Thi đua yêu nước góp phần quan trọng tạo nên thắng lợi của ngành Tài chính

07:53 | 14/08/2015 Print
Cùng với cả hệ thống chính trị, ngành Tài chính đã nỗ lực, vượt qua thách thức, góp sức giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh, tạo đà tăng trưởng, phát triển bền vững... Phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng của Ngành đã góp phần quan trọng tạo nên thắng lợi đó.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh như vậy khi phát biểu và chỉ đạo tại Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ IV của Bộ Tài chính vừa được tổ chức ngày 13/8.

Nhiều điểm nhấn quan trọng

Tại Đại hội, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã biểu dương, ghi nhận những kết quả nổi bật mà ngành Tài chính đã đạt được trong phong trào thi đua yêu nước 5 năm qua và nhấn mạnh: "Đây cũng là mốc son quan trọng, tiếp tục tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của 70 năm phát triển trưởng thành mà lớp lớp thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Tài chính đã xây dựng lên".

Phó Chủ tịch đã nêu bật những điểm chính qua 5 năm thực hiện công tác thi đua khen thưởng của ngành Tài chính. "Do nhận thức đúng vai trò của Thi đua khen thưởng nên lãnh đạo Bộ Tài chính đã chỉ đạo, phát động các phong trào thi đua nhằm thực hiện tốt mục tiêu đề ra. Từ tinh thần xuyên suốt “Đoàn kết, năng động, sáng tạo, nỗ lực không ngừng”, mà toàn ngành Tài chính cùng đất nước đã vượt qua khó khăn, thách thức; tiềm lực tài chính được tăng cường, an ninh tài chính quốc gia cơ bản được giữ vững, các vấn đề an sinh xã hội từng bước được giải quyết", Phó Chủ tịch nước phát biểu.

“Đây là vấn đề cốt tủy nhất để nền kinh tế ổn định và phát triển. Chúng ta đều biết kinh tế là gốc của tài chính. Nền tài chính mạnh là nền tài chính được vận hành trong một nền kinh tế phát triển bền vững và ngược lại, ... Do vậy, ngành Tài chính phải đảm đương nhiệm vụ quan trọng trong quản lý, điều hành nền kinh tế vĩ mô. Tuy rất nặng nề nhưng các đồng chí đã thành công với nhiều đổi mới sáng tạo trong tất cả các lĩnh vực”, Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Ngành Tài chính
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao Cờ thi đua của Chính phủ cho Bộ Tài chính

Cùng với đó, nội dung của các phong trào thi đua đều gắn với từng nhiệm vụ cụ thể, gắn với yêu cầu của từng lĩnh vực trong mỗi thời điểm khác nhau. Những thành tích trong huy động vốn đầu tư; sự nhạy bén đổi mới, năng động sáng tạo trong hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách tài chính; sự tích cực chủ động hội nhập và hợp tác tài chính quốc tế hiệu quả; thể hiện tốt vai trò động viên, phân phối nguồn lực;... thực hiện khâu đột phá trong cải cách thủ tục hành chính. Đây là những thành công đột phá được nhân dân cả nước đồng tình ủng hộ và các doanh nghiệp hoan ngênh.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan còn cho biết, trong triển khai, thực hiện thi đua, khen thưởng, ngành Tài chính đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, đã có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa thi đua dài hạn và ngắn hạn, có phong trào thi đua thường xuyên, có thi đua theo đợt, theo chuyên đề.

Việc ký kết giao ước thi đua và đăng ký thi trong toàn ngành cho thấy sự cam kết với quyết tâm cao thể hiện trách nhiệm chính trị của mỗi tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ được giao. Quyết tâm này lại được thông qua công tác kiểm tra, tự kiểm tra thi đua là một biểu hiện tốt của công tác quản lý thi đua trong toàn ngành. Kiểm tra tốt là một yếu tố tạo thành công trên mọi lĩnh vực. Nó cũng thể hiện Ngành đã làm tốt chức năng lãnh đạo công tác thi đua, khen thưởng vì bác Hồ đã dạy “không kiểm tra là không lãnh đạo”.

