Phạt gần 512 triệu đồng vi phạm kinh doanh và bình ổn giá sữa

11:30 | 08/01/2015 Print
Bộ Tài chính cho biết, ngoài số tiền phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện không đúng theo quy định về kinh doanh sữa và bình ổn giá sữa nói trên, các cơ quan quản lý còn tịch thu, tiêu hủy các hộp, bịch sữa trị giá hơn 41,8 triệu đồng.

giá sữa

Qua kiểm tra, các cơ quan quản lý đã phạt gần 520 triệu đồng đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện không đúng quy định về kinh doanh và bình ổn giá sữa. Ảnh minh họa: H.L

Phát hiện gian lận tẩy xóa và in lại hạn sử dụng sữa

Trong quá trình triển khai biện pháp bình ổn giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, Bộ Tài chính cho biết đã phối hợp với Bộ Công thương và các địa phương thường xuyên theo dõi, nắm tình hình và kiểm tra việc thực hiện của các DN.

Cụ thể, trong tháng 7/2014, Bộ đã phối hợp với Cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương thành lập 2 đoàn kiểm tra tình hình thực hiện công tác bình ổn giá sữa tại miền Trung (Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng) và miền Nam (TP. Hồ Chí Minh và Bà Rịa – Vũng Tàu).

Đến tháng 11/2014, Bộ Tài chính tiếp tục thành lập 3 đoàn kiểm tra, nắm tình hình về kết quả thực hiện bình ổn giá sữa và tác động diễn biến giá nguyên liệu sản xuất sữa lên thị trường sữa trong nước tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

Cùng với đó, các Sở Tài chính địa phương đã chủ trì hoặc phối hợp với các sở, ban ngành liên quan thành lập nhiều đoàn kiểm tra liên ngành về việc chấp hành mức giá tối đa, giá đăng ký và giá niêm yết của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh sữa trên địa bàn.

Qua những cuộc kiểm tra nói trên, về cơ bản các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đều thực hiện theo đúng quy định về xác định giá tối đa, giá đăng ký và niêm yết giá.

Tuy nhiên, một số tổ chức, cá nhân còn vi phạm các quy định như đăng ký giá chưa đầy đủ các sản phẩm theo quy định, giá bán thực tế cao hơn giá đăng ký. Một số nơi còn không niêm yết giá hoặc niêm yết chưa đầy đủ và chưa đúng quy định; gian lận thương mại dưới hình thức tẩy xóa và in lại hạn sử dụng, chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng.

Kết quả, các cơ quan đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện không đúng theo quy định về kinh doanh sữa và bình ổn giá sữa, với tổng số tiền phạt vi phạm hành chính gần 520 triệu đồng; giá trị các hộp, bịch sữa bị tịch thu, tiêu hủy là hơn 41,8 triệu đồng.

Giá sữa giảm mạnh nhờ bình ổn

Cũng theo Bộ Tài chính, tính đến thời điểm hiện tại cơ quan quản lý giá đã công bố giá tối đa và giá đăng ký của 606 dòng sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi của các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sữa. Trong đó 165 sản phẩm do Bộ Tài chính công bố và 441 sản phẩm do Sở Tài chính các tỉnh, thành phố công bố.

Mức giá bán lẻ sữa ổn định trên thị trường từ tháng 7/2014 đến nay và đã giảm từ 0,1% đến 34% so với thời điểm trước khi áp dụng biện pháp bình ổn giá sữa.

Bộ Tài chính cho rằng, việc áp dụng mức giá tối đa đã khiến các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi phải nghiên cứu, tính toán chi phí liên quan cho phù hợp, vừa đảm bảo thực hiện đúng quy định của Nhà nước vừa đảm bảo hoạt động kinh doanh bình thường. Qua đó, đã tác động làm giảm giá đối với các sản phẩm sữa trên thị trường, chấm dứt tình trạng giá sữa tăng trong thời gian vừa qua.

Quan trọng hơn, việc áp dụng biện pháp bình ổn giá đã tác động tích cực đến đời sống của đại đa số người dân, trực tiếp là đối tượng có con dưới 6 tuổi. Đồng thời, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng theo quy định của pháp luật, tạo được sự đồng thuận cao của các tổ chức đoàn thể và của nhân dân.

Cùng với đó, cơ chế quản lý bình ổn giá theo Luật Giá được triển khai thực hiện một cách tích cực, tăng cường tính hiệu quả, hiệu lực và vai trò định hướng của Nhà nước trong công tác quản lý điều hành vĩ mô nói chung, sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi nói riêng./.

Hoàng Lâm

Hoàng Lâm

© Thời báo Tài chính Việt Nam