Học viện Tài chính: Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

15:52 | 02/09/2015 Print
(TBTCVN) - Trong suốt 52 năm xây dựng và trưởng thành, Học viện Tài chính luôn đoàn kết, năng động, sáng tạo trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và xây dựng cơ sở vật chất để tạo nên một đại học đa cấp, đa ngành, đa lĩnh vực, có uy tín trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam và quốc tế.

Học viện Tài chính

Học viện Tài chính là một cơ sở đào tạo có uy tín về lĩnh vực tài chính - kế toán

Những bước tiến vững chắc

Ngay từ đầu, xác định rõ vai trò của mình với sứ mạng “Cung cấp các sản phẩm đào tạo và nghiên cứu khoa học tài chính – kế toán chất lượng cao cho xã hội”, Học viện Tài chính đã có những bước tiến vững chắc. Từ chỗ, chưa đầy 40 giáo viên kiêm nhiệm tham gia đào tạo một khóa dài hạn và một khóa chuyên tu với số sinh viên chưa đến 500 người, chương trình, nội dung đào tạo còn nghèo nàn, chuyên ngành đào tạo còn hạn chế thì nay Học viện Tài chính đã có một đội ngũ giáo viên phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, đội ngũ giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ ngày càng đông đảo tham gia đào tạo với hầu hết các chuyên ngành mà nền kinh tế tài chính của đất nước đòi hỏi, số lượng đào tạo hàng năm trên vài nghìn sinh viên.

Học viện Tài chính: Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Phát huy truyền thống 52 năm xây dựng và trưởng thành, tập thể công chức, viên chức Học viện sẽ tiếp tục đoàn kết phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao. Cụ thể chủ đề năm học mới 2015-2016 của học viện là "Đoàn kết, sáng tạo vì sự phát triển của Học viện Tài chính... PGS.TS. Nguyễn Trọng Cơ - Giám đốc Học viện Tài chính

Cùng với đó, mặc dù điều kiện rất khó khăn, Ban lãnh đạo Học viện Tài chính đặc biệt quan tâm hàng đầu là vấn đề nhân sự, coi đó là điều kiện kiên quyết để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ đào tạo, đồng thời chú trọng xây dựng chương trình đào tạo với “3 nhất”: Cơ bản nhất, hiện đại nhất, Việt Nam nhất, và “4 tính”: Tính tư tưởng, tính sáng tạo, tính khoa học, tính sư phạm.

Chính vì thế, sau 52 năm, Học viện Tài chính đã đào tạo cho đất nước hơn 300 tiến sỹ, 2.200 thạc sỹ, 80.000 cử nhân kinh tế cho đất nước và cho các nước bạn Lào, Campuchia. Đến hiện nay, cơ cấu tổ chức bộ máy Học viện Tài chính gồm 31 đơn vị, trong đó có 14 khoa; 13 ban và tương đương; 5 đơn vị sự nghiệp và các Hội đồng tư vấn, các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội. Tổng số cán bộ, viên chức của Học viện hiện là 786, trong đó có 494 giảng viên; 57 nghiên cứu viên; 235 cán bộ; viên chức quản lý và phục vụ. Số cán bộ, viên chức có trình độ từ thạc sỹ trở lên là: 474 người, trong đó GS, PGS: 48; Tiến sỹ: 131 và thạc sỹ: 343 và 21 Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú.

Bằng những nỗ lực cống hiến hết mình như thế, Học viện Tài chính đã nhận được nhiều danh hiệu thi đua, phần thưởng cao quý do Đảng, Nhà nước Việt Nam và Nhà nước CHDCND Lào trao tặng như: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập; Huân chương Lao động; Huân chương ITSARA, Huân chương Hữu nghị do Nhà nước Lào trao tặng, hơn 60 cán bộ, giáo viên được công nhận là Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, 15 Chiến sĩ toàn quốc và nhiều danh hiệu vẻ vang khác.

Tự hào là sinh viên Học viện Tài chính

“Phát huy truyền thống 52 năm xây dựng và trưởng thành, tập thể công chức, viên chức Học viện sẽ tiếp tục đoàn kết phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao. Cụ thể chủ đề năm học mới 2015-2016 của học viện là "Đoàn kết, sáng tạo vì sự phát triển của Học viện Tài chính"- PGS.,TS. Nguyễn Trọng Cơ, Giám đốc Học viện Tài chính đã nhấn mạnh như vậy về phương hướng phát triển trong thời gian tới của Học viện.

Với những quyết tâm ấy, Ban giám đốc Học viện đã đưa ra những giải pháp quan trọng để tiếp tục xây dựng, phát triển Học viện luôn luôn là một cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học có uy tín hàng đầu về lĩnh vực tài chính - kế toán ở Việt Nam. Cụ thể, triển khai Chiến lược phát triển HVTC giai đoạn 2013 – 2020 và định hướng đến năm 2030. Đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, viên chức, học viên và sinh viên; xây dựng khối đoàn kết nội bộ, phát huy sức mạnh tập thể; phát huy tự chủ của các đơn vị, đề cao trách nhiệm cá nhân. Xây dựng cơ cấu tổ chức bộ máy của Học viện theo mô hình gồm: Ban, Khoa, Viện đào tạo, Viện nghiên cứu chuyên ngành, doanh nghiệp và các trung tâm dịch vụ; gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với nghiên cứu khoa học và thực tiễn.

Phát triển đội ngũ cán bộ đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, đáp ứng yêu cầu đặt ra của Chiến lược phát triển Học viện giai đoạn 2013 – 2020 và định hướng năm 2030. Ổn định quy mô và đổi mới cơ cấu đào tạo hợp lý; tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học. Thực hiện đa dạng hóa các loại hình đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của xã hội. Tiếp tục mở rộng và duy trì quan hệ hợp tác với các đơn vị trong và ngoài nước; thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, khai thác tối đa lợi ích cả về kinh tế và đào tạo của Học viện.

Thu hút các dự án tài trợ của Chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế cho hoạt động của Học viện. Xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, quản lý và các hoạt động khác của Học viện. Đẩy nhanh tiến độ dự án mở rộng Học viện; tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng Khu đô thị Đại học tại Đông Ngạc. Đẩy mạnh công tác quản lý tài chính; tiết kiệm các chi phí thường xuyên, thực hiện khoán kinh phí cho một số đơn vị; mở rộng các hình thức dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học có thu phí; ổn định và nâng cao đời sống cho cán bộ, viên chức. Thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm về các hoạt động của Học viện.

Hơn nửa thế kỷ qua, Học viện Tài chính luôn làm tốt sứ mệnh cung cấp những sản phẩm đào tạo, nghiên cứu khoa học về tài chính có chất lượng cao cho đất nước. Dù mỗi thời kỳ nhu cầu nguồn nhân lực tài chính đòi hỏi ngày một cao hơn, đa dạng hơn nhưng Học viên luôn đáp ứng tốt, thậm chí đã có rất nhiều trong số sinh viên ra trường được giữ nhiều trọng trách quan trọng của Đảng và Nhà nước từ Trung ương đến địa phương như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng ban kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng, Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn, Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước Phạm Phan Dũng, Tổng giám đốc kho bạc nhà nước Nguyễn Hồng Hà...

Vậy nên, khi nhắc nhớ về ngôi trường đã từng được học tập và trưởng thành, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã chia sẻ rằng: “Tôi rất vinh dự, và tự hào vì đã từng là sinh viên của trường Đại học Tài chính - Kế toán (nay là Học viện Tài chính). Hơn ai hết thế hệ thầy trò Học viện Tài chính hiểu rằng đào tạo nguồn nhân lực về tài chính – kế toán chất lượng cao chính là đem lại hiệu quả gián tiếp cho nền tài chính và là thước đo hiệu quả của nền kinh tế… Học viện Tài chính của chúng ta xứng đáng là một cơ quan nghiên cứu, cơ quan đào tạo và có những đóng góp quan trọng trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ tài chính kế toán của đất nước”./.

Hồng Sâm

Hồng Sâm

© Thời báo Tài chính Việt Nam