Xây dựng cơ chế thu đặc thù cho TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội

23:57 | 20/02/2017 Print
Chiều 20/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thảo luận về Dự thảo Nghị định của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù với TP.Hồ Chí Minh. Đa số các ý kiến nhất trí với các đề xuất của Chính phủ để tạo điều kiện cho TP.Hồ Chí Minh phát triển mạnh mẽ hơn.

ĐLT

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: H.Y

TP.HCM đề xuất nhiều cơ chế đặc thù

Trình bày báo cáo thẩm tra tại phiên họp, Chủ nhiệm UBTCNS Nguyễn Đức Hải cho rằng những quy định chung về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, nguồn thu, nhiệm vụ chi ngân sách của TP.Hồ Chí Minh là phù hợp với các quy định của Luật NSNN năm 2015, do đó, cơ bản nhất trí với các quy định về các vấn đề này trong Dự thảo Nghị định.

Tại tờ trình, Chính phủ đề nghị quy định mức dư nợ vay của ngân sách thành phố (TP) không vượt quá 60% số thu ngân sách địa phương (NSĐP) được hưởng theo phân cấp. Trường hợp cần thiết vay để thực hiện các dự án hạ tầng quan trọng mà mức dư nợ vay vượt quá quy định này, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Về mức bố trí quỹ dự trữ tài chính, Chính phủ đề nghị cho phép TP có quyền quyết định mức trích từ nguồn kết dư ngân sách TP vào quỹ dự trữ tài chính phù hợp với nhu cầu dự trữ tài chính và khả năng cân đối thực tế của ngân sách TP.

Về thưởng vượt thu, Chính phủ đề nghị trong trường hợp tăng thu ngân sách trung ương (NSTƯ) từ các khoản thu phân chia trên địa bàn, TP được thưởng một phần nhưng không quá 30% số tăng thu và không vượt quá số tăng thu NSTƯ trên địa bàn so với thực hiện thu năm trước. Về bổ sung có mục tiêu: Chính phủ đề nghị “TP được bổ sung có mục tiêu từ tăng thu NSTƯ một phần không quá 70% số tăng thu NSTƯ từ các khoản thu phân chia…”.

Bên cạnh những cơ chế ưu đãi do Chính phủ đề xuất tại dự thảo, tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh cũng có nhiều đề nghị để tạo cơ chế đặc thù cho TP phát triển. Theo đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho TP.Hồ Chí Minh về bộ máy, nhân sự; cơ chế phụ thu đối với một số ngành, lĩnh vực trên địa bàn thành phố, phân chia tỷ lệ phần lợi nhuận sau thuế của các DNNN; thẩm quyền về huy động vốn đầu tư; cho phép TP tiếp cận các nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước… TP.Hồ Chí Minh cũng đề nghị được cố định mức thưởng vượt thu và bổ sung có mục tiêu từ NSTƯ ở mức 30% và 70%.

Hỗ trợ có mục tiêu không quá 70% số tăng thu NSTƯ

Nêu ý kiến về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thống nhất với mức thưởng vượt thu 30% như đề xuất, nhưng cần có điều kiện kèm theo là NSTƯ vượt thu và số thưởng này không vượt quá số vượt thu của NSTƯ. Nếu không như vậy, ngân sách sẽ không đảm bảo cân đối, phải tăng vay dẫn đến tăng nợ công, bội chi. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng cho biết sẽ nghiên cứu tiếp thu các ý kiến đóng góp về cơ chế đặc thù cho TP.Hồ Chí Minh được nêu tại phiên họp để hoàn thiện dự thảo Nghị định.

Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến trong UBTVQH chia sẻ với những khó khăn của NSTƯ trong tình hình hiện nay. Tuy nhiên, TP.Hồ Chí Minh cũng cần có cơ chế hỗ trợ đặc thù, bổ sung nguồn lực để đầu tàu kinh tế của cả nước có điều kiện phát triển mạnh hơn, đóng góp phần lớn hơn vào NSTƯ và cho sự phát triển của cả nước. UBTVQH thống nhất ghi mức thưởng vượt thu là 30%, tuy nhiên đối với phần hỗ trợ có mục tiêu thì không quá 70%. Về mức nợ vay, UBTVQH đồng ý nâng mức vay lên không quá 70% so với mức thu ngân sách TP được hưởng.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, một số đề xuất của TP.Hồ Chí Minh về chính sách thu, về thuế, không thuộc thẩm quyền của UBTVQH mà phải do Quốc hội quyết định. Thay mặt UBTVQH, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng giao cho Chính phủ chủ trì, xây dựng cơ chế thu một số khoản đặc thù của TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội để trình Quốc hội xem xét, quyết định dưới hình thức Nghị quyết của Quốc hội./.

"TP.Hồ Chí Minh mong muốn có tự chủ lớn nhất"


Phát biểu tại phiên họp, Bí thư TP.Hồ Chí Minh Đinh La Thăng đề nghị cho TP được chủ động nhất về thu chi trong khuôn khổ có thể được, để TP nỗ lực thu được nhiều hơn cho ngân sách. Hiện nay, TP.Hồ Chí Minh đang chuẩn bị đề án để tăng trưởng ở mức hai con số, muốn vậy TP phải được chủ động hơn về nhiều mặt, cả tài chính, tổ chức, biên chế. “Làm sao TP.Hồ Chí Minh có sự tự chủ lớn nhất, không phải TP muốn thành vương quốc riêng, nhưng là tự chủ để làm ra nhiều tiền hơn, đóng góp cho trung ương và cả nước nhiều hơn”, Bí thư TP.Hồ Chí Minh Đinh La Thăng nói.

H.Y

H.Y

© Thời báo Tài chính Việt Nam