Chính sách tài chính mới có hiệu lực trong tháng 3/2015

17:36 | 27/02/2015 Print
Hướng dẫn công ty đại chúng chưa niêm yết đăng ký GDCK; Thu hồi Giấy chứng nhận thành viên lưu ký; Không dùng tiền mặt góp vốn vào DN khác; Hỗ trợ hộ nghèo xây nhà ở phòng, tránh bão, lụt… là những chính sách tài chính mới có hiệu lực trong tháng 3/2015.

kinh tế

Ảnh minh họa

Hướng dẫn công ty đại chúng chưa niêm yết đăng ký giao dịch chứng khoán

Từ ngày 1/3/2015, các công ty đại chúng chưa niêm yết sẽ đăng ký giao dịch chứng khoán (GDCK) theo hướng dẫn tại Thông tư 01/2015/TT-BTC.

Theo đó, công ty đại chúng chưa niêm yết sẽ nộp hồ sơ đăng ký GDCK tại Sở GDCK Hà Nội gồm: Giấy đề nghị đăng ký giao dịch tại Sở GDCK Hà Nội (theo mẫu tại Phụ lục I); thông tin tóm tắt (theo mẫu số 08 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 58/2012/NĐ-CP); bản sao Giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán do Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam cấp.

Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Sở GDCK Hà Nội cấp Quyết định chấp thuận đăng ký giao dịch. Nếu từ chối chấp thuận đăng ký giao dịch, Sở GDCK Hà Nội phải trả lời công ty đại chúng bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Thông tư này bãi bỏ Quyết định 108/2008/QĐ-BTC; Thông tư 128/2009/TT-BTC và 95/2010/TT-BTC.

Miễn thuế nhập khẩu linh kiện sản xuất trang thiết bị y tế

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 10/2015/TT-BTC hướng dẫn miễn thuế nhập khẩu đối với linh kiện nhập khẩu để sản xuất, lắp ráp sản phẩm trang thiết bị y tế cần được ưu tiên nghiên cứu, chế tạo.

Việc miễn thuế áp dụng cho các linh kiện là chi tiết điện tử, chi tiết bán dẫn, chi tiết cơ khí nhập khẩu để lắp ráp hoàn chỉnh sản phẩm với điều kiện:

Là chủng loại nhập khẩu để sản xuất, lắp ráp các sản phẩm trang thiết bị y tế với thông số kỹ thuật cơ bản được nêu cụ thể tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định 54/2014/QĐ-TTg;

Linh kiện nhập khẩu thuộc loại trong nước chưa sản xuất được xác định theo Thông tư 04/2012/TT-BKHĐT.

Hồ sơ thủ tục miễn thuế, quyết toán việc nhập khẩu, sử dụng hàng hóa nhập khẩu đối với các linh kiện nêu trên thực hiện theo Thông tư 128/2013/TT-BTC.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15/3/2015

Thu hồi Giấy chứng nhận thành viên lưu ký

Theo Thông tư 05/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính, từ ngày 15/3/2015, một số trường hợp sẽ bị Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam thu hồi Giấy chứng nhận thành viên lưu ký.

Cụ thể, việc thu hồi Giấy chứng nhận thành viên lưu ký sẽ áp dụng đối với các trường hợp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động lưu ký chứng khoán theo Khoản 2 Điều 51 Luật Chứng khoán; bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước rút nghiệp vụ môi giới chứng khoán; không duy trì được các điều kiện đăng ký hoạt động lưu ký chứng khoán theo Điều 48 Luật Chứng khoán; vi phạm nghiêm trọng các quy định về thành viên lưu ký của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam.

Thông tư 05 thay thế Quyết định 87/2007/QĐ-BTC và Thông tư 43/2010/TT-BTC.

Không dùng tiền mặt góp vốn vào doanh nghiệp khác

Doanh nghiệp không được sử dụng tiền mặt (tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành) để thanh toán khi thực hiện các giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác.

Thay vào đó doanh nghiệp sẽ phải thanh toán bằng các hình thức sau: Thanh toán bằng Séc; thanh toán bằng ủy nhiệm chi – chuyển tiền; các hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt phù hợp khác theo quy định hiện hành.

Nội dung trên được quy định tại Thông tư 09/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn Điều 6 Nghị định 222/2013/NĐ-CP. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 17/03/2015.

Bộ Tài chính sẽ xem xét và giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Hỗ trợ kinh phí hộ nghèo xây nhà ở phòng, tránh bão, lụt

Theo quy định tại Thông tư số 18/2015/TT- BTC của Bộ Tài chính, mức hỗ trợ về nhà ở từ NSNN (ngân sách trung ương và ngân sách địa phương) để xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt (bao gồm xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng tầng) được quy định cụ thể: 16 triệu đồng/hộ đang cư trú tại các thôn đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ; 14 triệu đồng/hộ đang cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn theo quy định tại Quyết định số 1049/QĐ-TTg ngày 26/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn; 12 triệu đồng/hộ đang cư trú tại vùng còn lại.

Thông tư cũng quy định về nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung. Cụ thể, ngân sách trung ương hỗ trợ 100% theo mức quy định đối với các địa phương Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận. Ngân sách trung ương hỗ trợ 50% theo mức quy định đối với các địa phương Đà Nẵng, Khánh Hòa.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 18/3/2015.

Cơ chế tài chính cho hoạt động tư vấn và giám định xã hội

Từ ngày 20/3/2015, cơ chế tài chính cho hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam được thực hiện theo quy định tại Thông tư 11/2015/TT-BTC do Bộ Tài chính mới ban hành.

Thông tư này hướng dẫn lập dự toán và cơ chế quản lý tài chính cho hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của hệ thống Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, bao gồm: Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật ở Trung ương (Liên hiệp Hội Việt Nam) và các hội khoa học và kỹ thuật chuyên ngành toàn quốc của Liên hiệp Hội Việt Nam (các hội ngành toàn quốc), Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Liên hiệp hội địa phương), và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Thông tư cũng quy định mức chi cụ thể cho từng nội dung của hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Theo đó, đối với việc xây dựng đề cương Đề án, mức chi tối đa là 5 triệu đồng/đề cương; Chi phí thuê khoán chuyên môn cho đề tài chuyên đề nghiên cứu, phân tích về lĩnh vực khoa học tự nhiên, mức chi tối đa 20 triệu/chuyên đề; Báo cáo tổng hợp kết quả đề án, mức chi tối đa 30 triệu đồng/báo cáo…/.

N.P

N.P

© Thời báo Tài chính Việt Nam