Sẽ xây dựng phương án thực hiện lộ trình cải cách tiền lương

17:09 | 03/10/2016 Print
Chính phủ sẽ xây dựng phương án để thực hiện lộ trình cải cách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công những năm tiếp theo trên cơ sở cơ cấu các khoản chi, thúc đẩy cải cách mạnh mẽ khu vực sự nghiệp công, giảm áp lực bố trí chi từ NSNN để dành nguồn thực hiện cải cách tiền lương.

tiền lương

Chính phủ sẽ xây dựng phương án để thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công những năm tiếp theo. Ảnh minh họa

Cử tri tỉnh Lạng Sơn kiến nghị: Hiện nay các tập đoàn nhà nước đầu tư ngoài ngành, làm ăn thua lỗ, nợ công tăng; hàng năm nền kinh tế đều tăng trưởng, tuy nhiên lại không đủ ngân sách để tăng lương, đề nghị xem xét và có giải pháp hữu hiệu.

Tiếp tục tái cơ cấu DNNN, đẩy mạnh quá trình thoái vốn

Trả lời kiến nghị của cử tri, Bộ Tài chính cho biết, tính đến thời điểm kết thúc năm tài chính 2014, trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, các DNNN đã có nhiều cố gắng thực hiện nhiệm vụ được giao.

Hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước vẫn duy trì ổn định so với năm 2013. Vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp được bảo toàn và phát triển, đóng góp số thu cho NSNN; tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu – chỉ tiêu phản ánh khả năng sinh lời của doanh nghiệp đạt mức khá.

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước có kết quả hoạt động kinh doanh thua lỗ (lỗ phát sinh theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2014 của 10 tập đoàn, tổng công ty nhà nước khoảng 4.901 tỷ đồng; lỗ phát sinh theo báo cáo tài chính của công ty mẹ của 05 tập đoàn, tổng công ty nhà nước khoảng 1.753 tỷ đồng).

Nếu tính riêng các công ty mẹ thì hiệu quả hoạt động kinh doanh có xu hướng tăng, một số công ty đã có lãi bù đắp lỗ lũy kế, số công ty có lỗ lũy kế giảm về số lượng và giá trị so với năm 2013. Xét theo lĩnh vực kinh doanh, tồn tại một số lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp còn gặp khó khăn do các yếu tố khách quan như: lĩnh vực dầu khí, lĩnh vực kinh doanh hàng nông sản,…

Cùng với đó, thực hiện đề án tái cơ cấu của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và địa phương đã và đang quyết liệt thực hiện tái cơ cấu DNNN nói chung và thực hiện thoái vốn đầu tư vào 05 lĩnh vực nhạy cảm (chứng khoán, quỹ đầu tư, bảo hiểm, tài chính – ngân hàng, bất động sản). Trong đó, năm 2014 số vốn đã thoái theo giá trị sổ sách khoảng 4.184 tỷ đồng, giá trị thu về khoảng 4.292 tỷ đồng; năm 2015 tương ứng là 5.630 tỷ đồng và 5.349 tỷ đồng; 5 tháng đầu năm 2016 tương ứng là 174 tỷ đồng và 175 tỷ đồng.

Hiện nay, Chính phủ đang khẩn trương tập trung nghiên cứu xây dựng hoàn thiện các Đề án, chính sách về sắp xếp, đổi mới quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN; tiếp tục thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành và vốn nhà nước ở doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ theo lộ trình hợp lý. Đối với những trường hợp đầu tư ngoài ngành đang thua lỗ, khẩn trương có phương án để báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Cơ cấu lại ngân sách, dành nguồn cải cách tiền lương

Cũng theo Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2008-2013, Nhà nước đã thực hiện 6 lần điều chỉnh lương cơ sở từ mức 450 nghìn đồng/tháng năm 2007 lên 1.150 nghìn đồng/tháng năm 2013; lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công được điều chỉnh tăng tương ứng mức tăng lương cơ sở.

Những năm gần đây, trong bối cảnh quy mô thu NSNN tăng không lớn, trong khi áp lực chi ngân sách cho đầu tư phát triển, chi trả nợ và thực hiện các chính sách an sinh xã hội rất lớn nên đã ảnh hưởng đến nguồn lực dành cho chi thực hiện cải cách tiền lương.

Mặc dù vậy, để hỗ trợ đời sống cho các đối tượng đã nghỉ hưu, người có công với cách mạng và cán bộ, công chức, viên chức có thu nhập thấp, Chính phủ đã rất nỗ lực thực hiện các giải pháp tiết kiệm chi để bố trí nguồn thực hiện điều chỉnh tăng 8% lương hưu, trợ cấp người có công và tiền lương cho các đối tượng có thu nhập thấp trong năm 2015 và điều chỉnh lương hưu, trợ cấp cho các đối tượng có mức lương hưu, trợ cấp thấp (dưới 2 triệu đồng/tháng), điều chỉnh tăng mức tiền lương cơ sở khoảng 5% cho các cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong năm 2016.

Trong giai đoạn tới, thực hiện Kết luận số 63-KL/TW ngày 27/5/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về một số vấn đề về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020, theo phân công của Ban Chỉ đạo trung ương về cải cách chính sách tiền lương, Chính phủ sẽ xây dựng phương án để thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công những năm tiếp theo.

Việc này sẽ được thực hiện trên cơ sở xem xét trong tổng thể các mục tiêu của NSNN, bao gồm định hướng điều chỉnh chính sách thu, cơ cấu các khoản chi NSNN và thúc đẩy cải cách mạnh mẽ khu vực sự nghiệp công kết hợp xã hội hóa, cổ phần hóa một số đơn vị sự nghiệp công có điều kiện nhằm nâng cao hiệu quả chi, giảm áp lực bố trí chi từ NSNN để dành nguồn thực hiện cải cách tiền lương./.

H.L

H.L

© Thời báo Tài chính Việt Nam