉ triển khai TV được tại 105 DN (đạt 30% về số lượng), với tổng giá trị vốn NN theo sổ sách thoái được là 6.492 tỷ đồng (đạt 11% tổng giá trị phải thoái).

Cơ chế chính sách ngày càng hoàn thiện, đồng bộ

Nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ CPH, TV và hạn chế thất thoát vốn, tài sản NN trong quá trình CPH, TV, cơ cấu lại DNNN, trong năm 2020, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành một số cơ chế chính sách về CPH, TV. Trong đó, đáng chú ý là Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành 2 nghị định: Nghị định số 121/2020/NĐ-CP ngày 9/10/2020 sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 12 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn NN vào DN và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DN. Tại Nghị định 121/2020/NĐ-CP đã bổ sung lĩnh vực ngân hàng áp dụng đối với các ngân hàng thương mại cổ phần do NN nắm giữ trên 50% vốn điều lệ thuộc lĩnh vực được NN tiếp tục đầu tư vốn để duy trì tỷ lệ cổ phần, vốn góp của NN.

Nghị định số 140/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, Nghị định số 91/2015/NĐ-CP và Nghị định số 32/2018/NĐ-CP (Nghị định 140). Tại Nghị định 140 đã sửa đổi, bổ sung nhiều điểm mới, qua đó, tháo gỡ các vướng mắc pháp lý, khó khăn thực tiễn.

Chẳng hạn như, liên quan đến phương án sử dụng đất khi CPH, Nghị định 140 đã có những điểm mới sửa đổi, bổ sung. Cụ thể, Nghị định 140 quy định căn cứ phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được phê duyệt theo quy định, nhu cầu sử dụng đất của DN khi CPH và thời điểm xác định giá trị DN, DN CPH xây dựng phương án sử dụng đất khi CPH trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Phương án sử dụng đất bao gồm toàn bộ diện tích đất của DN CPH và các công ty TNHH MTV do DN CPH đầu tư 100% vốn điều lệ đang quản lý, sử dụng tính đến thời điểm xác định giá trị DN.

Bên cạnh đó, Nghị định 140 cũng sửa đổi, bổ sung nhiều quy định liên quan đến xử lý tài chính tại thời điểm xác định giá trị DN và thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần, về xác định giá trị DN; cũng như các quy định về tư vấn CPH và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, các quy định về công bố thông tin, quy định về đặt cọc, ký quỹ bằng ngoại tệ khi tham gia đấu giá mua cổ phần…

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh đánh giá, Nghị định 140 có rất nhiều điểm mới được sửa đổi, bổ sung, quy định rõ ràng, cụ thể về nhiều vấn đề liên quan đến quá trình DNNN thực hiện CPH, TV, cũng như gỡ những “nút thắt” vướng mắc, bất cập trong các cơ chế, chính sách hiện hành. Do đó, kỳ vọng sẽ thúc đẩy quá trình CPH, TV trong giai đoạn tới diễn ra nhanh hơn, cũng như nâng cao hiệu quả của công tác CPH, TV, hạn chế thất thoát vốn, tài sản NN trong quá trình CPH, TV, cơ cấu lại DNNN…

Diệu Thiện

Diệu Thiện

© Thời báo Tài chính Việt Nam