Tăng trưởng xanh phải đặt trong tăng trưởng bền vững

20:58 | 25/09/2020 Print
Mối quan hệ tăng trưởng xanh phải đặt trong tăng trưởng bền vững. Nếu chỉ xanh trong ngắn hạn mà bỏ qua dài hạn sẽ khiến đất nước rơi vào vòng luẩn quẩn.

toàn cảnh

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Đức Việt.

Đây là chia sẻ của ông John Bruce Wells - Chuyên gia kinh tế hàng đầu của Deloitte (Hoa Kỳ), Giám đốc Chương trình năng lượng phát thải thấp Việt Nam tại Hội thảo quốc tế với chủ đề “Phát triển kinh tế và Kinh doanh bền vững trong điều kiện toàn cầu hóa” do Học viện Tài chính phối hợp với Trường Đại học Tài chính - Marketing tổ chức ngày 25/9, tại Hà Nội.

Thúc đẩy tăng trưởng xanh

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ - Giám đốc Học viện Tài chính cho biết, mặc dù Việt Nam đã tăng trưởng nhanh ngoạn mục trong hơn ba thập kỷ qua, nhưng sự chuyển đổi sang nền kinh tế thịnh vượng và hiện đại mới chỉ bắt đầu. Với mức thu nhập bình quân đầu người vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ của mức trung bình toàn cầu, Việt Nam đang cố gắng duy trì quỹ đạo tăng trưởng nhanh và đi theo con đường của các nền kinh tế Đông Á thành công khác đã gia nhập hàng ngũ các quốc gia thu nhập trung bình cao trong nửa thập kỷ qua.

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ, bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi, nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước các cơ hội và thách thức to lớn. Do đó, tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức để tìm được mô hình tăng trưởng mới theo hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng trong giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 là yêu cầu cấp bách đang đặt ra. Việt Nam cần thay đổi mô hình tăng trưởng theo chiều rộng sang chiều sâu trong quá trình phát triển.

Trong đó, cần thay đổi tỷ lệ các nguồn lực đóng góp cho tăng trưởng, ưu tiên cho động lực của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để nhảy vọt ở một số lĩnh vực, ưu tiên cho động lực kinh tế tư nhân, hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, phát triển kinh tế số trong một số ngành, lĩnh vực. Hoàn thiện thể chế thị trường, nâng cao năng lực quản trị của nhà nước và doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng xanh và bao trùm, phát triển kinh tế vùng và xây dựng liên kết vùng, tạo các cực tăng trưởng và phát triển bền vững…

thầy cơ
PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ - Giám đốc Học viện Tài chính phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Đức Việt.

Còn theo TS. Nguyễn Văn Hiến - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing, đặt vấn đề về tăng trưởng xanh, bền vững trong ngành điện, nếu sử dụng pin năng lượng mặt trời sau khi hết vòng đời tấm pin, những tấm pin được thải ra ngoài thị trường là các rác thải cực kỳ nguy hại cho môi trường. Chúng ta cần cam kết của doanh nghiệp về phát triển xanh nhưng cần bền vững, tuần hoàn.

Hay việc khuyến khích sử dụng túi giấy thay vì túi ni lông vô tình sẽ khiến khai thác gỗ ngày một nhiều, phá rừng gia tăng và việc này về lâu về dài chưa hẳn đã là bền vững.

Giải đáp những vấn đề trên, ông John Bruce Wells cho rằng, mối quan hệ tăng trưởng xanh phải đặt trong tăng trưởng bền vững. Nếu chỉ xanh trong ngắn hạn mà bỏ qua dài hạn sẽ khiến đất nước rơi vào vòng luẩn quẩn. Đối với vấn đề khuyến khích sử dụng túi giấy thay vì ni lông, doanh nghiệp phải ký cam kết truy xuất nguồn gốc gỗ sản xuất giấy, chỉ được phép khai thác sử dụng gỗ ở rừng trồng, không được sử dụng gỗ ở rừng tự nhiên, điều này nhiều nước đã áp dụng, trong đó Mỹ đã áp dụng và thành công.

Việt Nam cần tận dụng cơ hội vàng để thu hút đầu tư

Đánh giá về cơ hội vàng để Việt Nam đẩy mạnh thành quả, đổi mới và phát triển, PGS.TS Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho hay, nhiều chuyên gia, học giả quốc tế bày tỏ lạc quan về triển vọng cơ hội vàng từ xu hướng hội nhập quốc tế, mới đây là dịch chuyển đầu tư, rồi dân số trẻ... Tuy nhiên, chúng ta thường bỏ qua nhiều cơ hội vàng quá dễ dàng thay vì đón nhận lấy chúng.

chủ tọa
PGS.TS Trần Đình Thiên - Nguyên viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam phát biểu. Ảnh: Đức Việt.

Ông Thiên lý giải, sau khi gia nhập WTO xong, đất nước vẫn gặp khó khăn về nội tại, nhiều điểm nghẽn cơ chế kinh tế chưa được chuyển đổi. Đến nay, kinh tế Việt Nam có độ mở lớn khi tham gia hàng loạt FTA mới như CPTPP, EVFTA đang được các chuyên gia quốc tế ví von là cơ hội vàng cho Việt Nam.

Theo ông Thiên, Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm để tận dụng các ngoại lực, đưa đất nước đi lên. Nếu chậm sửa đổi, thay đổi chính mình, cơ hội sẽ lại bị bỏ qua dễ hơn. Ví như vấn đề các doanh nghiệp Việt hiện đang không tham gia được các chuỗi giá trị toàn cầu bởi năng lực yếu và sức mạnh nội tại, kỹ năng quản trị bị đánh giá kém. Trong tương quan so sánh với các nền kinh tế khu vực, Việt Nam vẫn chỉ tiềm năng và là nhà xuất khẩu thô nhiều mặt hàng thực phẩm, rau quả và thủy sản.

Cùng với đó, chúng ta đang gặp vấn đề thu hút FDI từ Trung Quốc do thương chiến Mỹ - Trung bùng phát mạnh mẽ và có thể kéo dài. Tuy nhiên, để thay thế công xưởng này không phải là chuyện đơn giản. Ví dụ như ngành dệt may, chúng ta có dám chấp nhận các dự án nhuộm vào hay không, đây là đầu bài để giải bài toán xuất xứ C/O sản phẩm khi chúng ta thực hiện các cam kết về xuất xứ nguồn gốc hàng xuất khẩu.

Nói về chính sách thu hút đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế, PGS.TS Lý Phương Duyên (Học viện Tài chính) cho rằng, trước đây, khi nghiên cứu xu hướng thuế trong động lực thúc đẩy đầu tư FDI, chúng tôi tìm hiểu trong 11 yếu tố, chính sách và ưu đãi thuế chỉ đứng ở vị trí thứ 8. Nhưng gần đây, xem xét các báo cáo của Worldbank và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), chúng tôi thấy rằng, các chính sách và ưu đãi thuế là tác nhân thứ 5 trong số 15 tác nhân thúc đẩy đầu tư của các doanh nghiệp FDI. Như vậy, thế giới đã thay đổi, quan niệm về thuế, ưu đãi của các nhà đầu tư đã khác so với trước đây, buộc chúng ta phải thích ứng để tránh tụt hậu, thua thiệt./.

Đức Việt

Đức Việt

© Thời báo Tài chính Việt Nam