Vay trả lương từ gói 16.000 tỷ đồng: Vướng vì quy định ngặt nghèo

10:44 | 17/06/2020 Print
(TBTCVN) - Sau hơn 1 tháng triển khai gói tín dụng 16.000 tỷ đồng với lãi suất 0%/năm cho doanh nghiệp (DN) vay để trả lương cho người lao động (NLĐ) bị ngừng việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đến nay gói hỗ trợ này vẫn chưa giải ngân được khoản vay nào.

Thời hạn giải ngân của gói 16.000 tỷ đồng hỗ trợ DN vay lãi suất 0% để trả lương

Thời hạn giải ngân của gói 16.000 tỷ đồng hỗ trợ DN vay lãi suất 0% để trả lương cho NLĐ bị ngừng việc là đến hết ngày 31/7/2020.

Chưa có DN nào được vay

Nhằm hỗ trợ DN gặp khó khăn có thêm nguồn tài chính để trả lương cho NLĐ bị ngừng việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg về cho vay tái cấp vốn, lãi suất 0%/năm, số tiền 16.000 tỷ đồng hỗ trợ DN vay trả lương cho NLĐ. Triển khai các quy định này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 05/2020/TT-NHNN ngày 7/5/2020 để hướng dẫn triển khai. Được biết, NHNN và Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã chuẩn bị sẵn sàng về thủ tục, quy trình, nguồn vốn để triển khai cho vay. Tuy nhiên, theo thông tin từ NHCSXH, đến nay sau hơn 1 tháng triển khai các quy định trên, gói tín dụng 16.000 tỷ đồng vẫn chưa giải ngân được khoản vay nào.

Nhận định về nguyên nhân của thực tế trên, chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, căn cứ vào các điều kiện để được vay từ gói 16.000 tỷ đồng cho thấy quy định còn khá ngặt nghèo và do đó có thể khiến DN không đủ tiêu chuẩn để được vay.

Cụ thể, điều kiện để DN vay được gói 16.000 tỷ đồng với lãi suất 0% để trả lương cho NLĐ theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội gồm: Có từ 20% hoặc từ 30 NLĐ trở lên đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên; đã trả trước tối thiểu 50% tiền lương ngừng việc cho NLĐ trong khoảng thời gian từ ngày 1/4 đến hết 30/6; DN đang gặp khó khăn về tài chính, không cân đối đủ nguồn để trả lương ngừng việc cho NLĐ, đã sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương để trả lương cho NLĐ ngừng việc; không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm cuối năm 2019. “Các chính sách đưa ra thì phải có điều kiện, tiêu chí để tránh hiện tượng trục lợi, tuy nhiên, đáp ứng đủ những điều kiện như trên thì quá ngặt nghèo” – ông Hiếu nói.

Phân tích cụ thể, ông Hiếu cho rằng, quy định điều kiện DN không có nợ xấu tại thời điểm cuối năm 2019 khá khó khăn, bởi lẽ, trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, hầu hết DN đều có những khoản vay vốn ngân hàng, song những khoản nợ ngân hàng DN đều phải có trách nhiệm trả nợ theo hợp đồng tín dụng đã ký kết. Trong khi đó, quy định một trong những điều kiện để được vay từ gói 16.000 tỷ đồng là DN không còn nợ tại ngân hàng dường như đã loại đi một tỷ lệ lớn DN không đủ điều kiện được vay.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Đình Cung – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng cho rằng, những tiêu chuẩn, điều kiện được vay gói 16.000 tỷ đồng còn khá ngặt nghèo, thậm chí có quy định còn chưa hợp lý. Cụ thể ông Cung chỉ ra, một trong những điều kiện để được vay lãi suất 0% là DN phải có từ 20% hoặc từ 30 NLĐ trở lên đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên. Trong giai đoạn khó khăn do dịch bệnh Covid-19, nhiều DN chỉ thực hiện cắt giảm giờ làm hoặc làm luân phiên chứ không cho NLĐ tạm ngừng việc, để vừa giữ chân NLĐ, vừa hỗ trợ NLĐ có thu nhập tối thiểu trong lúc khó khăn.

