Chính sách tài chính - kế toán thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân

17:56 | 10/12/2020 Print
Hiện nay, kinh tế tư nhân chưa thực sự trở thành vai trò động lực quan trọng của nền kinh tế như kỳ vọng; vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Do vậy, cần các chính sách tài chính - kế toán, môi trường pháp lý hoàn thiện để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển.

toàn

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Đức Việt.

Đây là chia sẻ của các chuyên gia tại Hội thảo khoa học quốc tế “Tài chính - Kế toán thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển nhanh và bền vững”, do Trường Đại học Tài chính - Marketing phối hợp với Học viện Tài chính tổ chức ngày 10/12. Hội thảo được tổ chức trực tuyến, với 4 điểm cầu trong nước (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hưng Yên, Quảng Ngãi) và 3 điểm cầu quốc tế (2 ở Úc và Canada).

Kinh tế tư nhân đã nhỏ lại kém phát triển

Phát biểu tại hội thảo, TS. Hoàng Đức Long - Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing cho biết, với định hướng chiến lược phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua, đã làm cho khu vực KTTN có những đóng góp quan trọng trong sự phát triển năng động của nền kinh tế, góp phần tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập của người dân. Cụ thể, KTTN liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động. Đóng góp của khu vực KTTN trong cơ cấu GDP luôn ở mức trên 43% (so với khu vực kinh tế nhà nước 28,9% và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là 18% GDP).

Tuy nhiên, KTTN chưa thực sự trở thành vai trò động lực quan trọng của nền kinh tế như kỳ vọng; vẫn còn một số tồn tại, hạn chế ảnh hưởng đến sự phát triển của KTTN ở nước ta hiện nay, như môi trường pháp lý đối với khu vực KTTN chưa hoàn thiện, nhiều quy định chưa đầy đủ, chưa rõ ràng, thiếu nhất quán và chồng chéo, các doanh nghiệp (DN) tư nhân còn bị đối xử chưa công bằng so với các loại hình DN khác.

Trong đó, một số chính sách quy định chỉ đề cập đến DN nhà nước mà chưa đề cập đến DNTN. Nhiều DNTN phải trả các chi phí “không chính thức” để giải quyết công việc… Những bất cập này càng khiến cho khu vực KTTN đã nhỏ lại kém phát triển. Ngoài ra năng lực sản xuất công nghiệp của khu vực KTTN còn yếu, mới chỉ ở giai đoạn đầu của thời kỳ phát triển. Phần lớn sản xuất công nghiệp của các DNTN là gia công lắp ráp, sử dụng máy móc, thiết bị và nguyên liệu nhập khẩu. Các công đoạn sản xuất đưa lại giá trị gia tăng cao như thiết kế, tạo kiểu dáng, marketing... phần lớn được thực hiện bởi đối tác nước ngoài.

chủ
PGS.TS Trương Thị Thủy - Phó Giám đốc Học viện Tài chính (bên trái) và PGS.TS Lý Phương Duyên (Học viện Tài chính) chủ trì phiên họp toàn thể đầu cầu Hà Nội. Ảnh: Đức Việt.

“Mặt khác, trong thế kỷ 21, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 gắn liền với những công nghệ đột phá như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT)… phát triển với tốc độ và quy mô chưa từng có trong lịch sử; các thách thức sinh thái, bao gồm biến đổi khí hậu và dịch bệnh... đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của tất cả các quốc gia, càng làm cho KTTN gặp nhiều thách thức” - TS. Hoàng Đức Long cho hay.

Công nghệ không đe dọa với nghề kế toán, kiểm toán trong tương lai

Thảo luận tại hội thảo, GS Jacqueline Birt - Chủ tịch Hiệp hội Tài chính Kế toán Australia và New Zealand, Trưởng khoa Tài chính Kế toán Đại học Tây Úc cho rằng, một trong những mối liên quan quan trọng đến thúc đẩy KTTN là cần trang bị kỹ năng công nghệ thông tin cho sinh viên ngay từ trong nhà trường.

Các chương trình đào tạo, đặc biệt là chương trình mới cần có sự kết hợp của công nghệ thông tin. Đại dịch Covid-19 vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để chúng ta chuyển đổi phương thức dạy học; đồng thời là chất xúc tác để đẩy nhanh xu hướng công nghệ, chuyển đổi số trong các nhà trường.

Theo GS Jacqueline Birt, ngành Kế toán tham gia vào nhiều lĩnh vực khác nhau. Vì thế, giáo dục và đào tạo có vai trò quan trọng trong việc trang bị những kiến thức, kỹ năng kế toán, kiểm toán cho sinh viên. Chúng ta không chỉ dạy cho sinh viên về công nghệ mà còn truyền cảm hứng đến sinh viên về công nghệ và sử dụng công nghệ. Trong tương lai, nhu cầu nghề kế toán, kiểm toán có thể giảm mạnh, nhưng đây là thời điểm để các trường đổi mới chương tình đào tạo, nắm bắt xu thế, đón đầu tương lai.

Đánh giá về xu thế được dự báo trong tương lai của lĩnh vực kế toán, kiểm toán, ThS. Bùi Tuấn Minh - Phó Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam cho biết, sớm hay muộn thì nghề kế toán, kiểm toán cũng phải thay đổi; nhưng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 không phải là dấu chấm hết cho lĩnh vực này.

Dưới sự hỗ trợ của công nghệ, trong tương lai các DN mong muốn có được những người làm kế toán, kiểm toán có nhiều kiến thức tổng quát, nắm bắt được xu thế phát triển về công nghệ; đa dạng hóa và có kỹ năng phân tích; tác động của các chuẩn mực mới của kế toán, kiểm toán và phân tích được ảnh hưởng của xu thế tới DN và thậm chí người tiêu dùng. Kế toán viên sẽ sẵn sàng thực hiện cả vai trò phân tích kinh doanh, tư vấn chiến lược...

Đồng quan điểm, ThS. Hà Tuấn Vinh - Học viện Tài chính cho rằng, công nghệ không phải là mối đe dọa đối với nghề kế toán, kiểm toán trong tương lai, nó chỉ tạo ra những thách thức và cơ hội mới. Đòi hỏi kế toán và kiểm toán viên phải tự phát triển những phẩm chất để thích nghi, như khả năng thích ứng có thể đương đầu với những thách thức nghề nghiệp trong tương lai và phát triển lên những tầm cao mới; kế toán và kiểm toán viên trong tương lại cần tập trung nhiều vào khả năng tư duy logic và khả năng đưa ra quyết định chiến lược; hoàn thiện kỹ năng về công nghệ thông tin; tư duy nghề nghiệp và khả năng phán xét nghề nghiệp./.

Đức Việt

Đức Việt

© Thời báo Tài chính Việt Nam