Đại biểu Quốc hội Trần Quang Chiểu: Chính sách tài khóa khẳng định vị thế, uy tín của ngành Tài chính

14:11 | 02/01/2021 Print
(TBTCVN) - Ngành Tài chính đã đạt thắng lợi kép, khi vừa phấn đấu đảm bảo đạt cao nhất số thu ngân sách theo dự toán được giao, vừa có các chính sách tài khóa hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp. Từ đó, đã khẳng định hơn nữa vị thế, uy tín của ngành Tài chính.

Nhiều chính sách được Bộ Tài chính đề xuất đã phát huy hiệu quả

Nhiều chính sách được Bộ Tài chính đề xuất đã phát huy hiệu quả, kịp thời động viên cộng đồng doanh nghiệp.

Ông Trần Quang Chiểu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, khẳng định như vậy khi trả lời phỏng vấn phóng viên TBTCVN.

-PV: Năm 2020 khép lại với nhiều biến cố, nhưng qua đó lại thể hiện được bản lĩnh và ý chí của người Việt Nam. Trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung và ngân sách nhà nước nói riêng cũng vậy, thu ngân sách phấn đấu từng ngày, so với số thu báo cáo Quốc hội thời điểm tháng 10, đến nay đã vượt lên rất nhiều. Ông đánh giá như thế nào về kết quả thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách của ngành Tài chính?

Ông Trần Quang Chiểu: Năm nay đúng là năm thử thách rất lớn đối với nền kinh tế cũng như thực hiện nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN) của ngành Tài chính. Trên cơ sở thu ngân sách đạt khá cao của năm 2019, những tưởng năm 2020, nếu cứ trên đà như vậy, số thu ngân sách sẽ tiếp tục đạt kết quả khả quan, đóng góp cao vào thành tích chung của kế hoạch tài chính - ngân sách 5 năm giai đoạn (2016 - 2020). Thế nhưng từ đầu năm, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề trên toàn thế giới và Việt Nam. Hiện Việt Nam là nền kinh tế mở, nên đã bị tác động rất lớn khi thế giới nhiều nền kinh tế tăng trưởng âm. Cùng với đó, trong nước, nhiều đối tượng doanh nghiệp, người dân bị lao đao bởi dịch Covid-19, đã tác động trực tiếp tới tăng trưởng và nguồn thu ngân sách.

Ông Trần Quang Chiểu

Ông Trần Quang Chiểu

Trong khi đó, nhìn lại kết quả thu ngân sách có thể khẳng định, đây là một điểm sáng. Ngay từ thời điểm kỳ họp Quốc hội lần thứ X, Quốc hội khóa XIII diễn ra, mặc dù khi đó, Chính phủ báo cáo Quốc hội thu ngân sách bị giảm khoảng 190 nghìn tỷ đồng so với dự toán, nhưng nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã đánh giá cao nỗ lực của ngành Tài chính. Trong khi tăng trưởng kinh tế giảm một nửa, thì số thu ngân sách đánh giá khi đó mới giảm khoảng 12,5%. Đến nay, theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính, ước thu ngân sách cả năm đạt 2020 đạt 1.472 nghìn tỷ đồng, đạt 98,3% dự toán, trong đó, thu nội địa gần đạt dự toán. Nhiều tỉnh, thành phố ước thu vượt cân đối ngân sách địa phương, thu ngân sách trung ương cũng đạt cao hơn số trước đó đã báo cáo Quốc hội.

Có thể khẳng định, ngành Tài chính cũng đã đạt thắng lợi kép, khi vừa phấn đấu đảm bảo đạt cao nhất số thu ngân sách theo dự toán được giao, vừa hỗ trợ một loạt các chính sách tài khóa cho người dân và doanh nghiệp; nâng cao vị thế, uy tín của ngành Tài chính.

-PV: Năm 2021 rất khó dự đoán khi dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp. Quốc hội vừa qua đã quyết định tăng trưởng kinh tế ở mức khoảng 6%, thu ngân sách ở mức hơn 1,3 triệu tỷ đồng là một nhiệm vụ hết sức nặng nề. Theo ông, trong năm đầu nhiệm kỳ này, ngành Tài chính cần ưu tiên những giải pháp trọng tâm nào để hoàn thành được nhiệm vụ đề ra?