Tuy nhiên, nếu quy định DN phải đạt một tỷ lệ nhất định về số lượng nhân viên phải nghỉ việc, thì nhiều DN không đủ điều kiện. Chưa nói đến việc quy định như vậy vô hình trung có thể tạo ra hiện tượng DN sẽ sa thải nhân viên nhiều hơn để đạt được “tiêu chuẩn” vay vốn và do đó lại đi ngược lại với chủ trương khuyến khích DN cố gắng giữ NLĐ, đảm bảo an sinh xã hội cho NLĐ trong bối cảnh dịch bệnh…

“Không chỉ phải đáp ứng đủ một loạt điều kiện ngặt nghèo, để được vay, DN còn phải gửi hồ sơ đề nghị đến ủy ban nhân dân cấp huyện thẩm định, rồi đến ủy ban nhân dân cấp tỉnh thẩm định, phê duyệt… Trải qua một vòng thủ tục như vậy, dẫn đến tình cảnh là khi DN xin được đầy đủ xác nhận rồi thì có khi DN cũng không còn đủ lực để cầm cự nữa” - ông Cung nhấn mạnh.

Cần xem xét điều chỉnh lại một số điều kiện cho vay

Theo quy định tại Thông tư 05/2020/TT-NHNN, thời hạn giải ngân của gói 16.000 tỷ đồng hỗ trợ DN vay lãi suất 0% để trả lương cho NLĐ bị ngừng việc là đến hết ngày 31/7/2020. Trường hợp đến hết ngày 31/7/2020, NHCSXH không giải ngân hết số tiền đã nhận giải ngân, thì chậm nhất đến ngày 15/8/2020, NHCSXH phải trả lại NHNN số tiền không giải ngân hết. Theo đó, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội không sớm có những kiến nghị điều chỉnh lại tiêu chí, điều kiện vay theo hướng nới hoặc giảm tiêu chí, thì rất có thể đến hết hạn gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng vẫn chưa giải ngân được khoản nào, và như vậy NHCSXH sẽ phải trả lại toàn bộ gói vay này.

Trước thực tế đó, đưa ra đề xuất điều chỉnh lại các tiêu chí, điều kiện vay, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nên bỏ điều kiện DN không có nợ xấu tại ngân hàng tại thời điểm cuối năm 2019. “Quy định này là quá chặt và dường như không có liên quan đến mục đích, ý nghĩa nhằm hỗ trợ an sinh xã hội cho NLĐ của gói 16.000 tỷ đồng. Do đó, nếu điều kiện này không được bỏ, thì DN rất khó đáp ứng đủ tiêu chuẩn vay” - ông Hiếu nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, ông Hiếu cho rằng, đối với điều kiện DN đã trả trước tối thiểu 50% tiền lương ngừng việc cho NLĐ, nên điều chỉnh lại theo hướng, gói hỗ trợ sẽ cho vay 50% tiền lương tối thiểu, còn phần còn lại DN sẽ tự cân đối, sắp xếp. “Trên thực tế có thể có trường hợp DN và NLĐ thỏa thuận tỷ lệ trả lương trước mới chỉ đạt 30 - 40%, nhưng được sự đồng thuận và chia sẻ của NLĐ với DN trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay. Do đó, không nên quy định cứng một tỷ lệ DN phải trả trước tối thiểu 50% tiền lương cho NLĐ, thay vào đó, nên quy định mức hỗ trợ tối đa của chính sách, phần còn lại để DN sẽ tự thu xếp” - ông Hiếu đề xuất.

“Chính sách hỗ trợ phải tính toán để làm sao DN với tới được. Chứ nếu đưa ra rất nhiều chính sách với mục đích nhân văn để hỗ trợ DN, người dân trong giai đoạn khó khăn, nhưng tiêu chí, điều kiện lại quá ngặt nghèo, thì DN sẽ có cảm giác như bị “đánh đố” và do đó, niềm tin của DN vào những chính sách hỗ trợ sẽ phần nào giảm sút” - ông Hiếu chia sẻ.

Diệu Thiện

Diệu Thiện

© Thời báo Tài chính Việt Nam