Thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021: Các địa phương cùng quyết tâm hành động

14:26 | 02/01/2021 Print
(TBTCVN) - Năm 2020 nhiều thử thách nên những thành công đạt được càng có ý nghĩa hơn, việc thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách là một điển hình.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đến thời điểm hiện nay, có địa phương cán đích vượt thu, có địa phương giảm thấp nhất số hụt thu, nhưng về cơ bản hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách giai đoạn 2016 - 2020. Đây vẫn là nhiệm vụ trọng tâm của các địa phương trong năm đầu nhiệm kỳ 2021.

* Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh:

“Khó khăn gấp đôi, Hà Nội sẽ cố gắng gấp ba”

Ông Chu Ngọc Anh

Ông Chu Ngọc Anh

Năm 2020, với nỗ lực bám sát các bộ, ngành, thu ngân sách trên địa bàn thành phố đã vượt và tăng 3,9% so với năm tốt nhất là năm 2019. Nếu tính cả số thu ngân sách trên địa bàn giao Cục Thuế TP. Hà Nội quản lý thì con số sẽ đạt mức 300.000 - 340.000 tỷ đồng.

Giải ngân trên địa bàn thành phố đạt mức trên 93% với 45 nghìn tỷ đồng. Năm 2020, đã dành được tỷ lệ chi cho đầu tư phát triển 49%, chi thường xuyên chỉ còn 51%, đã tiết kiệm được 3 nghìn tỷ đồng chi thường xuyên, dành cho chi đầu tư.

Năm qua, trên địa bàn thành phố, số doanh nghiệp thành lập mới, đầu tư vốn nước ngoài tăng, khoảng 4 tỷ USD so với cả nước là 26,5 tỷ USD. Thành phố đã ủng hộ các tổ chức, cá nhân phòng chống dịch Covid-19 số kinh phí 243 tỷ đồng; ủng hộ khắc phục hậu quả lũ lụt là hơn 118 tỷ đồng.

Năm 2021, năm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 10 năm 2021 - 2030, TP. Hà Nội thực hiện chủ đề công tác năm là: “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”. Hà Nội xây dựng 23 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó phấn đấu tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng khoảng 7,5%.

Ngay sau khi Chính phủ ban hành các Nghị quyết 01, 02 về phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh năm 2021, TP. Hà Nội sẽ ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện nghị quyết của Chính phủ, trong đó tập trung thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện. Khó khăn gấp đôi, Hà Nội sẽ cố gắng gấp ba.q

* Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong:

Cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng

Ông Nguyễn Thành Phong

Ông Nguyễn Thành Phong

Năm 2020, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của doanh nghiệp và sự đồng lòng của người dân đã góp phần đưa kinh tế TP. Hồ Chí Minh vượt qua giai đoạn khó khăn và mang lại nhiều điểm sáng tích cực. Trong bối cảnh khó khăn, kinh tế thành phố có sự phục hồi, đạt kết quả tích cực với mức tăng trưởng 1,39% so với năm 2019; xuất khẩu đạt hơn 44 tỷ USD; hơn 40.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký hơn 1 triệu tỷ đồng và hơn 8.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại.

Dù bị ảnh hưởng dịch Covid-19, song TP. Hồ Chí Minh có nhiều nỗ lực trong hoạt động thu ngân sách, năm 2020 ước đạt 352.000 tỷ đồng (đạt 86,7% so với dự toán). Tính chung giai đoạn 2016 - 2020, tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh tăng từ 62,1% lên 67,6%.

Thành phố sẽ nỗ lực hơn nữa ngay từ những tháng đầu năm 2021 để tạo đà hoàn thành thắng lợi các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2021. Thành phố xác định chủ đề năm 2021 là “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”; đồng thời tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, triển khai phục hồi kinh tế, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh, cải cách hành chính, nâng cao phúc lợi xã hội…

Năm 2021, thành phố xác định 20 chỉ tiêu và 9 nội dung trọng tâm. Trong đó, tập trung thực hiện chính quyền đô thị; sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP. Thủ Đức; nghiên cứu các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Thủ Đức để trình các cơ quan Trung ương thông qua trong thời gian sắp tới. TP. Hồ Chí Minh chú trọng thực hiện 4 chương trình đột phá, trọng điểm phát triển TP. Hồ Chí Minh với 51 chương trình, đề án thành phần…

* Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa:

Tập trung phát triển kinh tế để nâng cao thu nhập cho người dân

Ông Phạm Thiện Nghĩa

Ông Phạm Thiện Nghĩa

Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 - 2020), Đồng Tháp cơ bản đạt mục tiêu đề ra. Tăng trưởng kinh tế của tỉnh tiếp tục có bước phát triển toàn diện, tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm (2016 - 2020) ước đạt 6,44%/năm, thu nhập bình quân đầu người nâng lên đáng kể, đến cuối năm 2020 ước đạt trên 47 triệu đồng, rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa thành thị và nông thôn còn 1,21 lần.

Phương châm “đồng hành cùng doanh nghiệp” của tỉnh được khẳng định bằng những hành động thiết thực. Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025), Đồng Tháp đề ra 19 chỉ tiêu phấn đấu; trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế phấn đấu đạt 7,5%/năm và năm 2021 đạt 7,0%.

Dù vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng Đồng Tháp vẫn kiên định mục tiêu không chạy theo chỉ tiêu tăng trưởng bằng mọi giá. Tỉnh sẽ tập trung phát triển kinh tế để nâng cao thu nhập cho người dân, đồng hành cùng doanh nghiệp, giải quyết tốt các vấn đề xã hội như: tạo việc làm, giảm nghèo, nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục…, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

* Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng:

Thu vượt dự toán Trung ương giao

Ông Nguyễn Văn Tùng

Ông Nguyễn Văn Tùng

Thành phố Hải Phòng năm 2020 đã thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kép mà Trung ương và Chính phủ đã chỉ đạo. GRDP năm 2020 tăng 11,22% so với năm 2019, bình quân 5 năm 2016 - 2020 tăng gần 14%/năm; vượt kế hoạch đề ra (là 10,5%/năm). Tổng thu ngân sách năm 2020 đạt gần 86.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt 31.300 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2019, vượt dự toán Trung ương giao; gấp 2,4 lần so với năm 2015; bình quân 5 năm tăng 19,2%/năm. Kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt gần 19 tỷ USD, tăng 18,5% so với năm 2019; bình quân 5 năm tăng 34,5 %/năm.

Thực hiện kế hoạch năm 2021 và 5 năm (2021 - 2025), thành phố đã xây dựng hai kế hoạch trên với các chỉ tiêu cao hơn so với năm 2020 và bám sát các mục tiêu trong Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị. Trong đó, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2021 là 13,5%; GRDP bình quân 5 năm là 14,5%/năm.

Thành phố đề xuất Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư đối với các dự án xây dựng khu công nghiệp; điều chỉnh Nghị định số 89/2017/NĐ-CP về quy định một số chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Hải Phòng để thành phố phát huy tối đa các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, TP. Hải Phòng kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt kế hoạch về điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

* Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tường Văn:

“Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”

Ông Nguyễn Tường Văn

Ông Nguyễn Tường Văn

Tỉnh Quảng Ninh trong năm 2020 giữ vững địa bàn an toàn - ổn định - phát triển. Tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 10,05%, đứng thứ ba cả nước, có ý nghĩa quyết định hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GRDP của cả giai đoạn 2016 - 2020, đạt 10,7%. Thu NSNN năm 2020 đạt 49.300 tỷ đồng, tăng 3% so với dự toán và tăng 7% so với năm 2019.

Quảng Ninh cũng tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực thúc đẩy hợp tác công tư theo phương châm “Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, quyết tâm giữ vững vị trí thứ nhất ba năm liền về chỉ số PCI, Par Index, tháo gỡ mọi khó khăn cho doanh nghiệp.

Năm 2021, tỉnh Quảng Ninh xác định: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tăng trên 10%; thu ngân sách nội địa phấn đấu mức tăng cao nhất, tỷ lệ tăng thu tương ứng với mục tiêu tăng trưởng; thu xuất nhập khẩu đạt và vượt chỉ tiêu Trung ương giao. Tổng thu NSNN trên địa bàn không thấp hơn 51.000 tỷ đồng.

Nhóm phóng viên tổng hợp

Nhóm phóng viên tổng hợp

© Thời báo Tài chính Việt Nam