Các địa phương cần cạnh tranh về hiệu quả thu - chi ngân sách

17:53 | 11/02/2017 Print
Nguyên tắc phân cấp ngân sách nên theo hướng cho phép địa phương tự chủ nhiều hơn về thu và chi ngân sách. Trên nguyên tắc đó, các địa phương sẽ phát huy nhiều sáng kiến, năng động, tự chủ hơn. Các địa phương sẽ cạnh tranh với nhau về hiệu quả thu – chi ngân sách, chế độ phúc lợi.

LDD

TS. Lê Đăng Doanh trình bày tại hội thảo. Ảnh: H.Y

Đây là một trong những đề xuất của chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh nêu ra trong hội thảo mới đây về chủ đề “Xây dựng sáng kiến thúc đẩy công khai, minh bạch Ngân sách Nhà nước (NSNN)”, do Liên minh Minh bạch Ngân sách (BTAP) tổ chức tại Hà Nội cuối tuần qua.

Nhiều bước tiến trong minh bạch ngân sách

Các chuyên gia dự hội thảo đánh giá Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc đưa ra các biện pháp nhằm công khai, minh bạch quy trình lập dự toán và sử dụng NSNN. Theo TS. Ngô Minh Hương, nhiều quy định mới chặt chẽ hơn về công khai, minh bạch ngân sách đã được đưa ra trong các luật mới đây như Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công, Luật Tiếp cận thông tin... Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đứng trước những thách thức, những công việc phải thực hiện để tăng tính công khai minh bạch, qua đó tăng hiệu quả giám sát, hiệu quả sử dụng ngân sách.

Những năm gần đây, Việt Nam gặp phải nhiều khó khăn trong điều hành ngân sách như một số khoản thu giảm, cơ cấu thu chưa bền vững, chi tiêu công tăng cao nhưng hiệu quả chưa cao, dẫn đến tình trạng bội chi, nợ công tăng liên tục.

Để giải quyết được những khó khăn trên, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng cần chú trọng giảm tỷ lệ chi thường xuyên, thực hiện kỷ luật ngân sách nghiêm ngặt. Đặc biệt, TS. Lê Đăng Doanh nêu tình trạng nhiều địa phương hiện đang phụ thuộc lớn vào ngân sách trung ương nhưng có tâm lý ỷ lại, hay chi tiêu không hợp lý, thiếu hiệu quả như xây trụ sở lớn, đầu tư dàn trải...

Theo ông Lê Đăng Doanh, trong quan hệ điều tiết ngân sách trung ương cho địa phương, cần đảm bảo nguyên tắc các khoản điều tiết đó chủ yếu nhằm duy trì các khoản chi về y tế, giáo dục, bổ sung cho đầu tư về kết cấu hạ tầng kỹ thuật ở mức độ hợp lý, còn chi cho nuôi bộ máy, nguồn thu của địa phương cơ bản phải tự cân đối.

“Tỉnh nghèo, thu nhập thấp phải chấp nhận chi tiết kiệm hơn tỉnh giàu, bộ máy phải tinh gọn hơn. Không thể tiếp tục tình trạng tỉnh nghèo, sống chủ yếu bằng điều tiết ngân sách vẫn có bộ máy cồng kềnh, xài sang...”.

Tăng tính tự chủ của địa phương, giảm tâm lý ỷ lại vào ngân sách trung ương

Về lâu dài, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng nguyên tắc phân cấp ngân sách nên theo hướng cho phép địa phương tự chủ nhiều hơn về thu và chi ngân sách. Trên nguyên tắc đó, các địa phương sẽ phát huy nhiều sáng kiến, năng động, tự chủ hơn, ít ỷ lại và trông chờ và điều tiết ngân sách. Các địa phương sẽ cạnh tranh với nhau về hiệu quả thu – chi ngân sách, chế độ phúc lợi, người dân sẽ quyết định ở nơi thu thuế thấp hơn nhưng dịch vụ công cao hơn. Việc hỗ trợ cho ngân sách địa phương phải đảm bảo dựa trên động viên tối đa nguồn lực địa phương, đặc biệt hỗ trợ tiến tới tự chủ ngân sách.

Ngoài ra, một số bất cập khác cần được khắc phục trong cơ cấu thu chi ngân sách đã được các chuyên gia chỉ ra. Đó là kinh tế hộ gia đình hiện chiếm 33,2% GDP nhưng khoản nộp thu ngân sách chỉ chiếm 2%. Có tình trạng nhiều hộ gia đình thu nhập cao, sản xuất quy mô lớn nhưng không muốn đăng ký thành doanh nghiệp để tránh phải nộp thuế nhiều.

Hay thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia, thuốc lá... đang ở mức rất thấp so với các nước. Thuế bất động sản hầu như không đáng kể... Các tổ chức chính trị xã hội đang được hưởng nhiều trợ cấp, ưu đãi, trở thành gánh nặng cho ngân sách...

Tất cả những vấn đề này đòi hỏi phải có các biện pháp cấp bách và cơ bản để cải cách cơ cấu NSNN. Do đó, thời gian tới cần tập trung thực hiện công khai, minh bạch, thực hiện trách nhiệm giải trình, trách nhiệm cá nhân về thu chi ngân sách; thực hiện tiết kiệm triệt để, cắt giảm các chế độ có tính đẳng cấp, các ưu đãi không còn phù hợp và quá sức chịu đựng của ngân sách; cắt giảm biên chế, cắt giảm trợ cấp đối với các tổ chức quần chúng..., TS. Lê Đăng Doanh đề nghị./.

H.Y

H.Y

© Thời báo Tài chính Việt Nam