Tăng thuế suất đảm bảo khai thác tài nguyên tiết kiệm, có hiệu quả

17:14 | 08/09/2015 Print
Lộ trình sửa đổi biểu mức thuế suất thuế tài nguyên (TSTTN) nhằm góp phần đảm bảo khai thác tài nguyên tiết kiệm, có hiệu quả, bảo vệ nguồn tài nguyên. Đồng thời, đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân nơi có tài nguyên được khai thác.

Đây là một trong những nội dung được trao đổi, thảo luận tại Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 712/2013/UBTVQH13 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về Biểu mức thuế suất thuế tài nguyên, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hôm nay (8.9), tại Hà Nội.

Thuế tài nguyên
Các diễn giả chủ trì hội thảo.

Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết, sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 712/2013/UBTVQH13, về cơ bản các quy định về mức TSTTN đã đạt được những mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên, theo ông Thi, mức TSTTN hiện hành còn hạn chế trong việc góp phần bảo vệ, khai thác hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả nguồn tài nguyên, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với khu vực và quốc tế. Vì vậy, cần phải nghiên cứu, rà soát để điều chỉnh mức thuế suất thuế tài nguyên đối với từng nhóm, loại tài nguyên cho phù hợp.

Trên cơ sở đó, theo đề xuất của Bộ Tài chính thời gian tới, một số ít nhóm tài nguyên sẽ giữ nguyên mức thuế suất hiện hành, còn lại sẽ tăng mức TSTTN đối với hầu hết các loại, nhóm tài nguyên. Cụ thể, đối với nhóm khoáng sản kim loại như sắt tăng từ 12% lên 14%, titan tăng từ 16% lên 18%, vàng tăng từ 15% lên 17%,… Đối với nhóm khoáng sản không kim loại: đá hoa trắng tăng từ 9% lên 15%, cát tăng từ 11% lên 15%, gờ-ra-nít tăng từ 10% lên 15%, đất làm gạch tăng từ 10% lên 15%,…

Góp ý về vấn đề này, bà Vũ Hương, Nhóm công tác thuế, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam cho rằng, với áp lực Việt Nam phải cắt giảm hàng loạt các loại thuế xuất nhập khẩu để chủ động hội nhập khu vực và quốc tế sẽ ảnh hưởng tới thu ngân sách nhà nước. Theo đó, một trong các biện pháp nhằm đảm bảo tăng thu ngân sách nhà nước là việc xem xét tăng thuế nội địa trong đó có thuế tài nguyên. Đây là một hướng đi phù hợp với thực tiễn tại một số quốc gia trên thế giới trong bối cảnh hội nhập.

Theo khuyến nghị của bà Hương, với thực tiễn của nền kinh tế, đặc biệt là ngành khai thác và chế biến khoáng sản của Việt Nam, biện pháp tăng thuế tài nguyên cần được xem xét một cách cẩn trọng, có lộ trình dài hạn và cần được thực hiện từng bước, sau khi đánh giá các tác động đa chiều và mục tiêu đạt được phải là tăng thu ngân sách bền vững, đảm bảo tính nhất quán và ổn định của chính sách thuế và môi trường đầu tư tại Việt Nam.

“Dự thảo Nghị quyết về biểu mức TSTTN vẫn đang được gửi lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan chức năng, các địa phương và các hiệp hội, doanh nghiệp để hoàn thiện trên tinh thần chính sách thuế mới sẽ góp phần đảm bảo khai thác tài nguyên tiết kiệm, có hiệu quả, bảo vệ nguồn tài nguyên. Đồng thời, đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân nơi có tài nguyên được khai thác”, ông Phạm Đình Thi cho biết./.

Tin và ảnh: Thiện Trần

Tin và ảnh: Thiện Trần

© Thời báo Tài chính Việt Nam