Việt Nam đang cho thấy cam kết mạnh mẽ với toàn cầu hoá

10:46 | 02/01/2021 Print
(TBTCVN) - Hội nhập kinh tế quốc tế là một chủ trương và chính sách của Việt Nam từ khi mở cửa đến nay. Những chính sách đó luôn mang lại lợi ích về tăng trưởng kinh tế, xoá đói giảm nghèo và rất nhiều những lợi ích khác. Đặc biệt là về tăng trưởng xuất khẩu, thúc đẩy đầu tư, nhất là FDI...

in

Nguồn: TTXVN Infographics: T.L

Việt Nam đến nay đã tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP. Để hiểu rõ hơn về tác động của các FTA trong việc nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế, phóng viên TBTCVN đã phỏng vấn ông Phạm Minh Đức - chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam xung quanh vấn đề này.

PV: Ông đánh giá thế nào về tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam hiện nay?

Ông Phạm Minh Đức: Hội nhập kinh tế quốc tế là một chủ trương và chính sách của Việt Nam từ khi mở cửa đến nay. Những chính sách đó luôn mang lại lợi ích về tăng trưởng kinh tế, xoá đói giảm nghèo và rất nhiều những lợi ích khác. Đặc biệt là về tăng trưởng xuất khẩu, thúc đẩy đầu tư, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài, tạo công ăn việc làm, chuyển giao công nghệ, tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh nói chung.

PV: Việt Nam đã tham gia nhiều FTA, trong đó có các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP. Theo ông, những FTA này có tác động thế nào đối với sức chống chịu của các doanh nghiệp (DN) Việt nói riêng và của nền kinh tế Việt Nam nói chung trong bối cảnh đại dịch Covid-19 năm 2020?

Ông Phạm Minh Đức: Hội nhập làm tăng độ mở kinh tế và trên thực tế làm cho tăng trưởng phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu. Năm 2020, sức chống chịu của nền kinh tế Việt Nam đã được thử nghiệm.

duc

Ông Phạm Minh Đức

Việc hội nhập kinh tế quốc tế thành công không chỉ là tăng trưởng dựa trên thương mại mà còn phải nâng cao được năng lực cạnh tranh thông qua nội lực của nền kinh tế. Năm 2020 đã chứng minh được nền kinh tế Việt Nam đã có nội lực, có sức chống chịu rất tốt trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như vậy. Đó là một lợi thế lâu dài của hội nhập kinh tế quốc tế đã được chứng minh tại Việt Nam.

PV: Ông có thể nói rõ hơn tác động của các FTA này đối với việc nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN Việt?

Ông Phạm Minh Đức: Việc tham gia các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới thúc đẩy Việt Nam gia nhập, tham gia một cách sâu rộng hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Điều này thể hiện trước hết là đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, tăng trưởng xuất khẩu, phát triển các thị trường, mở rộng các ngành hàng xuất nhập khẩu… tạo nên tính đa dạng của nền kinh tế. Đồng thời, nó cũng giúp các DN trong nước từng bước tự nâng cao năng lực để có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Sự tham gia này trước hết là sự liên kết giữa các DN Việt với các DN đầu tư nước ngoài trong nước, chưa kể những mối liên kết vào chuỗi giá trị mà sản xuất bên ngoài Việt Nam để xuất khẩu toàn cầu (tức tham gia một phần vào chuỗi đó). Năng lực này ngày càng được mở rộng và tăng cường trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là những FTA thế hệ mới - nơi có những quy định ngặt nghèo về chất lượng sản phẩm, quy trình sản xuất, trách nhiệm xã hội và môi trường của DN…. Các DN trong nước tham gia vào chuỗi này cũng nâng cao được năng lực quản lý, năng lực tổ chức sản xuất, năng lực của người lao động, năng lực gắn kết… và tham gia một cách hữu hiệu vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Tất nhiên, không phải DN nào cũng thành công, nhưng các DN Việt Nam đã từng bước nâng cao được quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

PV: Các FTA này có mang lại những lợi thế đặc biệt nào cho Việt Nam trong bối cảnh Covid-19, thưa ông?

