Tự tin, vững bước vào hội nhập

15:38 | 02/09/2015 Print
(TBTCVN) - Hội nhập và hợp tác tài chính quốc tế đã đóng tích cực vào việc thu hú vốn đầu tư trực tiếp, gián tiếp từ nước ngoài; thu hút có hiệu quả các nguồn vốn trung, dài hạn phục vụ cho đầu tư phát triển đất nước.

Thắt chặt hợp tác tài chính với các tổ chức tài chính quốc tế

Thắt chặt hợp tác tài chính với các tổ chức tài chính quốc tế; Ảnh: Đức Minh

Qua đó, góp phần hoàn thiện về chính sách và thể chế quản lý của ngành tài chính trên các lĩnh vực như thuế, hải quan, quản lý giá, phát triển thị trường vốn và các chính sách tài chính khác. Có thể nói, hội nhập tài chính đã góp phần thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế và cải cách kinh tế trong nước thông qua việc thúc đẩy các hoạt động thương mại quốc tế, chuyển đổi cơ cấu ngành, vùng.

Những kết quả khả quan

Mặc dù nền kinh tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn song với chủ trương nhất quán của Đảng về hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là Nghị quyết số 22-NQ-TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng. Việt Nam đã trở thành thành viên của nhiều Hiệp định thương mại đa phương và song phương với cam kết mở cửa thị trường trên nhiều lĩnh vực như hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015.

Tự tin, vững bước vào hội nhập
Hội nhập và hợp tác tài chính quốc tế đã tích cực đóng góp tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp, gián tiếp từ nước ngoài; thu hút có hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức và các nguồn vốn trung, dài hạn phục vụ cho đầu tư phát triển đất nước; góp phần hoàn thiện về chính sách và thể chế quản lý của ngành tài chính... Tiến sỹ Vũ Nhữ Thăng, Vụ trưởng Vụ hợp tác Quốc tế, Bộ Tài chính

Về hội nhập tài chính, Việt Nam đã tiến hành đàm phán thuế quan, mở cửa thị trường dịch vụ tài chính, dịch vụ kế toán, kiểm toán, tư vấn thuế trong các khuôn khổ hợp tác đa phương và song phương. Hội nhập tài chính đã góp phần thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế và cải cách kinh tế trong nước thông qua việc thúc đẩy các hoạt động thương mại quốc tế, chuyển đổi cơ cấu ngành, vùng.

Đến năm 2015, Việt Nam đã ký kết được 10 Hiệp định thương mại tự do với nhiều đối tác kinh tế quan trọng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Chi lê, Liên minh kinh tế Á –Âu, ASEAN, ASEAN với Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Úc và Niu Di lân, Ấn Độ. Các cam kết trong các hiệp định này đã được xây dựng và đàm phán theo hướng cân bằng lợi ích cho Việt Nam.

Thực hiện chủ trương “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”, Bộ Tài chính đã xây dựng phương án cam kết trong lĩnh vực tài chính để đàm phán các hiệp định thương mại tự do với các đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Liên minh Châu Âu (EU), bốn nước Bắc Âu (EFTA), đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Hoàn thành tốt vai trò trưởng nhóm đàm phán Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại của WTO để Hiệp định này sớm có hiệu lực và vai trò Chủ tịch diễn đàn hợp tác hải quan ASEAN 2014-2015,…

Đồng thời đã chủ động xây dựng kế hoạch hành động sau khi Việt Nam gia nhập WTO; tiến hành sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, chính sách thuế TNDN và TTĐB, các quy định về trị giá tính thuế hải quan; chính sách giá, trợ cấp; đã thực hiện mở cửa thị trường bảo hiểm, dịch vụ chứng khoán, dịch vụ kế toán, kiểm toán và tư vấn thuế... theo đúng lộ trình cam kết trong WTO…

Về hợp tác tài chính quốc tế, Việt Nam đã tham gia tích cực vào các hoạt động hợp tác tài chính trong khuôn khổ các diễn đàn hợp tác khu vực và quốc tế như ASEAN, ASEAN+3, APEC, ASEM. Trong khuôn khổ APEC, đã chủ trì thành công tiến trình Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC tại Việt Nam; là đồng chủ trì của một số sáng kiến về hợp tác trong APEC, được các đối tác đánh giá cao như: sáng kiến về không gian tài khóa, sáng kiến về hợp tác công tư.

