Dự kiến tăng thêm 60% mức án phí, lệ phí tòa án

13:48 | 22/02/2016 Print
Tại dự thảo Pháp lệnh Án phí, lệ phí toà án vừa được công bố, Bộ Tài chính dự kiến điều chỉnh tăng thêm 60% mức án phí, lệ phí tòa án tại Pháp lệnh năm 2009, tương ứng mức tăng chỉ số giá tiêu dùng từ năm 2009 đến nay.

Bộ Tài chính vừa công khai lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Pháp lệnh Án phí, lệ phí tòa án gồm 6 Chương, 51 Điều, trước khi trình Chính phủ xem xét, quyết định trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Kiện bảo vệ lợi ích của Nhà nước không phải nộp án phí

So với Pháp lệnh năm 2009, dự thảo Pháp lệnh Án phí, lệ phí tòa án đã có một số sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục một số bất cập và đáp ứng yêu cầu của thực tế.

Theo đó, mức thu án phí, lệ phí tòa án trong Pháp lệnh năm 2009 được xây dựng năm 2009. Đến nay, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng khoảng 60% so với năm 2009.

Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Phí và lệ phí, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017. Trong đó quy định Chính phủ có thẩm quyền trình UBTVQH quy định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án. Đồng thời, Pháp lệnh Án phí, lệ phí Toà án số 10/2009/PL-UBTVQH12 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành (Điều 23).

Để phù hợp với thực tế, nâng cao ý thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan, Bộ Tài chính dự kiến điều chỉnh tăng thêm 60% mức án phí, lệ phí tòa án tại Pháp lệnh năm 2009, tương ứng mức tăng chỉ số giá tiêu dùng từ năm 2009 đến nay. Đồng thời, làm tròn số để tạo thuận lợi cho việc thu, nộp. Ví dụ: 320.000 đồng làm tròn thành 300.000 đồng.

Trường hợp không phải nộp tiền tạm ứng án phí, án phí, tại Điều 10 Pháp lệnh năm 2009 quy định: Cơ quan, tổ chức khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước không phải nộp tiền tạm ứng án phí, án phí.

Trên thực tế, một số doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) sử dụng vốn từ NSNN để tiến hành hoạt động kinh doanh thu lợi nhuận. Khi tranh chấp phát sinh, các DN này khởi kiện để yêu cầu tòa án buộc một bên phải trả lại tài sản thuộc sở hữu Nhà nước hoặc có nguồn gốc từ phần vốn, tài sản do Nhà nước đầu tư vào DN, để bảo vệ lợi ích của Nhà nước.

Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 10 Pháp lệnh năm 2009 thì trường hợp DNNN khởi kiện để bảo vệ lợi ích của Nhà nước thì không phải nộp tiền tiền tạm ứng án phí, án phí.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Luật DN năm 2014 thì: Nhà nước bảo đảm bình đẳng trước pháp luật của các DN không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế.

Để bảo đảm bình đẳng, phù hợp với Luật DN, Bộ Tài chính dự kiến quy định tại khoản 2 Điều 10 dự thảo Pháp lệnh như sau: Cơ quan, tổ chức khởi kiện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng, lợi ích Nhà nước thì không phải nộp tạm ứng án phí, án phí. Trừ trường hợp DNNN khởi kiện liên quan đến hoạt động kinh doanh của DN.

Tăng thời hạn nộp tạm ứng án phí lên 10 ngày

Về xử lý tiền tạm ứng án phí, lệ phí tòa án, để phù hợp với quy định tại Luật Tố tụng hành chính (TTHC), Bộ luật Tố tụng dân sự (TTDS) năm 2015; Bộ Tài chính dự thảo quy định trường hợp tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự theo quy định hoặc vì lý do nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì số tiền tạm ứng án phí đã nộp được sung vào công quỹ Nhà nước.

Trường hợp tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự do người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện thì tiền tạm ứng án phí được trả lại cho người đã nộp tiền tạm ứng án phí.

Trường hợp Tòa án ra quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu thì tiền tạm ứng lệ phí Tòa án đã nộp được sung vào công quỹ Nhà nước…

Về nghĩa vụ chịu án phí sơ thẩm trong vụ án hình sự, để bảo đảm thống nhất với quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) năm 2015, Bộ Tài chính dự thảo quy định người bị hại đã yêu cầu khởi tố phải chịu án phí hình sự sơ thẩm trong trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại. Nếu Tòa án tuyên bố bị cáo không có tội hoặc vụ án bị đình chỉ theo quy định tại khoản 2 Điều 155 của Bộ luật TTHS.

Về nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí sơ thẩm trong vụ án hành chính, căn cứ quy định tại Điều 347 Luật TTHC năm 2015 thì ngoài người khởi kiện thì người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập trong vụ án hành chính cũng phải nộp tiền tạm ứng án phí sơ thẩm.

Để bảo đảm sự thống nhất với quy định tại Luật TTHC năm 2015, tại khoản 1 Điều 29 dự thảo Pháp lệnh, Bộ Tài chính dự thảo quy định nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí như sau: “Người khởi kiện vụ án hành chính, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập trong vụ án hành chính phải nộp tiền tạm ứng án phí hành chính sơ thẩm”.

Thời hạn nộp tạm ứng án phí hành chính sơ thẩm, phúc thẩm, dự thảo Pháp lệnh quy định thời hạn là 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận thông báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, tăng thêm 3 ngày so với thời hạn 7 ngày quy định tại Pháp lệnh năm 2009.

Về lệ phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài, tại Danh mục ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí đã quy định lệ phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài thuộc thẩm quyền ban hành của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thực hiện Luật Phí và lệ phí, tại khoản 8 Điều 4 dự thảo Pháp lệnh, Bộ Tài chính dự thảo quy định bổ sung lệ phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài là 8 triệu đồng (bằng mức thu lệ phí thực hiện ủy thác tư pháp của Tòa án nước ngoài tại Việt Nam quy định tại Pháp lệnh năm 2009 là 5 triệu đồng, tại dự thảo Pháp lệnh điều chỉnh tăng 60% thành 8 triệu đồng)./.

Hoàng Lâm

Hoàng Lâm

© Thời báo Tài chính Việt Nam