Chiến lược phát triển kế toán, kiểm toán vào giai đoạn 2

08:47 | 20/03/2016 Print
Năm 2016, Bộ Tài chính có nhiều mục tiêu kế toán, kiểm toán đòi hỏi phải hoàn thành, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng với khu vực và quốc tế.

bộ tài chính

Quang cảnh hội thảo về kinh nghiệm áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế do Bộ Tài chính chủ trì tổ chức, vừa diễn ra tại Hà Nội. Ảnh: Thái Linh

Để rõ hơn về vấn đề này, phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Đặng Thái Hùng- Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán, Bộ Tài chính.

PV: Ông có thể cho biết đôi nét về những mục tiêu lớn đặt ra cho công tác kế toán, kiểm toán của Bộ Tài chính trong năm 2016?

- PGS.TS Đặng Thái Hùng: Năm 2016, hoạt động kế toán, kiểm toán bước vào giai đoạn 2 của lộ trình thực hiện Chiến lược Phát triển Kế toán - Kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn 2030, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2013.

Chiến lược phát triển kế toán, kiểm toán vào giai đoạn 2
Lĩnh vực kế toán kiểm toán đã và đang được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và hội nhập...   PGS.TS Đặng Thái Hùng        

Chúng tôi có kế hoạch tham mưu cho Bộ Tài chính triển khai nhiều công việc lớn, trong đó trọng tâm là đổi mới hệ thống kế toán kiểm toán Việt Nam.

Mục tiêu đặt ra là tạo được hệ thống thông tin kế toán, tài chính đẩy đủ, minh bạch việc phân tích, đánh giá các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội cho đến hoạt động của từng đơn vị; trong đó, có cả khu vực nhà nước và tư nhân.

Theo đó, chúng tôi đang triển khai đánh giá việc thực hiện Chiến lược Phát triển Kế toán - Kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn 2030; qua đó xác định, định hướng nhiệm vụ trong giai đoạn 2016- 2020.

Trong thời gian qua (giai đoạn 1), việc thực hiện mục tiêu chiến lược đã đạt được thành quả lớn. Bộ Tài chính đã nghiên cứu, xây dựng, trình Chính phủ, Quốc hội thông qua 2 văn bản luật: Luật Kiểm toán độc lập năm 2011 (lần đầu tiên tất cả các quy định liên quan đến hoạt động kiểm toán được luật hóa), Luật Kế toán năm 2015 (sửa đổi luật năm 2003).

Đáng chú ý là Luật Kế toán năm 2015 (có hiệu lực từ 1/1/2017) có nhiều điểm mới tiến bộ, có những vấn đề mới được đưa vào quy định của luật. Ví dụ: nguyên tắc giá trị hợp lý báo cáo tài chính nhà nước, phát triển kinh doanh dịch vụ kế toán…

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ tập trung vào việc nghiên cứu, cập nhật và bổ sung các chuẩn mực kế toán mà quốc tế đã đổi mới và bổ sung các chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế; xây dựng ban hành hệ thống chuẩn mực kế toán công…

PV: Ông có thể cho biết rõ hơn, về mục tiêu xây dựng và hoàn thiện hệ thống chuẩn mực Việt Nam, bởi lẽ, đây sẽ là công cụ để hoạt động kế toán, kiểm toán vận hành hợp chuẩn với thông lệ quốc tế?

- PGS.TS Đặng Thái Hùng: Bộ Tài chính đã và đang tập trung vào việc triển khai hệ thống chuẩn mực kế toán, kiểm toán; nghiên cứu, cập nhật, bổ sung các chuẩn mực về kế toán DN và kế toán công; triển khai đề án cập nhật và hoàn thiện các chuẩn mực kế toán Việt Nam đã ban hành phù hợp với thông lệ quốc tế và tình hình kinh tế Việt Nam.

Trong đó, đối với kế toán DN, sẽ phải cập nhật và ban hành lại 26 chuẩn mực kế toán được Bộ Tài chính ban hành công bố trước đây; nghiên cứu, xây dựng, ban hành, công bố các chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế áp dụng tại Việt Nam. Đối với khu vực kế toán nhà nước, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu, xây dựng và ban hành mới các chuẩn mực kế toán công.

Trong năm 2016, Bộ Tài chính cũng sẽ quan tâm đẩy mạnh hơn nữa với khu vực và quốc tế trong lĩnh vực hội nhập kế toán kiểm toán. Đặc biệt là thực hiện các thỏa thuận hợp tác về dịch vụ kế toán kiểm toán trong khu vực ASEA.

Đồng thời đẩy mạnh công tác quản lý, thúc đẩy phát triển thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán; nâng cao năng lực hoạt động của Vụ Chế độ Kế toán và kiểm toán theo hướng, tăng cường bộ máy, hoàn thiện tổ chức, nâng cao khả năng hoạt động, khả năng quản lý, giám sát hoạt động kế toán, kiểm toán trong nền kinh tế quốc dân.

PV: Trong số những mục tiêu nêu trên, dư luận rất quan tâm đến việc áp dụng Luật Kế toán năm 2015, ông có thể cho biết đôi nét về khâu tổ chức hướng dẫn để luật sớm đi vào cuộc sống?

- PGS.TS Đặng Thái Hùng: Nhằm đảm bảo Luật Kế toán năm 2015 có hiệu lực, áp dụng thực hiện từ 1/1/2017, Bộ Tài chính đang tập trung vào một số nội dung:

Thứ nhất là phổ biến, tuyên truyền, tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác kế toán từ trung ương đến địa phương, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp…về các quan điểm tư tưởng cũng như nội dung đổi mới của luật.

Thứ hai, triển khai xây dựng, ban hành 5 nghị định hướng dẫn luật; trong đó có 3 nghị định sửa đổi và 2 nghị định mới (Nghị định quy định về kiểm toán nội bộ đối với doanh nghiệp và các đơn vị kế toán nhà nước; nghị định về báo cáo tài chính nhà nước).

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đảm nhận việc xây dựng và ban hành các thông tư hướng dẫn. Ví dụ, thông tư hướng dẫn áp dụng nguyên tắc giá trị hợp lý đối với những lĩnh vực liên quan như chứng khoán, công cụ tài chính phái sinh…, hướng dẫn quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán.

PV: Xin cảm ơn ông!

Hải Anh

Hải Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam