Chưa thu phí đối với đất đá thải từ khai thác than

14:35 | 08/03/2016 Print
Sẽ không thu phí đối với đất đá bốc xúc thải ra trong khai thác than đến hết năm 2017. Đó là quy định tại dự thảo thông tư hướng dẫn Nghị định số 12/2016/NĐ-CP ngày 19/02/2016 về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, Bộ Tài chính đang soạn thảo, lấy ý kiến rộng rãi.

Về phương pháp tính, dự thảo quy định: Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản phải nộp (trong kỳ nộp phí) được tính theo một công thức bao gồm một số yếu tố:

Số phí bảo vệ môi trường phải nộp; số lượng đất đá bốc xúc thải ra; số lượng quặng khoáng sản nguyên khai khai thác; mức phí đối với số lượng đất đá bốc xúc thải ra; mức phí tương ứng của từng loại khoáng sản khai thác; hệ số K tính theo phương pháp khai thác.

Trong đó: Khai thác lộ thiên (bao gồm cả khai thác bằng sức nước như khai thác titan, cát, sỏi lòng sông): K = 1,05; Khai thác hầm lò và các hình thức khác (khai thác dầu thô, khí thiên nhiên, nước khoáng thiên nhiên và các trường hợp còn lại): K = 1.

Số lượng đất đá thải được xác định căn cứ vào tài liệu dự án đầu tư xây dựng công trình khai thác mỏ (được phê duyệt) hoặc căn cứ theo báo cáo đánh giá tác động môi trường (được duyệt) để tính phí. Số phí phải nộp đối với số lượng đất đá thải ra phát sinh căn cứ vào khối lượng đất đá bốc xúc trong toàn bộ thời gian của dự án khai thác mỏ chia cho số kỳ (tháng) nộp phí.

Trường hợp số lượng thực tế thải ra lớn hơn số lượng trong tài liệu dự án khai thác mỏ (hoặc trong báo cáo đánh giá tác động môi trường) thì thu theo thực tế. Cục thuế địa phương chủ trì, phối hợp với sở tài nguyên xác định số lượng đất đá thải thực tế.

Số lượng khoáng sản nguyên khai khai thác để xác định phí bảo vệ môi trường phải nộp là số lượng nguyên khai khai thác thực tế (trong kỳ nộp phí), không phân biệt mục đích khai thác (để bán ngay, đem trao đổi, tiêu dùng nội bộ, dự trữ đưa vào sản xuất tiếp theo...) và công nghệ khai thác (thủ công, cơ giới) hoặc vùng, miền, điều kiện khai thác (vùng núi, trung du, đồng bằng, điều kiện khai thác khó khăn, phức tạp...).

Trường hợp khoáng sản khai thác phải qua sàng, tuyển, phân loại, làm giàu trước khi bán ra, căn cứ điều kiện thực tế khai thác và công nghệ chế biến khoáng sản trên địa bàn, sở tài nguyên và môi trường chủ trì, phối hợp với cục thuế địa phương để trình UBND cấp tỉnh quyết định tỷ lệ quy đổi từ số lượng khoáng sản thành phẩm ra số lượng khoáng sản nguyên khai làm căn cứ tính phí bảo vệ môi trường, cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Trong quá trình khai thác mà thu được thêm loại khoáng sản khác, DN phải nộp phí bảo vệ môi trường theo mức thu của loại khoáng sản được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép khai thác.

Tổ chức, cá nhân/hộ gia đình khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong diện tích đất ở thuộc quyền sử dụng đất của mình để xây dựng các công trình trong diện tích đó thì không phải nộp phí.

Đất khai thác để san lấp, xây dựng công trình an ninh, quân sự không phải nộp phí đối với khai thác khoáng sản đó./.

Công khai số nộp phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản

Cơ quan thu phí phải có trách nhiệm thông tin công khai số phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản mà doanh nghiệp đã nộp trên các phương tiện thông tin đại chúng như: báo, đài phát thanh, đài truyền hình và các hình thức khác để người dân được biết. (Điều 5, dự thảo thông tư)

Vũ Long

Vũ Long

© Thời báo Tài chính Việt Nam