Thực hiện Nghị quyết 19: Thuế và Hải quan có bước tiến rõ nét

17:15 | 26/03/2016 Print
Theo Thủ tướng Chính phủ, với những ngành có tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện Nghị quyết 19, kết quả đem lại rất rõ nét. Cụ thể như những bước tiến rõ nét trong lĩnh vực thuế, hải quan.

TT

Thủ tướng Chính phủ phát biểu kết luận tại phiên họp.

>> Thuế tính giá xăng dầu cơ sở mới có lợi hơn cho người tiêu dùng

>> Thủ tướng phát biểu chia tay các thành viên Chính phủ

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 26/3, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Bùi Quang Vinh đã báo cáo Chính phủ về tình hình thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Một số bộ, ngành đạt kết quả đáng khích lệ

Theo Bộ KH&ĐT, trong năm 2015, các bộ, cơ quan, địa phương, nhất là Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN), Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), TP.HCM, đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện và đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Môi trường kinh doanh được cải thiện, năng lực cạnh tranh được nâng lên và được các tổ chức quốc tế có uy tín ghi nhận. Nội dung, cách thức thực hiện Nghị quyết 19 (NQ19) ngày càng được cộng đồng DN đánh giá cao, ngày càng kỳ vọng vào việc thực thi NQ19.

Năng lực cạnh tranh quốc gia của nước ta (theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới) cải thiện đáng kể so với năm 2014, tăng 12 bậc từ vị trí 68/144 lên vị trí 56/140, đạt mức tăng cao nhất từ năm 2012.

Về môi trường kinh doanh, thứ hạng của nước ta năm 2015 (theo Doing Business) tăng 3 bậc, từ vị trí 93 lên vị trí 90/189 nền kinh tế. So với các nước Đông Nam Á, năm 2015, Việt Nam được ghi nhận nhiều cải cách hơn, nhờ đó môi trường kinh doanh tăng điểm và thứ hạng tốt hơn, trong khi 3 nước gồm Malaysia, Philippines và Thái Lan xuống hạng, Singapore vẫn giữ vị trí dẫn đầu thế giới.

Về các chỉ tiêu cụ thể, trong năm 2015, có 5 lĩnh vực của Việt Nam được cải thiện. Trong đó, chỉ số khởi sự kinh doanh đã vượt mục tiêu đề ra. Chỉ số bảo vệ nhà đầu tư thiểu số tương đương nhóm nước ASEAN 4, đạt mục tiêu đề ra. Chỉ số nộp thuế và bảo hiểm xã hội dự kiến cũng đạt mục tiêu đề ra vào thời điểm cuối năm 2016. Chỉ số tiếp cận điện năng cũng đã đạt mục tiêu theo yêu cầu của NQ, tuy thời gian thực hiện các thủ tục vẫn nhiều hơn so với trung bình nhóm nước ASEAN 6.

Tuy vậy, vẫn còn một số lĩnh vực không có sự cải thiện hoặc giảm bậc, như thời gian thực hiện các thủ tục cấp phép xây dựng kéo dài thêm 52 ngày, từ 114 ngày lên 166 ngày. Chỉ số đăng ký sở hữu tài sản tăng từ 4 thủ tục lên 5 thủ tục. Điểm số về chất lượng thủ tục hành chính đất đai ở mức trung bình dưới. Chỉ số giải quyết tranh chấp hợp đồng không có sự thay đổi về điểm số và thứ hạng.

Kiểm tra chuyên ngành vẫn còn vướng mắc

Đánh giá về tình hình và kết quả thực thi NQ19 trong 3 tháng đầu năm 2016, Bộ KH&ĐT cho rằng chưa có nhiều thay đổi so với thời điểm tháng 12/2015.

Một số bộ, cơ quan, gồm Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT, Bộ NN&PTNN và VCCI đã rất tích cực, chủ động triển khai đầy đủ các nhiệm vụ, giải pháp. Về phía địa phương, Hà Nội và TP.HCM đã xây dựng và điều chỉnh Kế hoạch thực thi NQ19, bám sát yêu cầu của Nghị quyết, trong đó đã chủ động lồng ghép thêm một số chỉ tiêu về nâng cao năng suất lao động.

Về cải cách toàn diện các quy định về điều kiện kinh doanh, đến nay, theo Bộ KH&ĐT, mới có Bộ KH&ĐT, Bộ NN&PTNN triển khai rà soát, đánh giá quy định của pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh, báo cáo, đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết 59 của Chính phủ.

Về cải cách thủ tục hải quan và quản lý chuyên ngành, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện đẩy mạnh cải cách thủ tục hải quan, hoàn thiện hệ thống thông quan tự động, cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN, theo hướng tạo thuận lợi hơn cho DN. Cho đến nay, đã có 9 Bộ kết nối vào Cổng thông tin một cửa quốc gia. Tuy vậy, số thủ tục đăng ký kết nối (27 thủ tục) còn quá ít so với số lượng thủ tục kiểm tra chuyên ngành của các Bộ.

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, vấn đề kiểm tra chuyên ngành vẫn là vướng mắc lớn nhất trong thủ tục thông quan hàng hoá xuất nhập khẩu. NQ 19 giao cho 10 Bộ thực hiện cải cách quy định và thủ tục quản lý chuyên ngành; áp dụng phương thức quản lý rủi ro và chuyển mạnh sang hậu kiểm. Đến nay, một số Bộ gồm Tài chính; Giao thông vận tải; NN&PTNN chủ động triển khai thực hành theo định hướng và yêu cầu nói trên. Tổng cục Hải quan đã triển khai các địa điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung tại 7 khu vực cửa khẩu để giảm thời gian thông quan, giảm chi phí cho DN.

Bộ KH&ĐT cho rằng những bất cập của hoạt động kiểm tra chuyên ngành đã và đang tạo gánh nặng cho DN, gây bất lợi đến cải thiện môi trường kinh doanh. Phạm vi mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành quá rộng, kiểm tra quá mức cần thiết, trong khi đó theo kết quả kiểm tra, chỉ khoảng dưới 1% số trường hợp không đạt yêu cầu. Có những yêu cầu về quản lý chuyên ngành chỉ mang tính hình thức hoặc không thể thực hiện được.

Chỉ đạo quyết liệt sẽ có thay đổi rõ rệt

Cho ý kiến về vấn đề này tại phiên họp, Thủ tướng đánh giá với sự quyết tâm, nỗ lực của từng bộ, lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính đã đạt được tích cực. Điều này cho thấy việc này nằm trong tầm tay của các cơ quan, không tốn kém nhiều nhưng mang lại hiệu quả lớn cho nền kinh tế, cho DN.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng dù đã có kết quả nhưng DN vẫn còn “kêu” nhiều, nhất là về năng lực, phẩm chất đạo đức của cán bộ công chức, mà không còn là vấn đề thủ tục.

Để tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, Thủ tướng đề nghị từng bộ kiểm soát hơn nữa, hợp lý hoá các khâu quản lý để giảm thủ tục, chi phí cho DN, tạo điều kiện cho người dân làm ăn.

“Đã có Nghị quyết rồi, mỗi bộ đều phải có chương trình. Tôi thấy những bộ tập trung chỉ đạo là có thay đổi rõ rệt, ví dụ như Bộ Tài chính đã tập trung chỉ đạo, thuế và hải quan có bước tiến rất rõ nét. Tuy nhiên, vẫn cần phải quyết liệt hơn nữa”, Thủ tướng nói./.

H.Y

H.Y

© Thời báo Tài chính Việt Nam