RCEP sẽ giúp kinh tế Việt Nam và ASEAN phát triển thịnh vượng

10:41 | 18/11/2020 Print
(TBTCVN) - Sau 8 năm đàm phán, RCEP đã chính thức được ký kết vào sáng ngày 15/11/2020, trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN. Với một thỏa thuận đã có, các bước tiếp theo sẽ là các phê chuẩn của mỗi quốc gia, sau đó hiệp định sẽ có hiệu lực vào giữa năm tới.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Mặc dù các thông tin chi tiết vẫn chưa được công bố, tuy nhiên, theo tuyên bố của ASEAN, thỏa thuận sẽ loại bỏ thuế quan và hạn ngạch đối với 65% hàng hóa giao dịch trong khu vực. Trong khi đó, các thuế quan và hạn chế khác sẽ được tự do hóa trong vòng 20 năm tới, bao gồm trên 90% thương mại trong khối (mặc dù vẫn duy trì một số loại thuế đối với các sản phẩm nhạy cảm, ví dụ như thịt bò và gạo nhập khẩu vào Nhật Bản).

Hơn nữa, RCEP thiết lập một khuôn khổ quy tắc xuất xứ chung, cho phép những nhà xuất khẩu trong các nền kinh tế RCEP sử dụng đầu vào có nguồn gốc từ các thành viên khác để đủ điều kiện tiếp cận ưu đãi khi giao dịch trong khối. Quan trọng là, điều này sẽ cung cấp một nền tảng cho tự do hóa hơn nữa trong thời gian sắp tới.

RCEP là một hiệp định hiện đại và “chất lượng cao”, cũng nhằm giải quyết các hàng rào phi thuế quan cho hoạt động thương mại trong nhiều lĩnh vực, ví dụ như dịch vụ, đầu tư, thương mại điện tử, cạnh tranh, sở hữu trí tuệ và sự đi lại của người dân...

Theo ông Tim Evans – Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam: “Việc ký kết hiệp định trực tuyến bất kể đại dịch Covid-19 kéo dài đã cho thấy quyết tâm của chính phủ 15 nước thành viên đối với hợp tác, kết nối và trong việc xây dựng một nền kinh tế thịnh vượng chung. Mặc dù thương mại quốc tế còn nhiều bất ổn tiềm tàng, việc ký kết hiệp định RCEP thể hiện niềm tin vào mở cửa thị trường sẽ dẫn tới tăng trưởng kinh tế cao hơn, xa hơn. Tầm quan trọng của hiệp định RCEP còn được nhấn mạnh hơn trong việc hồi phục kinh tế hậu Covid-19. Hiệp định sẽ thúc đẩy mạnh mẽ chuỗi cung ứng của vùng và giúp nền kinh tế Việt Nam và ASEAN phát triển thịnh vượng. Thương mại nội khối của châu Á vốn đã lớn hơn thương mại giữa châu Á với Bắc Mỹ và châu Âu cộng lại, sẽ tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu và kéo trọng lực trung tâm kinh tế ngày càng gần lại châu Á”.

Tài Tâm

Tài Tâm

© Thời báo Tài chính Việt Nam