Dịch vụ công trực tuyến giúp công tác khóa sổ quyết toán nhàn hơn

19:31 | 01/01/2021 Print
“Chưa năm nào ngày quyết toán khóa sổ lại buồn như năm nay”. Đây là câu nói vui của cán bộ kho bạc để cho thấy dịch vụ công trực tuyến đã làm thay đổi phương thức giao dịch, đưa đến cho đơn vị sử dụng ngân sách thuận lợi, giúp cho công việc ngày cuối năm của kho bạc nhàn đi rất nhiều.

KBNN Sơn la

Cán bộ KBNN Sơn La đang thực hiện đối chiếu số liệu với đơn vị giao dịch. Ảnh: H.T

Sơn La: “Chờ cả ngày không thấy khách hàng”

Chia sẻ này của Giám đốc Kho bạc Nhà nước (KBNN) Sơn La- ông Đặng Hồng Quang trong những ngày thực hiện quyết toán khóa sổ cuối năm. Ông Quang cho biết, từ ngày thực hiện dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), trừ những ngày thực hiện đối chiếu số liệu còn có người ra người vào, còn ngày nào cũng như thế này (cả ngày không có một khách hàng), khác hẳn với không khí bận rộn, hối hả vốn đã trở thành “thương hiệu” của KBNN trong những ngày khóa sổ cuối năm trước đây. Đồng thời, cảnh tượng khách hàng đến chờ giao dịch “xếp hàng dài, đông vui như ngày hội” cũng không còn nữa.

Nói sâu hơn về công tác quyết toán cuối năm, ông Quang cho biết, cũng như mọi năm, KBNN Sơn La đã yêu cầu các đơn vị KBNN trực thuộc phối hợp tốt với các cơ quan thu, đặc biệt là phối hợp với các hệ thống ngân hàng thương mại được ủy nhiệm thu để tập trung tất cả các khoản thu thuế, phí, lệ phí vào ngân sách kịp thời. Trong công tác kiểm soát chi, KBNN Sơn La cũng đã chỉ đạo toàn thể cán bộ tập trung cho công tác chi thường xuyên và chi đầu tư.

Tuy nhiên, năm nay, DVCTT của Kho bạc đã được “phủ sóng” đến tất cả các huyện trên địa bàn tỉnh nên các đơn vị sử dụng ngân sách (SDNS) không còn phải đi lại để mang chứng từ đến kho bạc nữa. Do đó, tại trụ sở các KBNN đều vắng khách hàng giao dịch, chỉ có các cán bộ kho bạc đang thực hiện kiểm soát thanh toán các chứng từ trên DVCTT do các đơn vị SDNS gửi đến.

Tuy nhiên, theo Giám đốc KBNN Sơn La, mặc dù việc quyết toán đã nhàn hơn, nhưng việc làm thêm giờ vào buổi trưa, thông sang chiều và làm thêm giờ vào buổi tối vẫn diễn ra bình thường để kịp nhập chứng từ, số liệu đảm bảo cho các giao dịch.

Tại KBNN Sơn La, chúng tôi có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Phạm Thị Hòa, chị cho biết, ưu điểm của DVCTT chính là giúp các đơn vị SDNS chuyển chứng từ sang Kho bạc trên môi trường mạng bất cứ lúc nào, nên có thể nửa đêm, các đơn vị SDNS vẫn có thể gửi được chứng từ.

Theo đó, với một tỉnh miền núi như Sơn La thì DVCTT càng mang lại nhiều lợi ích khi có nhiều huyện, xã ở xa, đường xá đi lại đèo dốc khó khăn. Cá biệt có những xã để đi được tới huyện cũng phải ngót nghét trăm cây số nên DVCTT đã là “cứu cánh” giúp các kế toán xã không phải vất vả đi lại và không còn nghĩ tới chuyện nghỉ việc nữa. Nhưng với Kho bạc, nguyên tắc đã được đặt ra là không được để bất cứ một hồ sơ nào tồn đọng mà không có lý do nên các cán bộ kho bạc phải thực hiện tiếp nhận hết các hồ sơ trong ngày. “Hồ sơ được gửi tới Kho bạc vào lúc 23h55 phút vẫn là trong ngày nên cán bộ vẫn phải thực hiện tiếp nhận, xử lý. Vì thế, đây cũng là một áp lực cho Kho bạc trong những ngày cuối năm này”, bà Hòa cho biết.

