Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: Quản lý nguồn lực tài sản công phải mang lại hiệu quả cao nhất

00:51 | 24/04/2015 Print
(TBTCVN) - Trải qua 20 năm hình thành và phát triển, Cục Quản lý công sản(Bộ Tài chính) đã từng bước trưởng thành qua việc tham mưu cho Bộ Tài chính, trình Chính phủ các chính sách khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản (TS) công, đất đai.

tran

Cục trưởng Cục Quản lý công sản Trần Đức Thắng trong buổi ký kết thỏa thuận tài trợ Dự ánnâng cấp trang thông tin điện tử về tài sản Nhà nước với bà Claire Ireland- Tham tán Đại sứ quán Australia. Ảnh: Đức Minh

Nhân sự kiện này, TBTCVN đã có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng về định hướng quản lý công sản trong thời gian tới.

PV: Thưa Bộ trưởng, Cục Quản lý công sản đã trải qua chặng đường 20 năm hình thành và phát triển. Bộ trưởng nhìn nhận như thế nào về quá trình phát triển của đơn vị?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: 20 năm chưa phải là quãng thời gian dài đối với một tổ chức, nhưng từ khi Cục QLCS được thành lập, công tác quản lý TS công đã có những chuyển biến tích cực, từ chỗ chưa có cơ quan chuyên trách, chưa nắm được TS, công tác quản lý còn lỏng lẻo, đến nay Bộ Tài chính đã cơ bản nắm được các loại TS công cũng như hiện trạng sử dụng của TS.

Có thể thấy, trong suốt 20 năm qua, Cục QLCS đã liên tục phấn đấu xây dựng, củng cố, ổn định và phát triển, từng bước đưa TS công đến đúng đối tượng và sử dụng đúng mục đích, góp phần đẩy lùi sự lãng phí trong sử dụng TS công, đem lại nguồn lực đáng kể cho ngân sách nhà nước…

PV: Thực tế là hiện nay, việc quản lý công sản không chỉ theo hướng năm được TS đó là gì, đang ở đâu và tình trạng ra sao mà đã đang dần “thổi hồn tài chính” vào TS, tức là đưa ra cơ chế, chính sách để khai thác TS có hiệu quả hơn. Xin Bộ trưởng cho biết rõ hơn về công tác này?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Đúng vậy, việc quản lý công sản đang đi theo hướng làm sao để TS đó phát huy hết tác dụng, mang lại hiệu quả cao nhất.

Trước đây, việc quản lý TS chỉ tập trung vào để “khoanh vùng” xem TS là những gì, đang ở đâu, tình trạng ra sao? Ví dụ một khu nhà, hay khu đất của nhà nước khi chưa có cơ quan quản lý chuyên trách, Nhà nước chỉ quản lý chặt chẽ bằng cách ra quy định, không được cho thuê, cho mượn, không được liên doanh liên kết, không được đưa vào sản xuất kinh doanh, nên TS đó mãi mãi vẫn như thế. Nhưng trong nhiều năm gần đây, các chính sách về quản lý TS công đã đổi mới, thay vì để TS “nằm chết” tại một chỗ như trước đây, Nhà nước đã cho phép các đơn vị đang sử dụng TS được phép khai thác, liên doanh liên kết. Nhờ đó, các cơ quan, đơn vị được hưởng lợi từ nguồn thu đó và Nhà nước cũng tiết giảm được phần nào chi phí từ ngân sách để cấp cho các cơ quan, đơn vị đó.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: Quản lý nguồn lực tài sản công phải mang lại hiệu quả cao nhất
Trong suốt 20 năm qua, Cục QLCS đã liên tục phấn đấu xây dựng, củng cố, ổn định và phát triển, từng bước đưa TS công đến đúng đối tượng và sử dụng đúng mục đích, góp phần đẩy lùi sự lãng phí trong sử dụng TS công, đem lại nguồn lực đáng kể cho ngân sách nhà nước…   Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

Hơn nữa trong định hướng phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo an ninh- quốc phòng, đòi hỏi phải có những nguồn lực lớn cả trong và ngoài nước, cả của Nhà nước, của các thành phần kinh tế và người dân. Trong đó, Đảng và Nhà nước đã xác định TS công (trong đó có đất đai) là nguồn nội lực quan trọng. Không chỉ bây giờ chúng ta mới có quan điểm như vậy mà ngay cả trước đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã khẳng định: “TS công là nền tảng, là vốn liếng để khôi phục và xây dựng kinh tế chung, để cho dân giàu, nước mạnh, để nâng cao đời sống của nhân dân”. Do đó, theo Đề án khai thác nguồn lực tài chính từ TS công đến năm 2020, Nhà nước đã đặt ra các mục tiêu căn bản như:

Thu NSNN từ đất đai đạt khoảng 700.000 tỷ đồng trong giai đoạn từ 2011 đến 2020, bình quân thu hàng năm đạt khoảng 70.000 tỷ đồng;

Phấn đấu đến năm 2018, hoàn thành việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước trên phạm vi cả nước. Số tiền thu được từ việc bán TS và chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo chế độ quy định đối với cơ sở nhà đất dôi dư, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, xử lý quỹ nhà đất gắn với tái cấu trúc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước dự báo đạt khoảng 100.000 tỷ đồng;

Phấn đấu đến năm 2020, hoàn thành việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, cơ sở phải di dời theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Số tiền thu được từ việc chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, bán, chuyển nhượng cơ sở cũ dự báo đạt khoảng 18.000 tỷ đồng;

Hiện nay, Bộ Tài chính đã và đang chỉ đạo Cục QLCS nghiên cứu trình ban hành các chính sách khai thác nguồn lực tài chính từ TS kết cấu hạ tầng như thí điểm cho thuê quyền khai thác, chuyển nhượng có thời hạn đối với một số loại TS kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, cảng biển, cảng hàng không. Áp dụng chính sách này sẽ thu hút được các thành phần kinh tế cùng nhà nước đầu tư, phát triển các loại kết cấu hạ tầng giao thông, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

PV: Thưa Bộ trưởng, để thực hiện được những mục tiêu đó, Bộ trưởng có định hướng gì đối với chức năng, nhiệm vụ của Cục QLCS thời gian tới?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Cục QLCS cần nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế về quản lý công sản; đổi mới và tăng cường công tác quản lý về TS công. Để làm được điều đó, tôi đề nghị Cục QLCS cần tập trung triển khai một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

Một là, rà soát cơ chế chính sách liên quan đến lĩnh vực quản lý công sản để tiếp tục hoàn thiện, đưa chính sách vào đời sống. Để làm được điều này, trước tiên cần nghiên cứu phạm vi TS công theo quy định tại Hiến pháp năm 2013. Loại TS nào đã có quy định cần bổ sung, sửa đổi, loại TS nào cần có cơ chế, chính sách mới để tham mưu đề xuất với Bộ Tài chính trình Chính phủ, Quốc hội ban hành Luật Quản lý, sử dụng TS nhà nước (sửa đổi). Tiếp đó là xây dựng hệ thống các nghị định, thông tư, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, khả thi.

Hai là, sắp xếp bộ máy, biên chế và phân định chức năng, nhiệm vụ của từng phòng, bộ phận trong Cục một cách khoa học, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Đồng thời, rà soát, hoàn thiện Quy chế làm việc của Cục theo yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, quy định rõ chế độ trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong quá trình phối hợp công tác và triển khai nhiệm vụ được giao

Ba là, làm tốt công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cả về chuyên môn và bản lĩnh chính trị; phân công, giao việc hợp lý để phát huy thế mạnh của mỗi cá nhân; động viên, chăm lo đời sống, xây dựng tập thể cán bộ công chức Cục QLCS luôn đoàn kết, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu quả.

Bốn là, tăng cường công tác theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra công tác quản lý TS công trong phạm vi cả nước. Quản lý, sử dụng hiệu quả các cơ sở nhà đất thuộc sở hữu nhà nước; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, định mức sử dụng TS công trong các cơ quan nhà nước, bảo đảm tiết kiệm, không lãng phí.

Năm là, tiếp tục đầu tư hiện đại hóa công tác quản lý TS công; xây dựng cơ sở dữ liệu TS công đầy đủ, chính xác, cập nhật để phục vụ việc ban hành cơ chế, chính sách, tổ chức quản lý TS công ngày càng đi vào nề nếp.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Hạnh Thảo (thực hiện)

Hạnh Thảo (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam