Đề xuất thí điểm cho người Việt Nam chơi sòng bài

12:57 | 30/09/2015 Print
Sáng 30/9, Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng (IRSD) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã chính thức công bố kết quả nghiên cứu ngành vui chơi có thưởng tại Việt Nam. Nhóm nghiên cứu đề xuất thí điểm cho công dân Việt Nam có thể chơi tại các sòng bài.

công bố kết quả điều tra về chò chơi có thưởng

Toàn cảnh hội thảo công bố kết quả nghiên cứu ngành vui chơi có thưởng tại Việt Nam sáng 30/9. Ảnh: N.M.

TS. Nguyễn Đình Chúc, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển bền vững vùng, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, nếu cho phép các nhà đầu tư nước ngoài vào sòng bài có thể thu hút khoảng 3 tỷ USD, làm tăng GDP khoảng 0,58% mỗi năm.

Kết quả nghiên cứu xã hội học (XHH) cũng chỉ ra những thay đổi trong quan niệm của người dân về ngành vui chơi có thưởng và sòng bài theo hướng thông thoáng hơn.

Có tới 71% số người được hỏi cho rằng nếu các sòng bài mở cửa cho người dân sẽ thu hút được nhiều người đến chơi.

Có 64,7% ý kiến cho rằng vui chơi có thưởng làm tăng ngân sách nhà nước và 52,6% cho rằng ảnh hưởng tích cực đến việc hạn chế người Việt Nam ra nước ngoài đánh bạc; 47,4% đánh giá việc tham gia các hình thức vui chơi có thưởng ảnh hưởng tích cực đến việc tạo công ăn việc làm và 46,2% cho rằng, vui chơi có thưởng ảnh hưởng tích cực đến thu hút đầu tư.

Nghiên cứu cũng đồng thời chỉ ra những tác động xã hội có thể có của ngành công nghiệp này như: khả năng giảm năng suất lao động, tăng tội phạm có tổ chức và các vấn đề gia đình, nợ nần, phá sản. Tuy nhiên, những ảnh hưởng xã hội này là không lớn và có thể vận dụng những kinh nghiệm quốc tế để kiểm soát vấn đề này.

Dựa trên kết quả nghiên cứu, nhóm nghiên cứu kiến nghị công tác quản lý ngành vui chơi có thưởng nói chung và ngành sòng bài nói riêng cần được dựa trên một khung pháp lý hoàn thiện.

Để có được khung pháp lý hoàn thiện, có tính khả thi, báo cáo đề xuất việc thí điểm cho phép công dân Việt Nam tham gia một số hình thức vui chơi có thưởng và sòng bài trong các khu nghỉ dưỡng phức hợp có quy mô lớn tại các địa điểm xa các khu đô thị đông dân cư (kiểu như casino).

Để thí điểm, các cơ sở kinh doanh này cần có sẵn hệ thống an ninh và quản lý người chơi chặt chẽ, có chương trình đào tạo nhân viên và có kế hoạch phối hợp cùng chính quyền địa phương trong hoạt động giáo dục và tuyên truyền, nhằm ngăn chặn những ảnh hưởng tiêu cực.

Theo nhóm nghiên cứu, để có được kết quả này, các chuyên gia, các nghiên cứu viên từ các viện nghiên cứu đã thực hiện khảo sát, điều tra xã hội học trong vòng 6 tháng (kể từ 4/2015).

Nghiên cứu dựa trên 3 phần chính: Nghiên cứu dựa trên kinh nghiệm quốc tế, nghiên cứu thực tiễn và khảo sát các cơ sở kinh doanh trò chơi có thưởng tại Việt Nam và điều tra xã hội học về tác động của các hoạt động vui chơi có thưởng và sòng bài.

Riêng đối với ngành sòng bài, nhóm nghiên cứu đã đi sâu khảo sát và nghiên cứu thực địa tại hai cơ sở sòng bài đang hoạt động hợp pháp với quy mô khác nhau tại Việt Nam là: Khu nghỉ dưỡng phức hợp Hồ Tràm tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Khách sạn Quốc tế Lào Cai tại tỉnh Lào Cai và một số sòng bài tại biên giới Campuchia - nơi có nhiều người Việt Nam tham gia chơi.

"Tại Việt Nam, ngành công nghiệp vui chơi có thưởng đang là vấn đề được cả Chính phủ và xã hội quan tâm. Nhận thức được tầm quan trọng đó, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu một cách toàn diện, khách quan về những tác động kinh tế và xã hội của ngành công nghiệp này, nhằm góp phần cung cấp cơ sở khoa học cho Chính phủ và các cơ quan hữu quan xem xét các chính sách phù hợp cho ngành công nghiệp không khói này", GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa Khọc xã hội Việt Nam nói.

Nhật Minh

Nhật Minh

© Thời báo Tài chính Việt Nam