Bên cạnh đó, công tác khen thưởng đã được lãnh đạo các cấp trong ngành quan tâm thực hiện nên đã tạo động lực phát huy sức sáng tạo của cán bộ, công chức, viên chức ngành Tài chính. Công tác khen thưởng đã đảm bảo đúng nguyên tắc, đó là bảo đảm thống nhất giữa tính chất, hình thức và đối tượng; kết hợp chặt chẽ giữa động viên tinh thần với khuyến khích bằng lợi ích vật chất. Đã đảm bảo hài hòa giữa “danh” và “lợi”.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền, xây dựng và nhân điển hình tiên tiến được tiến hành có chất lượng. Thời gian qua, nhờ ý thức trách nhiệm của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức ngành Tài chính trong thực hiện các phong trào thi đua, mà nhiều tấm gương điển hình tiên tiến đã xuất hiện và được tuyên dương kịp thời.

Phấn đấu hơn nữa vì nền Tài chính quốc gia vững mạnh

Cũng tại Đại hội, Phó Chủ tịch nước cho rằng, thời gian tới, đất nước sẽ hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới. Chúng ta phải đảm bảo kinh tế vĩ mô được ổn định, an ninh chính trị, tài chính được giữ vững, an sinh xã hội được phát triển và chúng ta phải tiếp tục thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ngành Tài chính có vai trò quan trọng thực hiện nhiệm vụ trên.

Tuy vậy, Phó Chủ tịch nước cũng nêu ra nhiều thách thức mà ngành Tài chính cần phải vượt qua, như các vấn đề về: Hội nhập, giá dầu, chống buôn lậu, trốn thuế...

“Muốn vượt qua thách thức, yêu cầu toàn ngành Tài chính phải dũng cảm vươn lên, quyết liệt đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi buôn lậu, trốn thuế… Các phong trào thi đua phải hướng vào thực hiện nhiệm vụ mới, khó khăn hơn”, Phó Chủ tịch nước giao nhiệm vụ.

Phó Chủ tịch nước chỉ đạo: “Tôi đề nghị ngành Tài chính rút kinh nghiệm trong 5 năm qua, tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang 70 năm xây dựng và phát triển, tiếp tục đoàn kết, năng động sáng tạo, cần có phong trào thi đua yêu nước mang tính đột phá, tạo sự chuyển biến trong toàn ngành để công tác tài chính thực sự là công cụ sắc bén trong điều tiết kinh tế vĩ mô”.

Phát biểu đáp từ tại Đại hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Ngành Tài chính xin lĩnh hội và tiếp thu đầy đủ các ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan hôm nay để tổ chức thực hiện triển khai trong toàn Ngành.

Bộ trưởng khẳng định, mục tiêu của Ngành là xây dựng ngành Tài chính quốc gia lành mạnh, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với định hướng của thị trường và yêu cầu hội nhập quốc tế, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. Cùng với đó, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, huy động, quản lý, phân phối đảm bảo nguồn lực tài chính, đáp ứng kịp thời nhu cầu kinh tế xã hội đảm bảo quốc phòng an ninh và an sinh xã hội toàn đất nước.

Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa của ngành Tài chính. Đây là nhiệm vụ trọng tậm xuyên suốt trong cả giai đoạn 2016 - 2020 mà toàn ngành phải lỗ lực phấn đầu để hoàn thành. Mặt khác, đây cũng là giai đoạn được dự báo là có nhiều diễn biến mới, đan xen cả thuận lợi và khó khăn thách thức.

“Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu và nhiệm vụ đề ra, phải quán triệt sâu sắc, Nghị quyết của Quốc hội, sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ, phối hợp có hiệu quả với các bộ, ngành, các địa phương trong cả nước, đòi hỏi ngành Tài chính huy động sức mạnh của toàn ngành”, Bộ trưởng phát biểu./.

Bài và ảnh: Duy Thái - Hồng Quyên

Bài và ảnh: Duy Thái - Hồng Quyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam