50 năm truyền thống ngành Giá: Tự hào viết tiếp truyền thống vẻ vang

22:19 | 05/04/2015 Print
(TBTCVN) - Trải qua 50 năm xây dựng và trưởng thành (1965-2015), ngành Giá đã khẳng định vai trò tích cực và vị thế quan trọng trong công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế và thực hiện các nhiệm vụ chính trị xã hội mà Đảng, Quốc hội và Chính phủ đề ra qua từng thời kỳ.

cục quản lý giá

Tập thể cán bộ, công chức Cục Quản lý giá.

Cơ bản tạo ra môi trường cạnh tranh về giá theo pháp luật

Từ những ngày đầu ra đời ngành Giá, đến nay, môi trường pháp lý để quản lý, điều hành giá đã từng bước được xây dựng tương đối hoàn thiện và tiếp tục được bổ sung theo hướng tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật; đẩy mạnh phân cấp và nâng cao vai trò quản lý nhà nước về giá cho các bộ quản lý ngành, lĩnh vực và các địa phương.

Luật Giá được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013, đánh dấu một bước cơ bản hoàn thiện thể chế quản lý giá (QLG), tạo ra khuôn khổ pháp lý thuận lợi để QLG theo cơ chế giá thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước và phù hợp với các cam kết quốc tế.

Đến nay, theo Luật Giá, Nhà nước đã giảm mạnh việc quy định giá trực tiếp và chỉ còn quy định giá một số ít hàng hóa dịch vụ độc quyền, tài nguyên quan trọng; hàng dự trữ quốc gia, sản phẩm dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN).

Đối với đại bộ phận hàng hóa dịch vụ trong nền kinh tế, Nhà nước tôn trọng quyền tự định giá và cạnh tranh về giá theo pháp luật của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh. Nhà nước QLG, điều hành sự vận động của giá cả thị trường và bình ổn giá chủ yếu bằng các phương thức gián tiếp thông qua việc xây dựng môi trường pháp lý, điều hòa cung cầu; điều hành đồng bộ chính sách tài chính, tiền tệ, chính sách thương mại, tổ chức kiểm soát thị trường, chống buôn lậu và gian lận thương mại dưới mọi hình thức, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra.

Tiếp nối những thành quả đã đạt được, chúng ta có quyền tự hào và tin tưởng rằng những cán bộ, công chức, viên chức hiện đang công tác trong lĩnh vực giá dù ở địa phương, các Bộ, ngành, doanh nghiệp thẩm định giá hay ở các tập đoàn, tổng công ty, tổ chức cá nhân sản xuất kinh doanh… cũng đều sẽ tiếp tục phát huy truyền thống, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
cục trưởng nguyễn anh tuấn

Ông Nguyễn Anh Tuấn

Cơ chế QLG đó đã góp phần làm cho thị trường hoạt động công khai minh bạch hơn, giảm thiểu hoạt động của thị trường ngầm, làm cho hệ thống tín hiệu về giá trên thị trường mang tính khách quan hơn thông qua việc mở rộng cơ chế thẩm định giá, đấu thầu, đấu giá đối với hàng hóa dịch vụ mua sắm từ nguồn NSNN; các hàng hóa dịch vụ sản xuất theo đặt hàng của Nhà nước; các công trình xây dựng cơ bản; đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.

Cơ chế đó, về cơ bản đã tạo ra môi trường cạnh tranh về giá theo pháp luật, có động lực kích thích sản xuất phát triển, góp phần chống thất thu và tăng thu cho ngân sách nhà nước, phát huy và phân bổ có hiệu quả nguồn lực của đất nước.

Hệ thống giá điện, than, xăng dầu, dịch vụ công từng bước được điều hành theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước và cho đến nay, giá than, xăng dầu đã được điều hành phù hợp với thị trường; giá điện và giá một số dịch vụ công (y tế, giáo dục...) đang tiếp tục được điều hành theo lộ trình thị trường đã đề ra.

