Không tính nợ của doanh nghiệp nhà nước vào nợ công

20:45 | 01/03/2017 Print
Chính phủ thống nhất phạm vi nợ công gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ của chính quyền địa phương, không bao gồm nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), nhằm bảo đảm bình đẳng giữa các DN thuộc các thành phần kinh tế.

hop bao chinh phu t2

Đại diện lãnh đạo các bộ, ngành chủ trì phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2017. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đây là thông tin được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng cho biết tại phiên họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 2, diễn ra chiều 1/3/2017.

DNNN không trả được nợ có thể cho phá sản

Tại phiên họp báo, thông báo vắn tắt về nội dung phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2/2017 diễn ra cùng ngày, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ đã tập trung thảo luận về xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách và tình hình kinh tế - xã hội.

Về kinh tế - xã hội, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, ngay sau Tết Nguyên đán, tinh thần bắt tay ngay làm việc đã lan tỏa trong các cơ quan từ Trung ương đến địa phương, không để xảy ra tình trạng “tháng Giêng là tháng ăn chơi” như quan niệm trước đây. Những chỉ đạo của Thủ tướng về việc không tặng quà dịp Tết, không sử dụng xe công và giờ hành chính để đi lễ hội, không sử dụng rượu bia trong giờ làm việc... được chấp hành nghiêm túc. Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực.

Về xây dựng thể chế, Chính phủ đã thảo luận về cơ chế, chính sách, cụ thể là các dự án luật như Luật Quản lý nợ công sửa đổi, Luật Thủy sản sửa đổi, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tố cáo. Đồng thời, xem xét một số nội dung như dự thảo Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Dược, đề nghị của Bộ Tài chính về sửa đổi, bổ sung về lãi suất cho vay nhà ở xã hội tại Nghị định 100 năm 2015.

Đáng chú ý, trong dự thảo Luật Quản lý nợ công, vấn đề được dư luận quan tâm là phạm vi nợ công. Các thành viên Chính phủ đã thống nhất phạm vi nợ công gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ của chính quyền địa phương, không bao gồm nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), nhằm bảo đảm bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế.

Các DNNN phải tự vay tự trả trên cơ sở đề án kinh doanh, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật thay vì chuyển nợ DN sang nợ của Chính phủ. “Nếu DNNN vay không trả nợ được thì thực hiện theo các luật liên quan, kể cả áp dụng Luật phá sản, buộc trả nợ vay”, người phát ngôn của Chính phủ nhấn mạnh.

Tuy nhiên, dự thảo Luật đã có quy định các khoản nợ vay lại, nợ được Chính phủ bảo lãnh cho DNNN được tính vào nợ công, theo hướng tiếp cận với thông lệ quốc tế.

Đồng thời, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng thông báo về kết quả kiểm tra thường kỳ của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tại tỉnh Bình Phước, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, Bộ Xây dựng. Cả 3 đơn vị đều có những chuyển biến tích cực trong việc hoàn thành đúng hạn các nhiệm vụ được giao. Trong đó, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định 59, cụ thể hoá Luật Xây dựng theo hướng tăng cường phân cấp cho địa phương, các tổ chức, tránh việc xếp hàng về Bộ Xây dựng như ý kiến Thủ tướng đã nêu. Nhiều nhiệm vụ tồn đọng tại Bộ Xây dựng cững đã được xử lý ngay.

Bộ Tài chính chủ trì kiểm tra trường hợp DN tặng xe địa phương

Ngoài ra, tại cuộc họp báo, các đại diện bộ ngành cũng đã dành nhiều thời gian để trả lời, làm rõ thông tin về những vấn đề đang được dư luận quan tâm.

Liên quan đến việc doanh nghiệp tặng xe ô tô cho một số địa phương, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai đã trả lời câu hỏi về quy định của pháp luật đối với trường hợp này. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 64 năm 2007 về quy chế tặng và nhận quà tặng, trong đó có các trường hợp, hành vi cấm nhận quà tặng. Tại Nghị định 29 năm 2014 cũng quy định về thẩm quyền, thủ tục xác lập quyền sở hữu của Nhà nước với tài sản và quản lý tài sản được xác lập, với các nội dung về căn cứ, tiêu chuẩn, định mức, chế độ quản lý tài sản nhà nước.

Theo quy định này, đơn vị tiếp nhận tài sản phải lập phương án xử lý tài sản để trình cơ quan có thẩm quyền, trường hợp tài sản được chuyển giao phù hợp thì giao cho cơ quan, đơn vị sử dụng, trường hợp không phù hợp thì phải từ chối, nếu không từ chối được thì xử lý theo quy định. Đối với trường hợp tài sản là ô tô thì căn cứ Quyết định số 32 năm 2015 của Thủ tướng về quy định, định mức, quản lý sử dụng xe ô tô, trong đó quy định rõ định mức xe ô tô theo chức danh ở các bộ, ngành, địa phương, định mức ô tô dùng chung.

Được biết, đối với hai trường hợp tại Cà Mau và Đà Nẵng, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Thanh tra Chính phủ và Bộ Tư pháp kiểm tra, xem xét cụ thể để báo cáo Thủ tướng./.

H.Y

H.Y

© Thời báo Tài chính Việt Nam