Ông Trần Quang Chiểu: Trong bối cảnh tác động của dịch bệnh đến nền kinh tế và cân đối thu - chi NSNN là rất lớn, khi bàn bạc, Quốc hội cũng đã cân nhắc rất kỹ các chỉ tiêu này, nếu trong điều kiện bình thường chúng ta kiểm soát tốt được dịch bệnh, về cơ bản năm 2021 chúng ta sẽ đạt được các mục tiêu đề ra.

Chính sách tài chính đã đi đúng hướng

Nếu nói đến thành công trong điều hành chính sách tài khóa năm 2020 của Bộ Tài chính phải nhắc đến chính sách hỗ trợ, đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp. Dù xác định sẽ tác động lớn tới nguồn thu ngân sách, nhưng Bộ Tài chính đã chủ động rà soát và trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội nhiều chính sách thuế hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Đến thời điểm này, có thể khẳng định các chính sách của Chính phủ, Bộ Tài chính đã đi đúng hướng, phát huy hiệu quả, kịp thời động viên cộng đồng doanh nghiệp.

Tôi được biết, một số chính sách tài khóa hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đã được Bộ Tài chính đề xuất và quyết định kéo dài đến nửa năm 2021. Đồng thời, Bộ Tài chính trong thời gian tới sẽ tiếp tục bám sát diễn biến thực tế để kịp thời đề xuất các chính sách phù hợp.

Về chi ngân sách, các bộ, ngành, địa phương vẫn cần tiếp tục tiết kiệm kinh phí hội họp, công tác trong và ngoài nước ở mức cao hơn; tiết kiệm thêm các khoản chi thường xuyên khác, đặc biệt là các khoản chi mua sắm trang thiết bị chưa cần thiết. Nguyên tắc phải thực hiện theo đúng quy định trong Luật NSNN, đó là: “Khi thu không đạt dự toán, thì phải điều chỉnh giảm một số khoản chi”.

Đối với các giải pháp về thu, như tôi đã phát biểu nhiều lần trước đó, để tiếp tục cơ cấu, đảm bảo tính bền vững của thu NSNN thời gian tới ngành Tài chính cần tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ thực hiện cho được Chiến lược cải cách thuế. Theo đó, cần tập trung điều chỉnh chính sách thu “phải đảm bảo cho được tính trung lập của chính sách thuế”, vừa mở rộng cơ sở thu, vừa đảm bảo bình đẳng các thành phần kinh tế trong chính sách thuế, phù hợp thông lệ quốc tế, đảm bảo huy động hợp lý cho NSNN; tăng thu từ sản xuất kinh doanh.

Trong nhiệm kỳ tới, cần nghiên cứu xây dựng hoàn chỉnh các chính sách thu - chi, các quy định về phân cấp nguồn thu giữa các cấp ngân sách theo hướng đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương; tăng cường các giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chống chuyển giá, thu hồi nợ đọng thuế, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ thu NSNN năm đầu nhiệm kỳ 2021, tạo nền tảng và tạo đà vững chắc cho những năm tiếp theo.

-PV: Xin cảm ơn ông!

Thực hiện chính sách tài khoá chủ động, linh hoạt

Chính sách tài khóa phải góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng. Những năm qua, ngành Tài chính đã làm rất tốt điều này.

Tuy nhiên năm 2020, trước bối cảnh đặc biệt, cần phải có những chính sách đặc biệt. Để ứng phó với các cú sốc, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, chúng ta đã thực hiện chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt. Trong điều kiện thu ngân sách khó khăn, Bộ Tài chính vẫn đảm bảo nguồn để chi các nhiệm vụ quan trọng theo dự toán, đặc biệt là chi đầu tư phát triển, bổ sung chi phòng chống dịch, hỗ trợ người lao động bị giảm sâu thu nhập; chi khắc phục hậu quả thiên tai...

Vậy câu hỏi đặt ra là nguồn đâu để chi nhiều nhiệm vụ lớn, cấp bách phát sinh như thế. Tôi đánh giá cao Bộ Tài chính đã sớm yêu cầu các bộ, ngành, địa phương điều hành chi NSNN chặt chẽ, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên; rà soát để cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác phí trong và ngoài nước và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020, đặc biệt là các khoản chi mua sắm chưa thực sự cần thiết. Từ nguồn tiết kiệm này, cộng với việc thành công trong cơ cấu lại NSNN từ năm 2016, chúng ta đã có dư địa để chi cho các nhiệm vụ cấp bách phát sinh.

Minh Anh (thực hiện)

Minh Anh (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam