Hành trình từ Nha ngân khố đến Kho bạc Nhà nước

08:39 | 30/04/2015 Print
(TBTCVN) - Ngày 29/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh 75/SL thành lập Nha Ngân khố trực thuộc Bộ Tài chính. Sau bao năm xây dựng và phát triển, Nha Ngân khố đã trở thành Kho bạc Nhà nước (KBNN).

Ngày nay KBNN đã trở thành một trong những trụ cột của nền tài chính quốc gia - nơi quản lý quỹ ngân sách và thực hiện thu chi của đất nước.

Nha Ngân khố trong kháng chiến…

Địa chỉ Nha Ngân khố giờ đã trở thành Khu Di tích quốc gia, là nơi để các thế hệ cán bộ công chức KBNN trong toàn hệ thống về đây tri ân, ôn lại một thời gian khổ nhưng đầy tự hào với những tiền bối đã hy sinh và cống hiến cho sự nghiệp Tài chính Việt Nam…

Nha ngân khố
Các thế hệ lãnh đạo KBNN chụp ảnh lưu niệm tại nơi thành lập Nha Ngân khố Quốc gia trong chương trình hoạt động "Về nguồn" được KBNN tổ chức vào ngày 1/4/2014. Ảnh: HT

Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Để chuẩn bị cho sự ra đời và hoạt động của Nhà nước mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ Cách mạng lâm thời quyết định thành lập ngành Tài chính của nước Việt Nam độc lập. Nha Ngân khố cũng ra đời trong hoàn cảnh ấy.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, theo chủ trương của Chính phủ, các cơ quan trung ương di dời lên vùng ATK (an toàn khu). Riêng Nha Ngân khố (do đặc thù cần phải bí mật và an toàn) được lệnh sơ tán đến thôn Dàm, xã Tứ Quận, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Vậy là các cán bộ đã gồng gánh tiền bạc, các giấy tờ có giá trị trên vai, bí mật lội suối, trèo đèo để tới nơi làm việc mới.

Chỉ sau một thời gian ngắn đến xóm Dàm, được sự bao bọc, chở che của chính quyền và nhân dân địa phương, nơi ăn nghỉ của các cán bộ nhân viên Nha Ngân khố đã ổn định. Chính sự giúp đỡ này đã giúp các cán bộ chuyên tâm cho công việc, góp phần đắc lực vào công cuộc “kháng chiến, kiến quốc” và hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý các nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN), cấp phát kịp thời các nhu cầu chi tiêu của cuộc kháng chiến, bảo đảm sức chiến đấu của bộ đội và duy trì sự hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp từ trung ương đến địa phương.

Nhằm động viên mọi nguồn lực tài chính, ổn định nghĩa vụ đóng góp của nhân dân và để cụ thể hóa chức năng và nhiệm vụ của cơ quan quản lý Quỹ Ngân sách Nhà nước, năm 1951, nhiệm vụ của Nha Ngân khố Quốc gia được chuyển giao sang hệ thống ngân hàng, cùng với việc thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam.

…đến Kho bạc Nhà nước hôm nay

Đến ngày 4/1/1990, hệ thống KBNN tái lập, trực thuộc Bộ Tài chính, với chức năng chính là giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính thực hiện quản lý nhà nước về quỹ NSNN (chính thức thành lập theo quyết định của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng).

KBNN
Từ Nha Ngân khố, KBNN ngày càng phát triển mạnh mẽ và đang dần tiến tới KBNN điện tử. Ảnh: HT

Kể từ đó đến nay, KBNN đã có những bước hoàn chỉnh về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy để ngày càng đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ được giao. KBNN đã khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong hệ thống tài chính, đóng góp tích cực vào sự nghiệp đổi mới và lành mạnh hóa nền tài chính quốc gia thông qua việc tập trung nhanh, đầy đủ nguồn thu cho NSNN, đáp ứng kịp thời nhu cầu chi tiêu ngân sách phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội và an ninh, quốc phòng của đất nước.

Nhìn lại chặng đường xây dựng và phát triển, toàn hệ thống KBNN có quyền tự hào khi đã không ngừng cải tiến quy trình, hình thức thu nộp NSNN, đảm bảo tập trung đầy đủ, kịp thời và hạch toán chính xác số thu cho ngân sách các cấp. Đặc biệt, những năm gần đây, KBNN đã phối hợp với cơ quan thuế, hải quan và các ngân hàng thương mại đưa ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào công tác thu nộp NSNN. Qua đó, cải cách và hiện đại hóa công tác hành thu, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế .

Ngoài ra, KBNN đã làm tốt công tác quản lý điều hành ngân quỹ, luôn đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu thanh toán, chi trả của NSNN và các đơn vị giao dịch ngay cả trong những thời điểm cân đối NSNN các cấp gặp khó khăn; đồng thời, tạo ra nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi, kịp thời hỗ trợ cho NSNN khi nguồn thu chưa tập trung kịp. Bên cạnh đó, KBNN đã từng bước cải cách, hiện đại hóa công tác phát hành trái phiếu chính phủ, đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của thị trường này theo hướng phát hành chuyên nghiệp, phù hợp với các thông lệ tốt trên thế giới.

Theo Tổng giám đốc KBNN Nguyễn Hồng Hà, trong Chiến lược Phát triển KBNN đến năm 2020 đã xác định mục tiêu: Xây dựng KBNN hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả và phát triển ổn định vững chắc trên cơ sở cải cách thể chế, chính sách, hoàn thiện tổ chức bộ máy, gắn với hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực để thực hiện tốt các chức năng như: Quản lý quỹ NSNN và các quỹ tài chính nhà nước; Quản lý ngân quỹ và quản lý nợ chính phủ; Tổng kế toán Nhà nước; Huy động vốn cho NSNN và cho đầu tư…

Đến năm 2020, các hoạt động KBNN được thực hiện trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại và hình thành KBNN điện tử. Đây sẽ là “kim chỉ nam” để những người giữ “tay hòm chìa khóa” quốc gia vững vàng bước tiếp một chặng đường mới với nhiệm vụ và hành trang mới.

Hạnh Thảo

Hạnh Thảo

© Thời báo Tài chính Việt Nam