Đơn vị sự nghiệp công thuộc Bộ Tài chính: Đổi mới để tăng tính tự chủ

10:00 | 11/04/2015 Print
Sáng 10/4, tại Hà Nội, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị "Đổi mới cơ chế hoạt động đối với đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Tài chính".

sự nghiệp công lập

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai (thứ hai, bên trái) chủ trì hội nghị. Ảnh: Đức Minh

>> Trường Đại học Tài chính – Marketing: Tăng tính tự chủ từ cơ chế mới

Tăng cường khả năng tự chủ ở mức cao hơn

Tại hội nghị, Thứ trưởng Vũ Thị Mai đã nêu bật mục đích, yêu cầu cũng như tầm quan trọng của việc đổi mới sự nghiệp công, trong đó Thứ trưởng đề cập tới những cơ hội và thách thức đối với các cơ sở giáo dục đào tạo thuộc Bộ Tài chính.

"Mục tiêu hướng tới của việc đổi mới cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công là thúc đẩy đơn vị sự nghiệp vươn lên, thúc đẩy khu vực sự nghiệp công phát triển nhanh, mạnh và bền vững, nâng cao số lượng, chất lượng dịch vụ công; tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, tăng cường thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế khác. Đồng thời, tạo điều kiện cơ cấu lại ngân sách nhà nước, dành thêm nguồn lực để chăm lo tốt hơn cho các đối tượng chính sách, người nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội", Thứ trưởng nói.

Yêu cầu đổi mới cơ chế quản lý đối với các đơn vị sự nghiệp công nhằm tạo ra đột phá trong quản lý, tính chủ động, trách nhiệm của các đơn vị trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ. Do vậy, Thứ trưởng khẳng định: "Chỉ có đổi mới mới tạo ra thu nhập tăng thêm cho viên chức, người lao động, cải cách thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng phục vụ".

Chia sẻ về các nội dung liên quan đến việc đổi mới cơ chế hoạt động đối với các đơn vị sự nghiệp giáo dục đào tạo, Thứ trưởng Vũ Thị Mai nêu, đối với các cơ sở giáo dục đại học, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 77/NQ-CP về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 - 2017 nhằm khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học công lập thực hiện cơ chế tài chính tự chủ mới để chủ động khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao chất lượng đào tạo đại học và giảm chi phí cho NSNN.

Hiện nay, có 5 trường được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thí điểm là cơ chế tự chủ tài chính là Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Trường Đại học kinh tế quốc dân, Trường Đại học Hà Nội, Trường Đại học Tài chính - Marketing. Trong đó, Trường Đại học Tài chính - Marketing là trường đầu tiên được Bộ Tài chính trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động.

Đối với đơn vị sự nghiệp chung, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 16/2015/NĐ-CP quy định về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập với mục đích tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập, chuyển dần sang hình thức đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công, thay vì giao dự toán như trước đây, gắn liền với lợi ích mà đơn vị đã năng động tạo nên bằng nhiều hình thức cung ứng các dịch vụ khác nhau, khuyến khích các đơn vị chủ động tăng thu, giảm dần việc thụ động phụ thuộc và ngân sách nhà nước.

Đối với việc triển khai thực hiện đổi mới cơ chế hoạt động đối với đơn vị sự nghiệp công, Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính đã có Kết luận số 11-KL/BCSĐ, trong đó giao các cơ sở đào tạo thuộc Bộ Tài chính xây dựng đề án chuyển đổi mô hình và quản lý cơ chế tự chủ tài chính.

Thứ trưởng Vũ Thị Mai yêu cầu các đơn vị sự nghiệp quán triệt đầy đủ những nội dung cụ thể liên quan đến đơn vị mình, đặc biệt là những nội dung mới sửa đổi, bổ sung để chủ động triển khai, thực hiện.

Thứ trưởng Vũ Thị Mai giao nhiệm vụ, các đơn vị chuyên môn của Bộ Tài chính gồm: Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp, Cục Kế hoạch tài chính và Vụ Tổ chức cán bộ sẽ là những đầu mối hướng dẫn, giải đáp vướng mắc; phối hợp chặt chẽ, cùng với các đơn vị rà soát, xây dựng, đề xuất phương án đổi mới các cho đơn vị.

Thách thức đối với cơ sở giáo dục đại học công lập

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe giới thiệu những điểm mới về đổi mới cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 16; những cơ hội và thách thức đối với các cơ sở giáo dục đào tạo thuộc Bộ Tài chính khi thực hiện Nghị quyết số 77.

Hội nghị cũng ghi nhận nhiều ý kiến, quan điểm thiết thực của các đơn vị về nội dung thực hiện xây dựng đề án cơ chế tự chủ; nội dung thành lập hội đồng trường, rà soát hoàn thiện, xây dựng cơ cấu tổ chức bộ máy của các trường; các vấn đề liên quan về tài chính, cơ sở vật chất đầu tư xây dựng cơ bản đối với các đơn vị sự nghiệp; trong đó tập trung vào các vấn đề tồn tại, vướng mắc và giải pháp cần triển khai trong thời gian tới để tháo gỡ khó khăn và chuẩn bị cơ sở vật chất tạo điều kiện cho các đơn vị sự nghiệp thực hiện cơ chế tài chính mới...

Theo Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính, ông Võ Thành Hưng, để thực hiện đổi mới cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm xã hội đối với các cơ sở giáo dục của Bộ Tài chính, thì không chỉ dựa vào khả năng tài chính của trường, mà cần phải đánh giá về năng lực quản lý, trình độ đội ngũ giáo viên, nhóm ngành đào tạo, năng lực nghiên cứu khoa học, tư vấn, chuyển giao công nghệ, chất lượng đầu ra.

Ông Hưng lưu ý, đối với các trường khi thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, các trường phải cân nhắc kỹ về mức thu học phí phù hợp (không thể thu quá cao) để đảm bảo thu hút được người học trong môi trường cạnh tranh gay gắt giữa các cơ sở giáo dục đào tạo.

Đặc biệt, khi các trường xây dựng đề án đổi mới cơ chế hoạt động theo đúng các nội dung tại Nghị quyết 77, thì các trường cần phải giải trình, làm rõ các cam kết trong việc: nâng cao chất lượng đào tạo, thực hiện kiểm định các chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc của tổ chức kiểm định quốc tế có uy tín; thực hiện đầy đủ trách nhiệm của xã hội trong việc tạo điều kiện và cơ hội học tập đối với các đối tượng chính sách, sinh viên nghèo.

Ông Hưng cũng đề nghị, các trường cần sử dụng hiệu quả và minh bạch nguồn lực tài chính, phù hợp với các quy định của pháp luật./.

Khánh Huyền

Khánh Huyền

© Thời báo Tài chính Việt Nam