Kho bạc Nhà nước: Vững vàng tuổi 25

16:08 | 01/04/2015 Print
(TBTCVN) - Ngày 1/4 hàng năm đã đi vào tiềm thức của mỗi cán bộ kho bạc, bởi đúng ngày này cách đây 25 năm, hệ thống Kho bạc Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính được tái lập và đi vào hoạt động theo Quyết định số 07/HĐBT ngày 4/1/1990 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ).

ông nghuyễn hồng hà

Tổng giám đốc KBNN Nguyễn Hồng Hà.

25 năm qua, hệ thống KBNN đã luôn kiên định, vững vàng, xứng đáng là những người giữ “tay hòm chìa khóa” nền tài chính quốc gia. Nhân dịp này phóng viên TBTCVN đã có cuộc phỏng vấn Tổng Giám đốc KBNN Nguyễn Hồng Hà.

* Thưa ông, đối với đời người, tuổi 25 là tuổi trưởng thành với đầy hoài bão. Còn đối với mỗi tổ chức, đây là giai đoạn ổn định, phát triển. Ông có thể khái quát về sự trưởng thành của KBNN trong 25 năm qua?

- Ông Nguyễn Hồng Hà: 25 năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Bộ Tài chính, những người làm công tác kho bạc đã liên tục phấn đấu xây dựng, củng cố, ổn định và phát triển; từng bước hoàn thiện chức năng, hiện đại hóa công nghệ và cải cách hành chính nhằm nâng cao chất lượng hoạt động quản lý và phục vụ. Qua đó, góp phần cùng với toàn ngành Tài chính đạt được nhiều kết quả tích cực trong xây dựng chính sách, quản lý phân phối nguồn lực của đất nước, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy nền kinh tế đạt và duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao; đóng góp tích cực vào sự nghiệp đổi mới và lành mạnh hoá nền tài chính quốc gia, thực hiện các chính sách xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng; huy động một lượng vốn lớn cho đầu tư phát triển; kế toán và cung cấp thông tin chính xác, kịp thời về tình hình thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN), góp phần đắc lực vào việc nâng cao chất lượng quản lý và điều hành tài chính - ngân sách của Quốc hội, Chính phủ và chính quyền các cấp. Có thể nói, 25 năm xây dựng và phát triển, đến nay KBNN đã trưởng thành vững vàng, sẵn sàng hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước tin tưởng giao phó.

kho bạc nhà nước

Sau 25 năm trưởng thành và phát triển, KBNN đang vững bước tiến tới KBNN điện tử trong tương lai.

* Trong dịp gặp gỡ các thế hệ cán bộ đã tham gia xây dựng KBNN những ngày còn hoạt động thí điểm, chúng tôi được biết trong những năm tháng mới thành lập, KBNN còn rất đơn sơ và thiếu thốn. Tuy nhiên đến nay, hệ thống KBNN đã được hiện đại hóa, công tác thu chi có những bước phát triển mạnh mẽ. Xin ông cho biết cụ thể hơn về những bước phát triển này?

- Ông Nguyễn Hồng Hà: Trong quá trình phát triển, KBNN đã không ngừng cải tiến quy trình, hình thức thu nộp NSNN, đảm bảo tập trung đầy đủ, kịp thời và hạch toán chính xác số thu cho ngân sách các cấp. Đặc biệt trong những năm gần đây, KBNN đã phối hợp với cơ quan Thuế, Hải quan và các ngân hàng thương mại đưa ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào công tác thu nộp NSNN. Qua đó, cải cách và hiện đại hóa công tác hành thu NSNN và tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế (giảm thiểu thời gian và thủ tục nộp NSNN; mở rộng không gian, thời gian cho người nộp thuế; người nộp thuế được tiếp cận các phương thức thu nộp hiện đại,...). Bên cạnh đó, trong công tác kiểm soát chi NSNN, hàng năm KBNN đã thực hiện kiểm soát hàng trăm ngàn tỷ đồng một cách chặt chẽ, chính xác, kịp thời. Để hoàn thành nhiệm vụ nặng nề đó, KBNN đã phải thường xuyên hoàn thiện cơ chế, quy trình kiểm soát chi NSNN: Thống nhất nhiệm vụ chi thường xuyên và chi đầu tư; thực hiện kiểm soát chi theo dự toán/kế hoạch vốn hàng năm; triển khai thực hiện kiểm soát cam kết chi NSNN; thực hiện kiểm soát chi NSNN “một cửa” qua KBNN; thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm soát chi NSNN,… Tất cả các nghiệp vụ trên đã giúp KBNN ngăn chặn và từ chối thanh toán nhiều khoản chi chưa đúng chế độ quy định với khối lượng lên tới hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, giúp cho công tác quản lý NSNN đi vào nề nếp, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.

“Để phù hợp với tiến trình đổi mới cơ chế quản lý kinh tế và cải cách hành chính quốc gia, đổi mới công tác quản lý tài chính tiền tệ, củng cố và nâng cao hiệu lực của Nhà nước, nhiệm vụ quản lý quỹ NSNN đã được chuyển giao từ Ngân hàng Nhà nước về Bộ Tài chính, đồng thời hệ thống KBNN được thành lập (ngày 1/4/1990) để đảm nhận nhiệm vụ này. Đến nay, hệ thống KBNN đã cùng toàn ngành Tài chính hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó, tạo thế và lực cho những bước phát triển mới”.
Trích bài viết của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (nguyên Bộ Trưởng Bộ Tài chính, nguyên Cục trưởng Cục KBNN), đăng trong cuốn kỷ yếu: KBNN Việt Nam- 20 năm xây dựng và phát triển.

Ngoài ra, KBNN đã làm tốt công tác quản lý điều hành ngân quỹ, luôn đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu thanh toán, chi trả của NSNN và các đơn vị giao dịch ngay cả trong những thời điểm cân đối NSNN các cấp gặp khó khăn; đồng thời, tạo ra nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi, kịp thời hỗ trợ cho NSNN khi nguồn thu chưa tập trung kịp. Bên cạnh đó, KBNN đã từng bước cải cách, hiện đại hóa công tác phát hành trái phiếu chính phủ, đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của thị trường này theo hướng phát hành chuyên nghiệp, phù hợp với các thông lệ tốt trên thế giới. Năm 2013, KBNN đã phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thành việc triển khai Hệ thống Thông tin quản lý ngân sách - kho bạc (TABMIS) trên toàn quốc tại tất cả các đơn vị KBNN, cơ quan tài chính và một số bộ, ngành. Từ đó, cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác hơn các thông tin về tình hình thu, chi NSNN, vay nợ, viện trợ,… đáp ứng ngày một tốt hơn các yêu cầu quản lý tài chính - ngân sách của các cấp có thẩm quyền.

* Những năm gần đây, KBNN đã tập trung đẩy mạnh công tác hiện đại hóa nhằm từng bước hình thành “Kho bạc điện tử”. Để hoàn thành mục tiêu này, hệ thống KBNN cần phải làm những công việc gì trong thời gian tới thưa ông?

- Ông Nguyễn Hồng Hà: Để thực hiện mục tiêu xây dựng “Kho bạc điện tử” theo Chiến lược phát triển KBNN, KBNN cần thực hiện đồng bộ, theo lộ trình với 3 công việc hết sức quan trọng và cần thiết, đó là: Hoàn thiện thể chế, chính sách, quy trình nghiệp vụ; mô hình tổ chức bộ máy và hiện đại hóa công nghệ thông tin (CNTT) KBNN.

Theo đó, tập trung xây dựng hệ thống thể chế, chính sách đầy đủ, đồng bộ, tạo dựng cơ sở pháp lý thực hiện chức năng Tổng Kế toán nhà nước và quản lý ngân quỹ nhà nước; hoàn thiện và chuẩn hóa các quy trình nghiệp vụ, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý thu và kiểm soát chi NSNN theo hướng cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo tính công khai, rõ ràng và minh bạch, giảm chi phí thời gian vật chất, nâng cao chất lượng quản lý và phục vụ các đơn vị giao dịch của KBNN. Kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiện đại, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả; chuyển đổi mô hình tổ chức bộ máy KBNN tại trung ương và địa phương, đảm bảo thực hiện đầy đủ 3 chức năng: Quản lý quỹ NSNN và quỹ tài chính nhà nước; quản lý ngân quỹ và nợ chính phủ; Tổng Kế toán nhà nước. Tập trung đẩy nhanh việc ứng dụng CNTT trong tất cả các lĩnh vực hoạt động KBNN. Triển khai đồng bộ chương trình, phần mềm phục vụ việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ chuyên môn của KBNN cũng như công tác quản trị nội bộ; thực hiện cung cấp các dịch vụ công trực tuyến cho các đơn vị sử dụng ngân sách và chủ đầu tư đảm bảo toàn bộ các hoạt động nghiệp vụ cũng như các hoạt động quản lý điều hành nội bộ của KBNN được thực hiện trên môi trường mạng. Đồng thời đẩy mạnh phát triển, nâng cấp cơ sở hạ tầng CNTT của KBNN theo mô hình ảo hóa và điện toán đám mây; chuyên môn hóa đội ngũ cán bộ CNTT của KBNN để khai thác, vận hành các hệ thống ứng dụng CNTT hiện đại, tạo nền tảng công nghệ vững chắc hình thành “Kho bạc điện tử”.

* Xin trân trọng cảm ơn ông!

Vân Hà (thực hiện)

Vân Hà (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam