Ban 389 tỉnh Hà Tĩnh: Một năm, xử lý hơn 2.824 vụ việc

23:26 | 08/06/2015 Print
Sau 1 năm thành lập, lực lượng chức năng thuộc Ban 389 tỉnh Hà Tĩnh đã xử lý hơn 2.824 vụ việc, với tổng trị giá hàng hóa tịch thu khoảng 3,2 tỷ đồng, thu tiền từ phạt vi phạm hành chính hơn 9,1 tỷ đồng, truy thu thuế nộp ngân sách nhà nước gần 22 tỷ đồng, chuyển xử lý hình sự 4 vụ việc.

Ban chỉ đạo 389 tỉnh Hà Tĩnh được thành lập theo Quyết định số 1835/QĐ-UBND ngày 30/6/2014 của UBND tỉnh Hà Tĩnh (thay thế Ban chỉ đạo 127 trước đây).

Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 của tỉnh do Cục Hải quan tỉnh Hà Tĩnh đảm nhận, với vai trò nghiên cứu và đề xuất các biện pháp, giải pháp đấu tranh có hiệu quả đối với các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất kinh doanh hàng giả.

Với kết quả bước đầu đạt được đã góp phần đẩy lùi nạn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh. Qua đó, hạn chế tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, bảo vệ người tiêu dùng.

Tại tuyến biên giới cửa khẩu đường bộ, cảng biển, các lực lượng chức năng luôn bố trí trực 24/24h. Đẩy mạnh các biện pháp nghiệp vụ tuần tra, kiểm soát, giám sát đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, người và hành lý của hành khách xuất nhập cảnh.

n
Một góc nhà làm việc liên ngành tại Khu Kinh tế Cầu Treo, Hà Tĩnh. Ảnh: Huy Hùng

Công tác phòng chống buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu được các lực lượng hải quan, bộ đội biên phòng đặc biệt quan tâm, luôn bám sát địa bàn, chủ động đề ra những phương án thu thập thông tin, phân tích diễn biến hoạt động của các đối tượng vi phạm, xây dựng các kế hoạch, phương án triệt phá nhiều đường dây, ổ nhóm vận chuyển ma túy, thuốc nổ, pháo nổ, vật liệu nổ... góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới.

Tại thị trường nội địa, lực lượng quản lý thị trường, khoa học và công nghệ, y tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài chính, thông tin và truyền thông, văn hóa thể thao và du lịch, thuế... tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng; các hành vi vi phạm quy định Nhà nước về quản lý giá, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm; vi phạm trong kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; vi phạm trong lĩnh vực thuế… góp phần ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và các cơ sở sản xuất kinh doanh chân chính, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.

Bên cạnh đó, các ngành chức năng cũng như chính quyền địa phương đã chủ động triển khai xây dựng chương trình kế hoạch, phối kết hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục trong các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, không tham gia tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả và gian lận thương mại.

Đồng thời tuyên truyền để người dân nhận thức rõ tác hại của hàng lậu, hàng giả, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vận động người dân “nói không với hàng lậu” và hưởng ứng cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, góp phần ổn định thị trường trong nước, khuyến khích sản xuất kinh doanh, bảo vệ quyền lợi và đem lại niềm tin cho người tiêu dùng./.

Huy Phong

Huy Phong

© Thời báo Tài chính Việt Nam