Mức chi cho soạn thảo mới dự thảo điều ước quốc tế là 8 triệu đồng

15:50 | 02/03/2018 Print
Mức chi cho soạn thảo mới dự thảo điều ước quốc tế là 8 triệu đồng/dự thảo văn bản. Trường hợp soạn thảo dự thảo điều ước quốc tế sửa đổi, bổ sung, gia hạn; dự thảo thỏa thuận quốc tế thì mức chi là 5 triệu đồng/dự thảo văn bản.

thoa thuan

Anh T.L minh họa

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 13/2018/TT-BTC quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác điều ước quốc tế và công tác thỏa thuận quốc tế.

Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia vào quá trình ký kết và thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế theo quy định tại Luật Điều ước quốc tế năm 2016 và Pháp lệnh ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế năm 2007.

Về mức chi, các nội dung chi tổ chức hội nghị trong nước, công tác phí cho cán bộ đi công tác trong nước; công tác phí cho cán bộ đi công tác ở nước ngoài; chi làm đêm, làm thêm giờ thì thực hiện theo các chế độ quy định hiện hành.

Cụ thể, chi tổ chức hội nghị trong nước, công tác phí cho cán bộ đi công tác trong nước, thực hiện theo mức chi quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC; chi công tác phí cho cán bộ đi công tác ở nước ngoài theo quy định tại Thông tư số 102/2012/TT-BTC; chi làm đêm, làm thêm giờ, theo mức chi quy định tại Thông tư liên tịch số 08/2005/TTLT-BNV-BTC.

Đối với chi rà soát văn bản trong nước và rà soát, thống kê các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế trong cùng lĩnh vực phục vụ trực tiếp công tác xây dựng điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế...thực hiện theo mức chi quy định tại Thông tư liên tịch số 122/2011/TTLT-BTC-BTP.

Về các khoản chi như: Cấp bản sao điều ước quốc tế; chi phí sao lục, in ấn tài liệu; chi mua, thu thập tài liệu; chi mua văn phòng phẩm phục vụ trực tiếp cho soạn thảo điều ước quốc tế thì thực hiện theo chứng từ chi thực tế, theo hợp đồng của đơn vị cung ứng. Đối với trường hợp thu thập tài liệu phải có bảng kê khai ký nhận tiền của người cung cấp tài liệu.

Đối với các khoản chi đóng góp tài chính theo điều ước quốc tế, mức đóng góp thực hiện căn cứ vào quy định của điều ước quốc tế, tổ chức quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Trong trường hợp có sự thay đổi mức đóng góp tài chính thì cơ quan chủ trì thực hiện điều ước quốc tế lấy ý kiến của Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính và cơ quan có liên quan; trình Thủ tướng Chính phủ quyết định làm căn cứ đóng góp.

Trường hợp mức đóng góp tài chính theo thỏa thuận quốc tế, thực hiện căn cứ vào quy định của thỏa thuận quốc tế có liên quan đang có hiệu lực.

Đối với một số chế độ, mức chi có tính chất đặc thù như chi soạn thảo mới dự thảo điều ước quốc tế là 8 triệu đồng/dự thảo văn bản; soạn thảo dự thảo sửa đổi, bổ sung, gia hạn là 5 triệu đồng/dự thảo văn bản. Trường hợp chi cho các cá nhân tham gia cuộc họp, mức chi cho người chủ trì là 150.000 đồng/người/buổi; các thành viên tham dự là 100.000 đồng/người/buổi...

Các khoản chi phí khác phát sinh phục vụ trực tiếp công tác điều ước quốc tế, công tác thỏa thuận quốc tế thì thanh toán theo hoá đơn, chứng từ chi tiêu thực tế hợp pháp theo quy định của Luật Kế toán và nằm trong phạm vi dự toán ngân sách đã được giao.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 2/4/2018./.

Mai Đan

Mai Đan

© Thời báo Tài chính Việt Nam