Vay 30.000 tỷ đồng không phải vì thu ngân sách khó khăn

08:42 | 01/08/2015 Print
Vì sao Bộ Tài chính đề nghị vay Ngân hàng Nhà nước (NHNN) 30.000 tỷ đồng, vay trong bao lâu, vay từ nguồn nào… là một trong những vấn đề được các đại diện thành viên Chính phủ giải đáp trong cuộc họp báo thường kỳ chiều 31/7 của Văn phòng Chính phủ.

TT

Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải trả lời tại cuộc họp báo chiều 31/7.

Vay ngắn hạn, hoàn trả ngay trong năm

Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 31/7, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cùng đại diện các thành viên Chính phủ đã trả lời cụ thể về nhiều vấn đề đang được dư luận quan tâm.

Về câu hỏi của các phóng viên liên quan đến việc Bộ Tài chính đề nghị vay Ngân hàng Nhà nước (NHNN) 30.000 tỷ đồng, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cho biết, tình hình ngân sách khó khăn như đã nói chủ yếu do giá dầu thô giảm. Tuy nhiên, kết quả thu ngân sách 7 tháng đạt 59,8% dự toán cao hơn 6 - 7% so với 2, 3 năm gần đây. Đây là kết quả thu tích cực và căn cứ vào các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội những tháng còn lại trong năm, căn cứ dự báo tình hình, Bộ Tài chính đang quyết tâm chỉ đạo để đảm bảo đạt và vượt dự toán thu năm 2015, đồng thời kiên quyết giữ bội chi theo chỉ tiêu Quốc hội đặt ra. Về phía chi, Bộ Tài chính đang kiên quyết giữ bội chi không quá 5% theo Nghị quyết của Quốc hội. Việc điều hành dự toán ngân sách không bị “thâm thủng” so với kế hoạch đề ra.

Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải khẳng định, với thu ngân sách dự kiến vượt dự toán như vậy, đề nghị vay 30.000 tỷ đồng không phải là do ngân sách khó khăn hay suy giảm so với dự kiến. Thực tế, trong điều hành, có tháng thu nhiều, có tháng thu ít. Bộ Tài chính điều hành nhiệm vụ chi căn cứ vào nguồn thu và các kế hoạch đã đề ra. Việc đặt vấn đề mượn tiền của NHNN chỉ là nhất thời, ngắn hạn trong quá trình điều hành, phù hợp với quy định Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN), Luật NHNN và sẽ được hoàn trả ngay trong năm ngân sách.

Trả lời thêm về vấn đề này, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết, các quy định pháp luật hiện hành không cấm NHNN hỗ trợ cho NSNN. Trong điều hành NSNN, việc điều hòa vốn qua Kho bạc Nhà nước (KBNN) có thời điểm cần hỗ trợ của NHNN. NHNN sẽ xem xét trên cơ sở mục tiêu chung ổn định kinh tế vĩ mô. Nếu hỗ trợ, NHNN sẽ phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện theo quy định thông qua tiền cung ứng.

“Việc NHNN hỗ trợ cho NSNN chỉ là tạm thời. Trong điều hành, NHNN và KBNN có thời điểm cần sự hỗ trợ, nhưng thời gian rất ngắn. Khi thực hiện cung ứng tiền, dù bằng kênh nào thì NHNN đều có giải pháp điều tiết trở lại để đảm bảo mục tiêu của chính sách tiền tệ. Theo quy định, các khoản NHNN tạm ứng cho NSNN vay được hoàn trả trong năm ngân sách”, lãnh đạo NHNN cho biết.

Vụ ông Nguyễn Xuân Sơn: Sẽ làm rõ việc bổ nhiệm sai sót ở khâu nào

Một chủ đề khác được nhiều phóng viên quan tâm là việc vì sao ông Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), có sai phạm trong thời kỳ làm Tổng giám đốc Ngân hàng Ocean Bank nhưng vẫn được bổ nhiệm là Chủ tịch PVN…

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên cho biết công tác cán bộ nói chung và bổ nhiệm cán bộ đã có quy định khá đầy đủ cho từng cán bộ, tổ chức. Để bổ nhiệm cán bộ có quy trình khá chặt chẽ, theo từng bước, từng khâu. Về trường hợp ông Sơn, quá trình bổ nhiệm không phát hiện ra hành vi vi phạm pháp luật là do không thể phát hiện được, hay do cố tình làm không đúng, cơ quan điều tra sẽ làm rõ.

Để phát hiện sai phạm, cơ quan điều tra qua nhiều nguồn tin, phải có đủ căn cứ để xác định một người có hành vi vi phạm pháp luật hay không, từ đó mới áp dụng biện pháp ngăn chặn cần thiết. Với trường hợp ông Sơn trước đó, cơ quan điều tra chưa đủ căn cứ thực hiện. Bắt nguồn từ vụ Hà Văn Thắm, qua điều tra mở rộng mới phát hiện ông Nguyễn Xuân Sơn có 2 tội, là cố ý làm trái, vi phạm các nguyên tắc, cụ thể sai phạm thế nào cơ quan điều tra sẽ xác định, tìm ra khâu nào còn yếu kém.

“Trong các khâu để bổ nhiệm cán bộ, khâu quan trọng nhất là đánh giá cán bộ. Đánh giá năng lực thì dễ, nhưng đánh giá phẩm chất đạo đức, chính trị thì rất khó. Qua vụ này, cho dù qua các khâu không phát hiện vì lý do nào đó, nhưng cuối cùng, một người có hành vi vi phạm pháp luật, dù ở cương vị nào cũng sẽ bị xử lý công bằng, nghiêm minh trước pháp luật. Chính phủ đang chỉ đạo hoàn thiện công tác cán bộ ngày càng chặt chẽ hiệu quả hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết./.

H.Y

H.Y

© Thời báo Tài chính Việt Nam