Giải đáp vướng mắc về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp

13:49 | 28/06/2018 Print
Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương đề nghị cơ quan chức năng hướng dẫn một số vướng mắc trong quá trình thực hiện theo quy định tại Nghị định số 141/2016/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác.

tự chủ tài chính

Ảnh minh họa

Tình huống 1: Theo Nghị định số 141/2016/NĐ-CP đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư được quyết định số lượng người làm việc.

Tuy nhiên, hiện nay tỉnh Hải Dương yêu cầu các đơn vị này xây dựng đề án vị trí việc làm trình UBND tỉnh phê duyệt và quyết định số lượng người làm việc hàng năm. Đồng thời, quy định đơn vị chỉ được ký hợp đồng lao động trên cơ sở đề án vị trí việc làm đã được phê duyệt.

Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương hỏi, yêu cầu như vậy là đúng hay sai? Trường hợp đơn vị muốn tăng doanh thu nên có nhu cầu tuyển thêm lao động hợp đồng (Hợp đồng lao động theo Bộ Luật lao động, không phải hợp đồng làm việc theo Luật Viên chức) vượt quá số lượng trong đề án vị trí việc làm thì có được phép không?

Bộ Tài chính trả lời: Theo Điều 7 Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác (Nghị định số 141/2016/NĐ-CP) thì:

"Điều 7. Tự chủ về nhân sự

1. Đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác tự bảo đảm chi thường xuyên được quyết định vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao…

2. Quy định về số lượng người làm việc:

a) Đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác tự bảo đảm chi thường xuyên quyết định số lượng người làm việc...”.

Theo quy định nêu trên thì đối với đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác tự bảo đảm chi thường xuyên được quyết định vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao và được quyết định số lượng người làm việc của đơn vị.

Do vậy, các đơn vị này không phải xây dựng đề án vị trí việc làm trình UBND tỉnh phê duyệt và quyết định số lượng người làm việc hàng năm; do đơn vị tự quyết định đề án vị trí việc làm (trong đó quyết định vị trí việc làm) và số lượng người làm việc của đơn vị. Nguyên tắc, phương pháp xác định vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo quy định của pháp luật về viên chức.

Về ký hợp dồng lao động: Thực hiện theo quy định của Luật Viên chức năm 2010 (tại Điều 25 quy định các loại hợp đồng làm việc, gồm: Hợp đồng làm việc xác định thời hạn trong khoảng thời gian từ từ đủ 12 tháng đến 36 tháng; Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn); Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức (tại Điều 18 quy định việc tuyển dụng viên chức vào các đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện theo chế độ hợp đồng làm việc, bao gồm hợp đồng làm việc xác định thời hạn và hợp đồng làm việc không xác định thời hạn quy định tại Điều 25 Luật Viên chức); Bộ Luật Lao động năm 2012 (tại Điều 22 quy định các loại hợp đồng lao động, gồm: Hợp đồng lao động không xác định thời hạn; Hợp đồng lao động xác định thời hạn, gồm: Hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng; hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng).

Theo các quy định trên, việc tuyển dụng viên chức vào đơn vị được thực hiện theo hình thức ký hợp đồng làm việc xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng và hợp đồng làm việc không xác định thời hạn, trong số lượng người làm việc của đơn vị theo đề án vị trí việc làm được duyệt. Đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng, lao động này không nẳm trong số lượng người làm việc theo đề án vị trí việc làm.

Tuy nhiên nội dung về hợp đồng lao động theo Luật Viên chức liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Bộ Nội vụ, hợp đồng lao động theo Bộ Luật Lao động liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Do vậy đề nghị đơn vị gửi ý kiến đến các bộ trên để trả lời theo thẩm quyền.

Tình huống 2: Theo Nghị định số 141/2016/NĐ-CP, đơn vị sự nghiệp công lập trả lương theo lương ngạch bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp do nhà nước quy định đối với đơn vị sự nghiệp công. Nhưng hiện nay, cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh yêu cầu đối với viên chức thì đóng BHXH theo lương ngạch bậc chức vụ, còn lao động hợp đồng thì trả lương và đóng BHXH theo mức lương tối thiểu vùng.

Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương hỏi, yêu cầu như vậy có đúng không?

Bộ Tài chính trả lời: Nghị định số 141/2016/NĐ-CP (tại Điểm b Khoản 2 Điều 13; Điểm a Khoản 2 Điều 13; Điểm a Khoản 2 Điều 14; Điểm a Khoản 2 Điều 15), trong đó quy định: Đơn vị chi trả tiền lương theo lương ngạch, bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp do Nhà nước quy định đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

Tại Điều 2 Nghị định số 47/2017/NĐ-CP ngày 24/4 /2017 của Chính phủ quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang hướng dẫn về đối tượng áp dụng, bao gồm viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Luật Viên chức năm 2010; người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (bao gồm: Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các cơ quan, đơn vị của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp; Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong số lượng người làm việc đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt tại các đơn vị sự nghiệp công lập).

Khoản 1 Điều 90 Bộ Luật Lao động năm 2012; Khoản 1 Điều 21 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/1/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ Luật Lao động, trong đó quy định tiền lương là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc nhất định theo thỏa thuận; tiền lương bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác...; mức lương của người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định.

Căn cứ các quy định nêu trên, đối với viên chức, người làm việc theo hợp đồng lao động xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP của Chính phủ (gồm: Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong số lượng người làm việc đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP) được trả tiền lương theo lương ngạch, bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp do Nhà nước quy định đối với đơn vị sự nghiệp công lập; đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không thuộc các trường hợp nêu trên, tiền lương ghi trong hợp đồng lao động do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

Đối với việc đóng bảo hiểm xã hội cho viên chức, người làm việc theo hợp đồng lao động trong đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và các văn bản hướng dẫn Luật, do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan quản lý Nhà nước về bảo hiểm xã hội.

Do vậy, đề nghị đơn vị gửi ý kiến đến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để được trả lời.

Theo Chinhphu.vn

Theo Chinhphu.vn

© Thời báo Tài chính Việt Nam