Ngân hàng thế giới: Kinh tế Việt Nam vẫn trên đà phục hồi vững chắc

11:36 | 16/11/2020 Print
(TBTCVN) - Báo cáo Cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 13/11 cho thấy, nền kinh tế trong nước vẫn đang trên đà phục hồi vững chắc và trên diện rộng vào năm 2020.

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Làn sóng Covid-19 thứ hai ở các nước khác trên thế giới có thể làm giảm triển vọng tăng trưởng của Việt Nam.

Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam gia tăng

Theo đánh giá của WB trong tháng 10, nền kinh tế tiếp tục phục hồi vững chắc khi cả sản xuất công nghiệp và bán lẻ đều tăng hơn 6,5% (so với cùng kỳ năm trước), cao nhất kể từ khi bùng phát dịch Covid-19 vào tháng 2/2020.

Nhờ kim ngạch xuất khẩu tăng gần 10%, thặng dư thương mại hàng hóa của Việt Nam đạt mức kỷ lục 17,7 tỷ USD, được củng cố bởi thặng dư 1,4 tỷ USD trong tháng 10. Kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa tăng lần lượt 9,7% và 9,8% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù giá trị xuất khẩu của các mặt hàng như điện thoại, dệt may, giày dép và các sản phẩm nông nghiệp giảm mạnh, xuất khẩu máy tính và điện tử vẫn tăng trưởng vững chắc trong bối cảnh khủng hoảng do dịch Covid-19.

Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam gia tăng cho thấy niềm tin vào nền kinh tế được khôi phục sau đợt bùng phát dịch vào tháng 8, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của Việt Nam và là nam châm thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Khi làn sóng Covid-19 thứ hai được kiểm soát thành công, vốn FDI đã tăng lên khoảng 2,27 tỷ USD trong tháng 10, so với 1,67 tỷ USD trong tháng 9 và 0,8 tỷ USD trong tháng 8. Trong 10 tháng năm 2020, cả nước đã thu hút được 23,5 tỷ USD vốn FDI, thấp hơn khoảng 19,4% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng vẫn là một thành tựu nổi bật, do UNCTAD dự báo dòng vốn FDI vào các nước Đông Á sẽ giảm 30 - 45% trong năm 2020.

Một biểu hiện khác của sự phục hồi kinh tế vững chắc là các chỉ số tài chính vẫn ổn định trong tháng 10. Trong đó tỷ lệ lạm phát ở mức 2,5% (so với cùng kỳ năm trước) và tăng trưởng tín dụng đạt 9,5%, ngay cả khi Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất tái cấp vốn và tái chiết khấu thêm 0,5%.

Chi tiêu công đang tăng do nỗ lực khôi phục kinh tế

Cuộc khủng hoảng Covid-19 đã thay đổi quá trình thực hiện chính sách tài khóa. Tổng thu ngân sách 10 tháng đầu năm 2020 giảm 10,3% so với cùng kỳ năm 2019 do các hoạt động kinh tế đi xuống và chính sách hoãn nộp thuế để hỗ trợ doanh nghiệp.

Trong khi đó, tổng chi ngân sách tăng 9,7% so với 10 tháng của năm 2019. Riêng chi đầu tư công tăng 50,3% nhờ Chính phủ tích cực thúc đẩy giải ngân, từ mức 54,7% vào tháng 10/2019 lên đến mức 68,3% vào tháng 10/2020. Đồng thời, những thiệt hại nghiêm trọng do các trận bão trong tháng 10 gây ra cho miền Trung và ngân sách cần huy động để thực hiện các hoạt động hỗ trợ và tái thiết dự kiến sẽ tạo thêm áp lực lên dư địa tài khóa vốn đang bị thu hẹp trong những tháng tới.

Theo WB, Chính phủ có thể sử dụng các quỹ dự trữ tích lũy được từ trước cuộc khủng hoảng Covid-19 để bù đắp thâm hụt ngân sách. Đồng thời, Chính phủ cũng đã tiếp tục vay lên đến 260 nghìn tỷ đồng kể từ đầu năm trên thị trường trong nước. Thanh khoản dồi dào trên thị trường trong nước đã cho phép Kho bạc Nhà nước vay vốn với lãi suất hấp dẫn, trong đó lãi suất trung bình của trái phiếu kho bạc vào ngày 28/10 là 2,84%, giảm 0,29% so với tháng 9.

WB cho rằng, trong tương lai, Việt Nam cần theo dõi sát khả năng phục hồi của nền kinh tế hậu khủng hoảng Covid-19. Mặt khác, việc loại bỏ phần lớn các biện pháp hạn chế và giãn cách xã hội trong nước cũng như nhu cầu trong nước tăng lên nhờ tăng đầu tư công cao hơn và nới lỏng điều kiện tín dụng sẽ kích thích phát triển kinh tế trong nước.

Tuy nhiên, các điều kiện y tế và kinh tế đang xấu đi ở các nước khác trên thế giới có thể ảnh hưởng đến kinh tế đối ngoại của Việt Nam. Những thiệt hại nặng nề về người và tài sản do thiên tai gây ra trong thời gian gần đây cho thấy sự cần thiết phải xây dựng lại các công trình tốt hơn, xanh hơn và nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu của nền kinh tế và tài chính công.

Mai Lâm

Mai Lâm

© Thời báo Tài chính Việt Nam