Quản lý, điều hành giá góp phần kiềm chế lạm phát

Cùng với việc hoàn thiện môi trường pháp lý quản lý Nhà nước về giá, công tác quản lý, bình ổn giá nhất là trong những thời điểm thị trường có nhiều biến động về giá (như dịp Tết Nguyên đán, vào các mùa lễ hội…) đã được Chính phủ chú trọng tăng cường, chỉ đạo.

Với vai trò là cơ quan giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về giá, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá theo chức năng nhiệm vụ được giao. Những giải pháp tổng thể đó là yếu tố quan trọng giúp chỉ số giá tiêu dùng cả nước tăng thấp trong những năm gần đây, góp phần thực hiện mục tiêu kiềm chế tốc độ tăng giá tiêu dùng đề ra theo Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ.

Đồng thời, công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện quy định của pháp luật về giá, thuế, phí đã được tăng cường triển khai thường xuyên, hàng năm và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương. Qua đó, đã phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về quản lý thị trường, pháp luật về QLG, thuế, phí và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, góp phần ổn định thị trường giá cả.

Bên cạnh đó, với chức năng là cơ quan tham mưu giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giá và thẩm định giá trên phạm vi cả nước, trong những năm qua, Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá) đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp chú trọng đẩy mạnh công tác theo dõi, phân tích diễn biến thị trường giá cả và kiến nghị biện pháp điều hành phù hợp.

Một lĩnh vực nữa cũng phải kể đến là công tác phát triển nghề thẩm định giá phù hợp với tiến trình đổi mới cơ chế QLG theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Trải qua gần hai thập kỷ phát triển, công tác quản lý nhà nước về thẩm định giá đã đạt được những thành quả đáng khích lệ trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động thẩm định giá, đặc biệt là Hệ thống Tiêu chuẩn Thẩm định giá Việt Nam; phát triển đội ngũ thẩm định viên về giá,… tạo điều kiện phát triển nghề thẩm định giá của Việt Nam.

Cùng với công tác chuyên môn, thực hiện quy định của pháp luật về công khai thông tin về giá, đồng thời ý thức được tầm quan trọng của công tác thông tin, tuyên truyền nên trong thời gian qua, Bộ Tài chính và Cục Quản lý giá luôn thực hiện tốt việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giá; giải thích, công khai thông tin về giá; minh bạch công tác quản lý, điều hành giá thuộc phạm vi phụ trách để giúp cho người dân hiểu rõ và tin tưởng, đồng thuận với chủ trương điều hành của Đảng và Nhà nước.

Nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

Trải qua 50 năm không ngừng đổi mới và phát triển, dù có những bước thăng trầm thay đổi về cơ chế quản lý và cơ cấu tổ chức nhưng dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo sát sao của các cấp lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, UBND tỉnh, cùng với sự cố gắng nỗ lực của các thế hệ cán bộ làm công tác giá, ngành Giá Việt Nam đã khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kinh tế, chính trị, xã hội mà Đảng và Nhà nước đã giao và tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

Với những thành tích đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN nên ngành Giá đã vinh dự đón nhận nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước như Huân chương Độc lập Hạng Nhất; nhiều tập thể, cá nhân được thưởng Huân chương Lao động của Nhà nước, Cờ Thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ trưởng…

Trong không khí phấn khởi kỷ niệm 50 năm Ngày Truyền thống ngành Giá, chào mừng Kỷ niệm 70 năm ngành thành lập ngành Tài chính Việt Nam và chuẩn bị bước sang thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội nhiệm kỳ 5 năm tiếp theo;

Tiếp nối những thành quả đã đạt được, chúng ta có quyền tự hào và tin tưởng rằng những cán bộ, công chức, viên chức hiện đang công tác trong lĩnh vực giá dù ở địa phương, các Bộ, ngành, doanh nghiệp thẩm định giá hay ở các tập đoàn, tổng công ty, tổ chức cá nhân sản xuất kinh doanh… cũng đều sẽ tiếp tục phát huy truyền thống, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Đồng thời, viết tiếp thành tích vào những trang sử truyền thống của ngành, tiếp tục tham mưu cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá, kiên định quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước và phù hợp với hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội mà Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã đề ra./.

Thạc sỹ Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính

Thạc sỹ Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính

© Thời báo Tài chính Việt Nam