Indonesia cảnh báo không đủ ngân sách để giải cứu nền kinh tế

11:21 | 08/01/2021 Print
Phục hồi kinh tế không nên chỉ phụ thuộc vào chi tiêu của chính phủ vì nguồn tiền này sẽ không đủ để bù đắp cho hoạt động kinh tế đang chậm lại do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

rupi

Ảnh minh họa.

Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati nhấn mạnh rằng phục hồi kinh tế không nên chỉ phụ thuộc vào chi tiêu của chính phủ vì nguồn tiền này sẽ không đủ để bù đắp cho hoạt động kinh tế đang chậm lại do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong bối cảnh thâm hụt ngân sách năm 2020 đạt mức cao kỷ lục.
Phát biểu họp báo trực tuyến ngày 6/1, Bộ trưởng Sri Mulyani cho biết một khoản tiền lớn chưa từng thấy đã được đổ vào nền kinh tế vào năm ngoái để duy trì hoạt động kinh doanh và ứng phó với đại dịch COVID-19, đồng thời cảnh báo rằng ngân sách nhà nước (NSNN) có giới hạn và không thể một mình giải cứu nền kinh tế.

Bà Sri Mulyani nói: “Chúng tôi nhận ra rằng phục hồi kinh tế không nên và sẽ không chỉ phụ thuộc vào NSNN vì sẽ không đủ để bù đắp cho sự sụt giảm hoạt động tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu. Chúng ta cần cải cách để thu hút đầu tư và tiêm chủng hàng loạt để xây dựng niềm tin, từ đó đẩy nhanh tốc độ phục hồi tiêu dùng trong nước".

Thâm hụt NSNN năm 2020 của Indonesia đã tăng lên mức kỷ lục 956.300 tỷ rupiah (69,07 tỷ USD) trong bối cảnh đại dịch COVID-19 buộc chính phủ phải chi tiêu một lượng tiền khổng lồ trong khi nguồn thu từ thuế giảm khi các hộ gia đình và doanh nghiệp phải vật lộn với suy thoái kinh tế.

Mức thâm hụt trên - tương đương 6,09% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và lớn gấp ba lần mức thâm hụt 348.700 tỷ rupiah một năm trước đó - nhấn mạnh những thách thức kinh tế mà quốc gia này phải đối mặt nhằm nỗ lực vượt qua cuộc suy thoái đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998.

Hồi đầu năm ngoái, Chính phủ Indonesia đã ban hành một quy định và được Hạ viện thông qua nhằm nâng thâm hụt NSNN vượt quá giới hạn pháp lý trước đó là 3% GDP để ứng phó với đại dịch COVID-19. Chính phủ Indonesia đang đặt mục tiêu đưa giới hạn thâm hụt ngân sách trở về mức 3% GDP vào năm 2023.

Bà Sri Mulyani khẳng định: “NSNN sẽ tiếp tục hỗ trợ phục hồi kinh tế song chúng tôi sẽ tìm cách duy trì sự lành mạnh của ngân sách trong tương lai. Vì vậy, kế hoạch cắt giảm chi tiêu ngân sách bất thường phải được chuẩn bị kỹ lưỡng vào năm 2021 và 2022”.

Chính phủ Indonesia đã chi 2.580.000 tỷ rupiah vào năm ngoái, tăng 12,2% so với năm 2019 và tương đương khoảng 94% mức mục tiêu của chính phủ nhằm tài trợ cho các dự án phát triển, ứng phó với đại dịch COVID-19 cũng như hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp. Trong đó, 579.800 tỷ rupiah, tương đương 83,4% ngân sách chương trình phục hồi kinh tế quốc gia trị giá 695.200 tỷ rupiah, đã được giải ngân.

Trong khi đó, thu NSNN năm 2020 chỉ đạt 1.630.000 tỷ rupiah, giảm 16,7% so với năm 2019 và đạt khoảng 96% mức mục tiêu của chính phủ, trong bối cảnh thu nhập từ thuế sụt giảm mạnh do hoạt động kinh tế chậm lại và việc triển khai một số biện pháp miễn giảm thuế.

Chính phủ đã phát hành các loại giấy nợ có chủ quyền với tổng trị giá 1.170.000 tỷ rupiah trong năm 2020, tăng 163,8% so với năm trước đó, khiến nợ chính phủ tăng lên 38% GDP từ mức 30% của năm 2019. Theo Bộ trưởng Sri Mulyani, một khi kinh tế tiếp tục phục hồi, bức tranh tài chính sẽ được cải thiện khi mọi người bắt đầu chi nhiều hơn và các công ty bắt đầu mở rộng hoạt động.

Thâm hụt NSNN dự kiến đạt 1.000.000 tỷ rupiah trong năm nay, tương đương 5,7% GDP, trong bối cảnh chính phủ đang chuẩn bị chi 2.750.000 tỷ rupiah để thúc đẩy nền kinh tế đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.

Nhà kinh tế David Sumual thuộc Ngân hàng BCA nhận định rằng mặc dù đại dịch COVID-19 đã làm xấu đi các điều kiện tài chính, tỷ lệ nợ trên GDP của Indonesia vẫn tương đối tốt hơn so với các nước mới nổi khác. Tuy vậy, chính phủ cần đảm bảo rằng chính sách tài khóa bất thường sẽ chỉ là tạm thời nhằm đảm bảo sự ổn định.

Ông Sumual thừa nhận rằng thâm hụt ngân sách lớn đã trở thành “tiêu chuẩn mới” trên thế giới và bức tranh tài khóa của Indonesia vẫn tương đối tốt hơn các nước khác. Theo ông, việc ngăn chặn đại dịch COVID-19 và chiến dịch tiêm chủng thành công sẽ thúc đẩy tiêu dùng trong nước và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế lên mức thấp nhất là 4% trong năm nay.

Về phần mình, nhà kinh tế Wisnu Wardana thuộc ngân hàng Danamon cho rằng trước hết chính phủ cần thúc đẩy chi tiêu của mình nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế trong năm 2021. Ông Wardana nói: “Chúng tôi lạc quan một cách thận trọng về chi tiêu của năm nay khi xem xét cuộc cải tổ nội các gần đây”, điều có thể làm chậm chi tiêu của chính phủ.

Theo TTXVN

Theo TTXVN

© Thời báo Tài chính Việt Nam