Đà Nẵng: Ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại hóa kho bạc

11:27 | 01/10/2018 Print
(TBTCVN) - Kho bạc Nhà nước (KBNN) Đà Nẵng đã triển khai thành công các chương trình ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động nghiệp vụ và quản lý nội bộ, từ đó, giảm thời gian, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng khi thực hiện giao dịch với kho bạc.

Cán bộ KBNN Đà Nẵng đang kiểm tra các hồ sơ

Cán bộ KBNN Đà Nẵng đang kiểm tra các hồ sơ thanh toán vốn được các đơn vị sử dụng ngân sách gửi tới. Ảnh: H.T

Đây cũng chính là những bước cải cách để chuẩn bị tiến tới kho bạc điện tử vào năm 2020 của KBNN Đà Nẵng.

Luôn nhận thức rõ là “người phục vụ”

Ông Vũ Mạnh Cường, Giám đốc KBNN Đà Nẵng cho biết, là đơn vị thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực tài chính - ngân sách, KBNN Đà Nẵng luôn nhận thức rõ trách nhiệm của “người phục vụ” khi tham gia vào tiến trình cải cách hành chính trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Để hướng đến “mọi đối tượng được phục vụ” là các tổ chức, cá nhân có quan hệ giao dịch với các đơn vị KBNN trên địa bàn, việc ứng dụng CNTT tiến tới Kho bạc điện tử trong tương lai gần là giải pháp được KBNN Đà Nẵng quan tâm thực hiện. Trong những năm gần đây, KBNN Đà Nẵng đã thực hiện cải cách hiện đại hóa từ việc triển khai thành công các ứng dụng, các dự án CNTT của KBNN đến xây dựng và triển khai một số ứng dụng khác trong hoạt động nghiệp vụ và quản lý nội bộ.

Theo đó, KBNN Đà Nẵng đã chủ động phối hợp với các cơ quan thu và các ngân hàng thương mại (NHTM) thực hiện cải tiến, hợp lý hóa và tích cực ứng dụng CNTT để tổ chức tốt công tác thu, thực hiện hạch toán nhanh chóng, chính xác số liệu thu NSNN, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ thu NSNN hàng năm của TP. Đà Nẵng.

Từ sự chủ động này, KBNN Đà Nẵng đã trở thành một trong số ít đơn vị trong toàn hệ thống KBNN sớm triển khai thực hiện phối hợp và ủy nhiệm thu NSNN cho các NHTM nhờ vào ứng dụng CNTT của Dự án hiện đại hóa thu NSNN thông qua cơ sở dữ liệu dùng chung trên toàn quốc. Đặc biệt, đến năm 2018, 100% các đơn vị KBNN quận, huyện trực thuộc không chỉ thực hiện ủy nhiệm thu cho các chi nhánh NHTM - nơi có tài khoản thanh toán, mà còn ủy nhiệm thêm bằng các tài khoản chuyên thu tại một số các chi nhánh NHTM trên địa bàn (mỗi đơn vị KBNN trên địa bàn đã ủy nhiệm thu cho từ 2 - 4 chi nhánh NHTM). Qua đó, tạo nên một mạng lưới gần 20 chi nhánh thuộc 5 hệ thống NHTM lớn (Agribank, BIDV, Vietinbank,

Vietcombank và MBbank). Đồng thời, KBNN Đà Nẵng đã thiết lập được kênh thanh toán song phương với KBNN; tham gia vào quy trình thu NSNN với cả 2 hình thức là chuyển khoản và tiền mặt của tất cả các khoản thuế, phí, lệ phí nội địa và xuất nhập khẩu, cùng với các khoản thu phạt vi phạm hành chính các loại.

“Trong quá trình phối hợp thu, các bên bao gồm các cơ quan thu, KBNN và các ngân hàng nhận ủy nhiệm thu đã phối hợp trao đổi dữ liệu về số phải thu và số đã thu hoàn toàn tự động thông qua việc khai thác dữ liệu dùng chung từ Dự án hiện đại hóa thu NSNN. Hoạt động này đã tạo nên một mạng lưới các điểm thu NSNN của các chi nhánh, các điểm giao dịch do các NHTM thực hiện một cách rộng khắp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân có thêm sự lựa chọn trong thực hiện nghĩa vụ với NSNN”, ông Cường nhấn mạnh.

100% đơn vị kho bạc trực thuộc đã triển khai dịch vụ công trực tuyến

Từ đầu năm 2016, KBNN Đà Nẵng là một trong số 5 đơn vị KBNN trong cả nước được chọn triển khai thí điểm 3 dịch vụ công (DVC) trực tuyến (đăng ký sử dụng bổ sung tài khoản tại KBNN và thay đổi mẫu dấu, mẫu chữ ký; kê khai và giao nhận hồ sơ kiểm soát chi; đăng ký rút tiền mặt với KBNN) theo quy định tại Quyết định số 2704/QĐ-BTC ngày 17/12/2015 của Bộ Tài chính về việc thí điểm thủ tục giao dịch điện tử đối với DVC trên Cổng thông tin điện tử KBNN. Cho đến thời điểm hiện tại, Đà Nẵng đã trở thành một trong số ít các kho bạc tỉnh, thành phố trong toàn hệ thống chính thức triển khai DVC trực tuyến KBNN tại 100% các đơn vị KBNN trên địa bàn.

Tuy nhiên, theo ông Cường, do là giai đoạn đầu triển khai và còn phụ thuộc vào điều kiện để tham gia của các đơn vị sử dụng NSNN, nên số lượng đơn vị đã giao dịch theo hình thức điện tử trực tuyến với các đơn vị KBNN trên địa bàn Đà Nẵng chưa nhiều, hiện vẫn trong giai đoạn thăm dò. “Theo đó, trên tinh thần chủ động, khẩn trương, trách nhiệm, việc mở rộng hình thức giao dịch trực tuyến đến tất cả các đơn vị sử dụng ngân sách trên địa bàn thành phố sẽ được KBNN Đà Nẵng quyết liệt thực hiện trong thời gian tới, nhằm sớm hướng tới mục tiêu kho bạc điện tử theo Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020”, ông Cường cho biết.

Bên cạnh đó, KBNN Đà Nẵng đã chủ động xây dựng thêm một số chương trình, các ứng dụng CNTT áp dụng hiệu quả vào hoạt động nghiệp vụ và quản lý nội bộ của đơn vị. Cụ thể là việc ứng dụng tin nhắn SMS để chuyển số liệu thu - chi và tồn quỹ ngân sách đến lãnh đạo địa phương các cấp sau khi kết xuất từ Hệ thống TABMIS (hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc) ở một số thời điểm quan trọng theo định kỳ hoặc đột xuất, giúp cho việc điều hành ngân sách địa phương được chủ động, kịp thời.

Trong giao nhận hồ sơ và trả kết quả khi xử lý các thủ tục hành chính về chi NSNN, KBNN Đà Nẵng đã nghiên cứu xây dựng chương trình quản lý công việc bằng ứng dụng tin học và áp dụng từ trước những năm 2005. Chương trình đã thay thế cho việc lập sổ theo dõi giao nhận, trả kết quả thủ công, đáp ứng được tính khoa học, công khai và thuận tiện trong kiểm soát, thống kê, theo dõi.

Ông Cường cho biết, với việc triển khai hiệu quả và thành công các ứng dụng CNTT trong hoạt động nghiệp vụ, KBNN Đà Nẵng đang cùng toàn hệ thống sẵn sàng bước tới kho bạc điện tử vào năm 2020.

Vân Hà

Vân Hà

© Thời báo Tài chính Việt Nam