Bộ trưởng Lê Văn Hiến qua lời kể của người cán bộ liên lạc

18:53 | 07/02/2015 Print
(TBTCVN) - Từng là cán bộ liên lạc cho nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến, ông Vũ Tử Cường có nhiều kỷ niệm với Bộ Tài chính và với riêng vị Bộ trưởng Lê Văn Hiến từ khi cơ quan Bộ còn đóng tại căn cứ địa Việt Bắc.

Phóng viên TBTCVN ghi lại những câu chuyện hết sức cảm động qua lời kể của ông Vũ Tử Cường.

Cơ duyên với cách mạng

Ngày 21/11/1946, giặc Pháp gây hấn đánh ta ở Hải Phòng, một trại thiếu niên được thành lập ở Tiên Lãng để thu hút những em nhỏ không nơi nương tựa. Khi giặc đánh ra Kiến An, trại thiếu niên của Kiến An khi đó có tên là trại “Khởi nghĩa” được di chuyển lên Việt Bắc. Hàng trăm thiếu niên Hải Phòng cùng với gần 100 em nhỏ của Hà Nội được tập hợp lại, tổ chức thành trại thiếu nhi, gọi là Đại đội Việt Bắc.

Đại đội Việt Bắc lúc đầu đóng ở Văn Phú - Yên Bái, bên bờ sông Thao, sau chuyển về Hà Lương - Cẩm Khê - Phú Thọ, là một nơi ở sâu trong rừng.

Ông Vũ Tử Cường

Ông Vũ Tử Cường chỉ bức ảnh chụp chung với Bộ trưởng Lê Văn Hiến. Ảnh: MN.

Đồng chí Nguyễn Văn Tạo - Bộ trưởng Bộ Lao động đã đến tận trại, chuyển lời thăm hỏi của Bác Hồ được Bác viết đằng sau tấm ảnh của Người. Bác đã khuyên các cháu thiếu nhi của trại hãy tích cực tăng gia sản xuất, chăm chỉ học hành và hăng hái rèn luyện sức khỏe. Trong lần đến thăm này, đồng chí Nguyễn Văn Tạo đã ra Sơn Dương đón 14 thiếu nhi được tuyển về làm liên lạc cho cán bộ. “Chị tôi - bà Vũ Thị Lễ là người được tuyển đã xin cho tôi được cùng đi. Đề nghị được chấp nhận, do đó tôi là người thứ 15 được bổ sung vào danh sách”, ông Vũ Tử Cường kể.

“Bộ Tài chính khi đó đóng ở Mỏ Giát, thuộc huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến nhận tôi về làm liên lạc ở Văn phòng Bộ. Trong Chính phủ chỉ có 2 người mà chúng tôi - những người làm công tác bảo vệ gọi bằng Bác, đó là Bác Hồ và Bác Tôn. Còn Bộ trưởng Lê Văn Hiến lại được gọi bằng ông. Vì lúc đầu khi gặp Bộ trưởng, thấy ông có vẻ mặt khá nghiêm túc nên tôi gọi bằng ông. Từ đó cứ quen gọi Bộ trưởng Lê Văn Hiến bằng ông” - ông Cường bồi hồi nhớ lại.

“Bộ trưởng coi tôi như con”

Kỷ niệm lần gặp Bác Hồ

"Năm 1950, trong một buổi họp hội đồng Chính phủ, đồng chí Lê Văn Hiến có cho tôi đi theo, lần này tôi được gặp Bác Hồ. Bác đang ngồi với các đồng chí bảo vệ, Bác đem thuốc lá ra cho mọi người cùng hút. Đây là một loại thuốc lá ngon mà huyện Sóc Sơn mới gửi biếu Bác. Mỗi người cuốn một điếu. Bác bảo tôi còn bé không được hút thuốc và cố gắng đừng bao giờ học hút thuốc lá. Đến tận bây giờ tôi vẫn rất nhớ hình ảnh Bác Hồ trong lần gặp Bác duy nhất đó" - ông Vũ Tử Cường.

“Thu đông năm 1947, giặc Pháp tấn công lên Việt Bắc hòng tiêu diệt cơ quan đầu não của ta, tôi và ông Tư Đài, ông Trịnh Văn Phú và một số đồng chí khác được cử đi, dùng ngựa thồ di chuyển tài sản quốc gia, sau này tôi mới biết đó là những hòm vàng”.

“Lội qua sông Đáy chẳng may tôi trượt chân, bị nước cuốn trôi. Chính đồng chí Lê Văn Hiến đã cứu tôi thoát khỏi dòng nước chảy xiết ấy. Sau khi qua sông, chúng tôi tạm tản cư ở Tân Trào, nơi có nhiều đồng bào Dao sinh sống. Khi giặc Pháp rút khỏi Tuyên Quang, đoàn ngựa thồ lại cùng chúng tôi trở về Mỏ Giát, tài sản Quốc gia mà Bộ Tài chính quản lý được bảo vệ an toàn”, ông Cường cho biết.

Sau chuyến di chuyển lịch sử ấy, để tránh máy bay địch bắn phá, Văn phòng Bộ Tài chính đã nhiều lần phải tạm thay đổi địa điểm, sau đó lại trở về Mỏ Giát.

Nói về vị Bộ trưởng Bộ Tài chính đầu tiên, ông Cường không khỏi khâm phục: “Là Bộ trưởng, nhưng ông vẫn rất gần gũi với mọi người trong Văn phòng Bộ. Một lần ông mua cho tôi một chiếc áo bông. Ông bảo tôi phải mặc đủ ấm, nếu không sẽ bị ốm. Bà vợ ông là đồng chí Lê Thị Xuyến cũng là người hiền hòa đôn hậu. Cả hai người coi tôi như con cái trong nhà, vì thế sống với ông bà nhưng tôi có cảm giác như sống với chính người thân của mình”.

Sau ngày tiếp quản Thủ đô (10/10/1954), về Hà Nội, tôi được gặp ông bà nhiều lần. Lúc nào ông bà cũng quan tâm và dành nhiều thời gian tiếp tôi ân cần. Được gần gũi đồng chí Lê Văn Hiến là may mắn nhất của cuộc đời tôi, tôi đã được ông thương yêu và dạy bảo nên người. Nay dù đã bước sang tuổi 81, con cái đã trưởng thành, đã lên chức “Cụ”, nhưng tôi không thể nào quên được những tình cảm mà cố Bộ trưởng Lê Văn Hiến đã dành cho tôi…/.

Vài nét về ông Vũ Tử Cường

- Ông Vũ Tử Cường sinh năm 1934 tại Hải Phòng
- Năm 1946 Thực dân Pháp đánh chiếm Hải Phòng. Trại thiếu nhi khi đó có tên là Đại đội Việt Bắc (trong đó có ông) được di chuyển lên Văn Phú - Yên Bái
- Năm 1947 (khi mới 13 tuổi), ông cùng 14 thiếu nhi khác được tuyển chọn làm liên lạc cho cán bộ. Ông Cường được điều về Bộ Tài chính, làm liên lạc cho Bộ trưởng Lê Văn Hiến.
- Năm 1950 được điều đi học in tiền và làm việc tại Nhà máy in tiền Khánh Thi (Tuyên Quang).
- Năm 1951 ông chuyển công tác sang ngành Giao thông vận tải
- Năm 1953 đi bộ đội
- Năm 1954 - 1955: Học sửa chữa ôtô. Sau đó về làm việc tại Nhà máy ôtô Hòa Bình (Hà Nội)
- Năm 1971 nghỉ hưu khi mới 37 tuổi. Hiện ông sống cùng gia đình tại phố Đại Từ - Hoàng Mai - Hà Nội

Nhật Minh (ghi)

Nhật Minh (ghi)

© Thời báo Tài chính Việt Nam