Trường đại học được quyết định mức giá dịch vụ đào tạo

16:35 | 07/03/2018 Print
Dự thảo của Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Dự thảo) quy định, cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) công lập được quyền chủ động xây dựng và quyết định mức giá dịch vụ đào tạo theo quy định của Chính phủ về giá dịch vụ đào tạo.

đại học

Trường Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức Ngày hội tuyển sinh. Ảnh: Bùi Tư

Các quy định về tài chính không còn phù hợp

Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các quy định về tài chính, tài sản trong Luật GDĐH đã trở nên không phù hợp với chủ trương thực hiện tự chủ đại học. Mức học phí chưa được tính theo cơ chế định giá dịch vụ phù hợp với chi phí đào tạo thực tế của các nhóm ngành, các bậc đào tạo và chất lượng của từng cơ sở đào tạo.

Bên cạnh đó, Luật GDĐH chưa có quy định về huy động vốn từ các tổ chức tín dụng và các tổ chức, cá nhân khác đầu tư cho GDĐH theo khả năng, nhu cầu của các cơ sở GDĐH. Các quy định về việc liên doanh, liên kết, hình thành doanh nghiệp để ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học của cơ sở GDĐH còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Đặc biệt, cơ chế phân bổ ngân sách cho cơ sở GDĐH còn mang tính bình quân giữa các trường đại học công lập, chưa gắn với tiêu chí phản ánh chất lượng và kết quả đầu ra nên chưa phát huy được tính cạnh tranh giữa các trường đại học.

Sự kiểm soát và lệ thuộc về nguồn tài chính cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến khó khăn trong việc sử dụng hiệu quả nguồn tài chính được cấp. Tiêu chí để cấp kinh phí căn cứ vào quy mô, số lượng sinh viên đầu vào của trường và mức kinh phí năm trước dẫn đến thiếu mối liên hệ với chất lượng đào tạo và các nhiệm vụ khác của trường. Đặc biệt là không công bằng trong trường hợp quy mô sinh viên tăng nhanh hơn so với sự gia tăng số lượng giảng viên làm ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

Bổ sung một số quy định về tự chủ tài chính, tài sản

Để khắc phục những hạn chế trên, tại dự thảo mới nhất của Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, đã sửa đổi, bổ sung một số quy định về tự chủ tài chính, tài sản. Theo đó, dự thảo chuyển học phí của cơ sở GDĐH sang quy định về định giá dịch vụ đào tạo, phù hợp với Luật giá và Luật Phí và Lệ phí.

Cơ sở GDĐH công lập được quyền chủ động xây dựng và quyết định mức giá dịch vụ đào tạo theo quy định của Chính phủ về giá dịch vụ đào tạo, đảm bảo tương xứng với chất lượng đào tạo. Giá dịch vụ đào tạo phải được công bố công khai cho từng năm học, khoá học cùng với thông báo tuyển sinh.

Đối với việc quản lý tài chính của cơ sở GDĐH, dự thảo quy định cơ sở GDĐH công lập tự bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động (chi thường xuyên và đầu tư) và cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm một phần kinh phí hoạt động, có văn bản thông qua chủ trương của hội đồng trường được: Quyết định các dự án đầu tư sử dụng nguồn thu hợp pháp ngoài ngân sách của cơ sở giáo dục đại học để thực hiện hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ;

Quyết định nội dung và mức chi từ các nguồn thu học phí và thu sự nghiệp, nguồn kinh phí đặt hàng, giao nhiệm vụ, bao gồm cả chi tiền lương, chi hoạt động chuyên môn, chi quản lý và được quy định trong quy chế tài chính của cơ sở GDĐH.

Bên cạnh đó, các cơ sở GDĐH có sử dụng ngân sách nhà nước được Nhà nước giao nhiệm vụ gắn với nguồn ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ có trách nhiệm quản lý, sử dụng nguồn ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý tài chính, tài sản công.

Để đảm bảo thực hiện chủ trương tự chủ đại học, dự thảo bổ sung nội dung quy định: “Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Luật này với quy định của những luật khác về quyền tự chủ của cơ sở GDDH thì áp dụng quy định của Luật này” theo cách mà Bộ Luật Dân sự, Luật Đầu tư, Luật Đấu giá, Luật Quyền tiếp cận thông tin... đã quy định./.

Bùi Tư

Bùi Tư

© Thời báo Tài chính Việt Nam