Ngành Tài chính không ngừng lớn mạnh và trưởng thành về mọi mặt

15:43 | 02/09/2015 Print
(TBTCVN) - Chúng tôi đến thăm nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười, người đã từng quan tâm nhiều đến ngành Tài chính nước nhà nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập ngành Tài chính. Ở tuổi gần 100 nhưng nguyên Tổng bí thư vẫn vui vẻ, tinh anh.

Nguyên Tổng Bí Thư Đỗ Mười

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười

Với ánh mắt đầy niềm tin yêu, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười nói: “Đến ngày 28/8 năm nay, ngành Tài chính nước ta đã tròn 70 năm rồi. Trải qua biết bao biến thiên, thành công cũng nhiều mà thách thức cũng lớn”.

Vẹn nguyên ký ức

Thủng thỉnh chuyện trò, trong ký ức của nguyên Tổng bí Đỗ Mười chưa khi nào quên thời kỳ đầu thành lập ngành Tài chính. Ông nhớ lại, lúc mới thành lập, quốc khố gần như trống rỗng, thế nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng mà trực tiếp là Bộ trưởng Bộ Tài chính đầu tiên, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, ngành Tài chính nước nhà đã từng bước xây dựng được nền tiền tệ độc lập, hình thành công cụ tài chính phục vụ hai cuộc kháng chiến thần thánh: thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

“Làm được điều đó là do hệ thống chính sách tài chính nước nhà ngay từ đầu đã được chủ trương xây dựng theo quan điểm lấy dân làm gốc, dựa vào dân, phục vụ nhân dân vừa đảm bảo lợi ích quốc gia, vừa phù hợp với quyền lợi và nguyện vọng của nhân dân. Chính sách đúng đắn với tầm nhìn sâu, rộng ấy đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng cơ sở vững chắc của nền tài chính nhà nước”- Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười nhấn mạnh.

Giữa không gian tĩnh lặng trong khuôn viên ngôi nhà cổ, giọng nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười thêm phần sôi nổi. Ông nhắc đến thời kỳ đổi mới của đất nước và những đột phá về tư duy kinh tế của đất nước sau Hội nghị Trung ương lần thứ 6. Từ đây, ngành Tài chính cũng tiến hành cải cách hệ thống huy động nguồn lực tài chính một cách toàn diện, đồng bộ thông qua việc xác lập hệ thống thuế mới; đưa ra hai bước đột phá trong cải cách hệ thống chính sách thuế; áp dụng nhiều chính sách tài chính khuyến khích đầu tư và kinh doanh của mọi thành phần kinh tế; đổi mới phương thức phân bổ và sử dụng nguồn lực tài chính phục vụ sự nghiệp đổi mới của nền kinh tế; đổi mới hoạt động tài chính xí nghiệp quốc doanh; hình thành thị trường vốn…

Nhắc tới những kỷ niệm sâu sắc gắn bó với ngành Tài chính, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười rất xúc động. Một trong những câu chuyện, ông vẫn nhớ như in là câu chuyện khi Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Ông đã ký Chỉ thị 15 về tăng cường lực lượng dự trữ nhà nước (năm 1988). Ánh mắt hướng xa xăm, ông kể: “Ở thời điểm ấy, trước thực tế lực lượng hàng hóa dự trữ tồn kho rất thấp do có tư tưởng mới nảy sinh với cơ chế thị trường, khi cần thì mua hoặc nhập khẩu, không cần dự trữ, với trách nhiệm là Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, tôi đã cùng với nhiều đồng chí lãnh đạo và các cán bộ đi sâu đi sát cơ sở, nghiên cứu tìm tòi từ thực tiễn để cuối cùng, ngày 11/1/1988 Chỉ thị số 15 ra đời. Chỉ thị đã tạo ra một động lực mới để ngành Dự trữ Quốc gia huy động các loại hàng hóa, vật tư thiết yếu đưa vào dự trữ, tăng cường lực lượng dự phòng chiến lược về vật chất của Đảng và Nhà nước ta. Tiếp đó, ngày 8/9/1988, Hội đồng Bộ trưởng tiếp tục ban hành Nghị định số 142/HĐBT về Quy chế quản lý dự trữ quốc gia”.

Nguyên Tổng Bí Thư Đỗ Mười
Đồng chí Đỗ Mười, nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng thăm và làm việc tại Tổng kho BO2 (Dự trữ Quốc gia khu vực Đà Nẵng). Ảnh: Võ Lượm

Luôn dõi theo bước tiến của tài chính

Không chỉ là những ký ức tươi rói, nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười còn vui mừng điểm lại rất nhiều những thành tựu hiện đại hóa và hội nhập của ngành tài chính hôm nay. Ông nhắc đến việc ngành đã đẩy mạnh đổi mới hệ thống chính sách thuế theo hướng giảm dần thuế suất nhưng vẫn đảm bảo nguồn thu cho NSNN và ban hành những sắc thuế mới, quan trọng. Các luật, pháp lệnh về thuế, phí cơ bản được sửa đổi, bổ sung phù hợp với quá trình chuyển đổi của nền kinh tế, theo hướng minh bạch, đơn giản, đảm bảo thực hiện các cam kết quốc tế, góp phần tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; giảm động viên vào ngân sách, tăng tích tụ vốn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Từ công cuộc cải cách này, việc thu ngân sách được mở rộng về quy mô, chuyển biến về cơ cấu.