KBNN Hòa Bình
Các đơn vị SDNS đến KBNN Hòa Bình thực hiện đối chiếu số liệu. Ảnh: H.T

Tuy nhiên, cũng theo Phó Giám đốc KBNN Sơn La, sự vất vả dường như đã thành thói quen với những con người “tay hòm chìa khóa” giữ nguồn ngân quỹ nhà nước, nên vào những ngày cao điểm này, các anh chị vẫn gác lại những công việc riêng, bố trí công việc gia đình chu toàn để dành thời gian hoàn thành tốt các công việc được giao và đảm bảo “dòng chảy” nguồn vốn được kịp thời đến với các đơn vị SDNS.

Hòa Bình: Nhiều đơn vị SDNS xung phong tham gia DVCTT

Tạm biệt Sơn La, chúng tôi có mặt tại Hòa Bình cũng là một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn. Để tập trung nhanh các khoản thu vào NSNN, KBNN Hòa Bình đã tích cực phối hợp với các cơ quan thu và các hệ thống ngân hàng thương mại trên địa bàn. Ông Lê Hoài Thanh, Giám đốc KBNN Hòa Bình cho biết, đơn vị cũng vừa ký kết phối hợp thu ngân sách thêm với Ngân hàng Ngoại thương và tại huyện Cao Phong, đã ký với Ngân hàng Đầu tư và phát triển mới mở thêm chi nhánh tại đây.

Theo ông Lê Hoài Thanh, ước đến hết ngày 31/12/2020, số thu ngân sách của tỉnh đạt 100% kế hoạch Chính phủ giao, nhưng so với kế hoạch của HĐND tỉnh giao thì không đạt. Nguyên nhân là do dịch bệnh, hạn hán nên tiền thu từ đất và tiền thu từ thủy điện bị sụt giảm.

Về chi ngân sách nguồn vốn thường xuyên, KBNN Hòa Bình không gặp khó khăn gì. Chỉ có trong kiểm soát chi đầu tư, hiện Hòa Bình đạt tỷ lệ thấp so với toàn quốc là do có một số dự án gặp khó khăn trong khâu chuẩn bị các thủ tục đầu tư. Một số dự án được bố trí nguồn thu từ đất nhưng số thu từ đất năm nay tại Hòa Bình không đạt nên không có vốn cho các dự án này…

Giống như Sơn La, tại Hòa Bình, không khí làm việc trong những ngày khóa sổ quyết toán cuối năm diễn ra bình thường, các cán bộ kho bạc cũng thực hiện làm thêm giờ để kịp xử lý các hồ sơ được đơn vị SDNS gửi trên DVCTT.

Đánh giá về việc triển khai DVCTT, ông Lê Hoài Thanh cho biết, Hòa Bình không thuộc top đầu nhưng cũng thuộc top các địa phương về đích khá sớm. Cuối tháng 10/2020, KBNN Hòa Bình đã hoàn thành triển khai DVCTT đến tất cả các đơn vị SDNS trong toàn tỉnh (trừ khối an ninh, quốc phòng).

Kết quả này là sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của KBNN Hòa Bình bởi lúc đầu, nhiều đơn vị SDNS còn ngại, nấn ná xin được thực hiện sau. Tuy nhiên, với quyết tâm đưa đến phương thức giao dịch mới, hiện đại, KBNN Hòa Bình đã tuyên truyền, vận động và dùng sự lan tỏa của đơn vị đi trước cho đơn vị sau, do đó các đơn vị đã tích cực tham gia sử dụng DVCTT. “Thậm chí, nhiều đơn vị SDNS thấy được sự tiện lợi của DVCTT mang lại đã xung phong thực hiện, có đơn vị SDNS không thuộc đối tượng bắt buộc thực hiện DVCTT nhưng cũng xin tham gia, chưa cần đến sự vận động, tuyên truyền của Kho bạc”, Giám đốc Lê Hoài Thanh chia sẻ.

Theo ông Thanh, DVCTT thực sự là bước cải cách lớn của KBNN để trở thành Kho bạc điện tử. DVCTT đã mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng và kho bạc. Nhờ DVCTT, năm nay công tác khóa sổ, cuối năm của Kho bạc đã bớt tất bật hơn mặc dù áp lực lớn hơn. Và người đứng đầu KBNN Hòa Bình cho biết, DVCTT là xu hướng tất yếu để KBNN hướng tới Kho bạc số trong tương lai, mặc dù còn nhiều áp lực nhưng cán bộ kho bạc sẽ dần quen để tốt cho công cuộc cải cách, hiện đại hóa của toàn hệ thống trong giai đoạn tiếp theo. “Đồng thời, với phương châm của KBNN là lấy “khách hàng làm trọng tâm phục vụ”, DVCTT đã đáp ứng tốt nhất được điều này vì khách hàng rất hài lòng”, ông Thanh cho biết.

Vân Hà

Vân Hà

© Thời báo Tài chính Việt Nam