Ông Phạm Minh Đức: Các FTA này mang lại những lợi thế đặc biệt cho Việt Nam ở khía cạnh năng lực sản xuất của các DN trong nước được nâng lên. Khi dịch Covid-19 diễn ra thì chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, bị gián đoạn, đặc biệt là nguồn cung về các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam phần lớn phụ thuộc vào nguồn cung từ bên ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc. Nhưng sức chống chịu của Việt Nam khá tốt, thể hiện ở khả năng thay thế được những nguồn nguyên liệu do sự tham gia của các DN Việt vào chuỗi giá trị toàn cầu đã ở mức tương đối cao. Việt Nam vượt lên được ở mức độ có thể duy trì chuỗi cung ứng trong nước để thay thế cho sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, từ đó có thể duy trì mức độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam luôn dương trong suốt những tháng và những quý của năm 2020.

Khi quan sát kỹ có thể thấy mức độ tăng trưởng của các DN trong nước xuất khẩu hàng công nghiệp cao hơn các DN đầu tư nước ngoài vào quý I và quý II/2020, khi các nước cung ứng trong đó có Trung Quốc đóng cửa. Điều này chứng tỏ các DN xuất khẩu trong nước linh hoạt hơn trong việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu nội địa thay thế nguồn cung nhập khẩu bị gián đoạn so với các DN đầu tư nước ngoài. Đặc biệt ở một số ngành, như ngành cơ khí, chế tạo, thể hiện sức bền bỉ và linh hoạt của nền kinh tế trong việc thích ứng với sự đứt gãy, gián đoạn chuỗi cung ứng mà Việt Nam tham gia. Đó là động lực chính để thúc đẩy duy trì tăng trưởng dương của Việt Nam so với các nước khác trong khu vực.

PV: Theo ông, để việc tận dụng FTA đóng góp tốt hơn vào sự phục hồi của kinh tế và duy trì tăng trưởng thì cần chú ý điều gì?

Ông Phạm Minh Đức: Điều quan trọng nhất của việc thực hiện tốt các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới là khả năng tuân thủ các quy định của hiệp định và các cam kết của Việt Nam. Trong đó, tiêu biểu là các quy định như xuất xứ hàng hóa, phải đảm bảo được tỷ lệ Việt Nam nhất định trong sản phẩm. Muốn làm được điều này, phải nâng cao được năng lực nội tại của nền kinh tế, tức là mức độ tham gia vào chuỗi giá trị phải cao thì mới có thể tạo ra được những lợi thế về thuế quan. Nhưng quan trọng hơn nó có thể nâng cao được năng lực cạnh tranh, khả năng sản xuất xuất khẩu của Việt Nam bằng năng lực nội tại của mình. Từ đó có thể giúp Việt Nam chống chịu được với những cú sốc từ bên ngoài kiểu như Covid-19.

Những lợi thế vô cùng to lớn đó đòi hỏi các DN trong nước luôn luôn phải nâng cao được năng lực của mình. Trong đó. những năng lực quan trọng là kỹ năng của người lao động, năng lực quản lý, hệ thống quản lý phải đáp ứng được những chuẩn mực quản lý quốc tế, các yêu cầu chuẩn về môi trường, chất lượng, trách nhiệm xã hội của DN, về cả những thể chế đi kèm… Điều này đòi hỏi sự thay đổi không chỉ của DN mà còn là sự thay đổi của các chính sách liên quan, để đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của một nền kinh tế định hướng thị trường.

PV: Xin cảm ơn ông!

Các FTA mới sẽ là động lực cải cách của Việt Nam

Theo Ngân hàng Thế giới, ngoài những lợi ích rõ rệt qua 3 FTA là CPTPP, EVFTA, RCEP (chủ yếu do quy mô của các thị trường liên quan hơn là do cắt giảm thuế quan), các FTA trên cũng là tín hiệu cho thấy Việt Nam cam kết mạnh mẽ với toàn cầu hóa, khi chủ nghĩa bảo hộ đang trỗi dậy ở những miền đất khác trên thế giới. Cam kết đó cũng là ưu tiên chính được lồng vào chiến lược phát triển quốc gia mới, sẽ được các nhà lãnh đạo quốc gia thông qua vào đầu năm 2021. Hơn nữa, với phần lớn các bên liên quan ở Việt Nam, 3 FTA trên có thể tạo động lực mạnh mẽ nhằm tạo sự đồng thuận và qua đó đẩy mạnh triển khai những cải cách thể chế đầy thách thức.

Luyện Vũ (thực hiện)

Luyện Vũ (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam