Thanh tra Bộ Tài chính: Đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành trong thanh, kiểm tra

10:09 | 10/01/2015 Print
(TBTCVN) - Trên cơ sở kết quả đạt được của năm 2014, năm 2015, Thanh tra Bộ Tài chính tiếp tục đổi mới, tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm trong thanh, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, bám sát tình hình kinh tế xã hội, hướng vào những lĩnh vực nhạy cảm, tiềm ẩn nhiều rủi ro...

Tập trung thanh tra trọng tâm, trọng điểm

Năm 2014, Thanh tra Bộ Tài chính đã chủ động, tích cực; luôn bám sát các chủ trương, chính sách và các giải pháp quản lý, điều hành các hoạt động kinh tế, xã hội và tài chính ngân sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và của ngành; kịp thời tham mưu giúp Bộ điều chỉnh, bổ sung kế hoạch cho phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu quản lý.

Thanh tra toàn ngành Tài chính đã triển khai 70.571 cuộc thanh tra, kiểm tra, trong đó tập trung vào các lĩnh vực: Quản lý, điều hành ngân sách; quản lý, sử dụng nợ công; việc chấp hành chính sách giá; phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại; chống chuyển giá, trốn lậu thuế và chống thất thu ngân sách...

Kết quả thanh tra đã phát hiện và kiến nghị xử lý về tài chính 17.408 tỷ đồng và 6.241.443 USD (tăng thu ngân sách 13.961 tỷ đồng và 6.241.443 USD; giảm chi NS: 1.346,7 tỷ đồng; giảm khấu trừ 1.047,4 tỷ đồng; xử lý tài chính khác 1.053,5 tỷ đồng). Trong đó, Thanh tra Bộ Tài chính đã hoàn thành 31/31 cuộc thanh tra theo kế hoạch được duyệt từ đầu năm; đồng thời, thông qua kết quả thực tiễn, chủ động đề nghị Bộ bổ sung kế hoạch 5 cuộc thanh tra.

thanh tra tài chính
Công tác thanh tra tập trung vào các lĩnh vực: Quảng lý, điều hành ngân sách; quản lý, sử dụng nợ công; việc chấp hành chính sách giá; phòng chống buôn lậu...

Tổng hợp kết quả của 53 cuộc thanh tra; phát hiện và kiến nghị xử lý về tài chính trên 3.300 tỷ đồng và 6.241.443 USD; thanh tra các Tổng cục thuộc Bộ đã thực hiện 70.518 cuộc thanh tra, kiểm tra trên các lĩnh vực. Qua đó đã phát hiện, kiến nghị xử lý về tài chính trên 13.961 tỷ đồng; cơ quan thuế, Hải quan đã chuyển sang cơ quan công an 1.826 hồ sơ các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thu.

Qua thanh tra, kiểm tra cũng đã đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi nhiều cơ chế, chính sách và chấn chỉnh công tác quản lý điều hành tài chính, ngân sách, giá cả; đặc biệt là những kiến nghị, đề xuất liên quan đến lĩnh vực bình ổn giá sữa; hạ giá cước vận tải khi giá xăng dầu giảm; chấn chỉnh cơ chế quản lý và sử dụng nợ công...

Trong quá trình thanh tra có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các đơn vị trong và ngoài ngành, vì vậy chất lượng kiến nghị thanh tra được nâng lên, được các đơn vị nghiêm túc tiếp thu, thực hiện ngay khi đoàn thanh tra có ý kiến hoặc vừa kết thúc tại đơn vị. Việc chấp hành các quy định về pháp luật thanh tra; quy trình, quy chế đoàn thanh tra cũng như kỷ cương, kỷ luật trong Ngành được tăng cường.

Đặc biệt, năm 2014, Thanh tra Bộ đã làm tốt vai trò đầu mối, tham mưu giúp Bộ triển khai, thực hiện tốt các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng. Đã trình Bộ ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ triển khai thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng; rà soát, kê khai minh bạch tài sản; làm việc với Tổ công tác của Thanh tra Chính phủ kiểm tra việc thực hiện quy định về minh bạch tài sản, thu nhập năm 2013...

Tăng cường công tác giám sát từ xa

Năm 2015, Thanh tra Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành từ công tác xây dựng kế hoạch đến phối hợp hoạt động thanh tra trong toàn hệ thống thanh tra ngành Tài chính. Tăng cường công tác giám sát từ xa, nắm bắt đối tượng thông qua hệ thống phân tích rủi ro, đặc biệt là sự phối hợp, nắm bắt thông tin thông qua các cơ quan quản lý nhà nước, các lĩnh vực của Bộ. Thực hiện nhiều hơn các cuộc thanh tra đột xuất, nhằm phát hiện, phòng ngừa và xử lý kịp thời các sai phạm khi vừa mới bắt đầu phát sinh.

Tăng cường sự phối hợp, chỉ đạo giữa Thanh tra Bộ với Thanh tra các tổng cục đối với các cuộc thanh tra theo chuyên đề, thanh tra diện rộng để có được những đánh giá sâu, toàn diện về cơ chế chính sách được ban hành và hiệu quả phát huy trong thực tiễn.

Tiếp tục nghiên cứu đổi mới nội dung, phương thức, phương pháp tổ chức hoạt động thanh tra, thể hiện tính khoa học trong điều hành hoạt động thanh tra, thực hiện các nhiệm vụ thanh tra; nêu cao trách nhiệm, kỷ luật, tính chiến đấu, tính thuyết phục, tính hiệu quả trong hoạt động thanh tra.

Xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra trong sạch, vững mạnh, cán bộ thanh tra phải có tâm, có tầm, có khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới, nhất là bản lĩnh chính trị phải vững vàng, trình độ nghiệp vụ và kỹ năng chuyên môn phải tốt.

Tổ chức thực hiện tốt các quy định pháp luật về hoạt động thanh tra, kiểm tra; hạn chế tình trạng kéo dài thời gian lưu hành kết luận thanh tra do những nguyên nhân chủ quan; tăng cường theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra; làm rõ nguyên nhân việc thực hiện chậm, hoặc thực hiện thiếu triệt để những kiến nghị, đề xuất biện pháp khắc phục.

Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo; không để khiếu kiện đông người, đơn thư khiếu nại tố cáo vượt cấp. Tiếp tục triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Nâng cao vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và cán bộ, công chức trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng, chống tham nhũng; rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật nhất là các định mức, tiêu chuẩn, chế độ về quản lý sử dụng ngân sách nhà nước; quản lý, sử dụng đất đai; trụ sở làm việc, nhà công vụ; quản lý, sử dụng trang thiết bị, phương tiện đi lại; quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại DNNN./.

PV

PV

© Thời báo Tài chính Việt Nam