Hơn nữa, chính sách thu NSNN đã góp phần đối phó với suy giảm kinh tế, ổn định vĩ mô, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Cụ thể, nhằm ứng phó với những tác động bất lợi của khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, chính sách nới lỏng tài khóa quan trọng nhất mà Bộ Tài chính đưa ra là việc giảm, giãn nộp thuế, hoàn thuế GTGT, TNDN, TNCN điều chỉnh hàng rào thuế quan trọng trong khuôn khổ cho phép của cam kết WTO để hỗ trợ sản xuất trong nước, đồng thời tăng cường các khoản chi an sinh xã hội. Bên cạnh đó, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành báo cáo Chính phủ, Quốc hội có nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Theo đó, hàng chục nghìn tỷ đồng tiền thuế đã được, miễn, giảm, giãn giúp cho doanh nghiệp giảm thiểu khó khăn về vốn, phục hồi sản xuất, kinh doanh…

Đối với công tác hiện đại hóa, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười hoan nghênh Bộ Tài chính đã đầu tư cho công nghệ thông tin ở mức cao hơn và liên tục trong nhiều năm để góp phần hướng đến xây dựng một nền Tài chính điện tử hiện đại. Cùng đó, ông cũng hoan nghênh công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh theo hướng chuyên nghiệp, minh bạch, công khai trên nhiều phương diện. Cụ thế, hệ thống cơ chế, chính sách tài chính, thể chế tài chính được hoàn thiện theo hướng tập trung tháo gỡ các rào cản về cơ chế, chính sách tài chính để huy động có hiệu quả các nguồn lực tài chính cho phát triển kinh tế - xã hội; hình thành một môi trường đầu tư thống nhất, công bằng, minh bạch và phù hợp với thông lệ quốc tế. Chính vì thế, những năm đầu, mặc dù chịu tác động của khủng hoảng, tài chính châu Á 1997 - 1998 nhưng Việt Nam vẫn huy động được một khối lượng lớn các nguồn vốn đầu tư phục vụ cho phát triển kinh tế.

Trong điều kiện toàn cầu hóa kinh tế, công tác hợp tác và hội nhập quốc tế là rất cần thiết. Việt Nam đã tham gia rất tích cực vào các hoạt động hợp tác tài chính và trở thành thành viên của nhiều diễn đàn hợp tác khu vực và quốc tế. Đặc biệt là, Việt Nam đã chính thức gia nhập WTO và có tư cách thành viên đầy đủ thứ 150. Sau hơn 7 năm gia nhập WTO, đến nay, Việt Nam đã ký kết 8 FTA song phương và đa phương.
Ngoài ra, để đáp ứng tốt hơn cho những yêu cầu mới, trong những năm qua, ngành tài chính còn thực hiền nhiều công tác quan trọng khác như: chính sách phân phối và sử dụng các nguồn lực tài chính; phát triển thị trường tài chính và dịch vụ tài chính; hình thành đồng bộ các chiến lược phát triển ngành Tài chính và thực hiện tái cấu trúc…

Suy ngẫm về những gì ngành Tài chính đã đạt được trong 70 năm qua, Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười phấn khởi cho biết, Ngành Tài chính đã thực sự chuyển mình mạnh mẽ trên con đường phát triển và hội nhập. Trong sự phát triển đó, ngành Tài chính đã hòa chung trong thế và lực của đất nước, đã phát triển nhiều mặt về tổ chức, chế độ chính sách, hệ thống NSNN... đã và đang hướng tới mục tiêu hiện đại hóa toàn ngành.

Để góp phần xây dựng ngành Tài chính lớn mạnh hơn nữa, xứng đáng với các thế hệ cha anh, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười cho rằng, thời gian tới, ngành Tài chính cần tiếp tục đổi mới và hoàn thiện các cơ chế chính sách tài chính- ngân sách và hội nhập quốc tế một cách toàn diện. Trong đó, cần chú ý đến hoàn thiện thể chế, chính sách tài chính; điều chỉnh cơ cấu chi NSNN hiệu quả; phân bổ tập trung, sử dụng hiệu quả, ưu tiên đầu tư cho con người; đồng thời, thu hút mạnh mẽ sự tham gia đầu tư của các thành phần kinh tế kể cả trong nước và ngoài nước.

Đặc biệt, cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi NSNN; tăng cường giám sát của Nhà nước đối với hoạt động của thị trường tài chính và dịch vụ tài chính, đảm bảo thị trường vận hành thông suốt phù hợp với các thông lệ quốc tế; đa dạng hóa nội dung, hình thức và các đối tác hợp tác quốc tế, chủ động xây dựng chính sách hội nhập tài chính hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, gắn với yêu cầu hiện đại hóa ngành Tài chính. Ngoài ra, cần đẩy mạnh việc đơn giản hóa thủ tục hành chính gắn với hiện đại hóa và ứng dụng CNTT, đặc biệt là các lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc nhà nước, dự trữ quốc gia….

Tạm biệt nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười, chúng tôi không bao giờ quên được nụ cười và ánh nhìn tươi vui trên gương mặt phúc hậu của ông. Đôi mắt ấy, nụ cười ấy như tiếp thêm cho thế hệ trẻ hôm nay những niềm tin mới, vững bước trong tương lai./.

Hồng Sâm

Hồng Sâm

© Thời báo Tài chính Việt Nam