Trong khuôn khổ hợp tác ASEAN, Việt Nam đã đảm nhận thành công vai trò Chủ tịch tiến trình Hội nghị Bộ trưởng tài chính ASEAN, ASEAN+3, qua đó tạo điều kiện thúc đẩy hợp tác về thương mại, đầu tư. Về lĩnh vực tài chính, các khuôn khổ hợp tác của ASEAN và ASEAN + 3 đã đạt được những bước phát triển quan trọng, trong đó có việc hình thành Khuôn khổ hoán đổi tiền tệ đa phương CMIM và Sáng kiến Thị trường trái phiếu châu Á (ABMI). Đồng thời, đã tham gia thực hiện một số nghiên cứu về phát triển khu vực tài chính, bao gồm phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu và bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp, xu hướng thương mại, đầu tư trực tiếp và luân chuyển tiền tệ trong khu vực, các sản phẩm tài chính mới. Đây là những nghiên cứu cơ sở đặt nền móng cho các khuôn khổ hợp tác sâu rộng hơn về tài chính trong khu vực thời gian tới.

Chủ động, tích cực trong hội nhập

Hội nhập và hợp tác tài chính quốc tế đã tích cực đóng góp tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp, gián tiếp từ nước ngoài; thu hút có hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức và các nguồn vốn trung, dài hạn phục vụ cho đầu tư phát triển đất nước; góp phần hoàn thiện về chính sách và thể chế quản lý của ngành tài chính.

Đặc biệt trong năm 2014 và những tháng đầu năm 2015, ngành tài chính đã tích cực tham gia các hoạt động hợp tác tài chính khu vực ASEAN, ASEAN+3, APEC, Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) và G20; triển khai xây dựng phương án đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA bước vào giai đoạn cuối cùng như: Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam - EU, Việt Nam - Liên minh Hải quan, Việt Nam - Hàn Quốc...

Ngành Tài chính tiếp tục chủ động đề xuất và tích cực tham gia các chương trình hợp tác quốc tế để nâng cao tiếng nói và vị thế của Việt Nam trên các diễn đàn hợp tác quốc tế, mở rộng đối thoại chính sách và trao đổi kinh nghiệm về tài chính – tiền tệ với các chính phủ và các tổ chức tài chính quốc tế. Đa dạng hóa nội dung, hình thức và các đối tác hợp tác quốc tế; gắn hợp tác quốc tế với yêu cầu hiện đại hóa ngành Tài chính.

Để gia tăng cơ hội từ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, ngành Tài chính tiếp tục đẩy mạnh xây dựng hệ thống thông tin kinh tế - tài chính ở cấp độ quốc gia, ngành và địa phương; tăng cường theo dõi, giám sát thực hiện quá trình hội nhập, đặc biệt là hoàn thiện các chỉ tiêu thống kê, áp dụng các công cụ phân tích, đánh giá chính thức phục vụ công tác hội nhập để thực hiện có trách nhiệm các cam kết, kịp thời điều chỉnh hợp lý, hạn chế tối đa các tác động tiêu cực, chủ động tham vấn trong trường hợp cần có sự linh hoạt nhất định trong tuân thủ./.

Tiến sỹ Vũ Nhữ Thăng, Vụ trưởng Vụ hợp tác Quốc tế, Bộ Tài chính

Tiến sỹ Vũ Nhữ Thăng, Vụ trưởng Vụ hợp tác Quốc tế, Bộ Tài chính

© Thời báo Tài chính Việt Nam