Quản lý nợ công gần hơn với thông lệ quốc tế

21:55 | 23/12/2014 Print
Năm 2014 ghi nhận một bước tiến vượt bậc trong lĩnh vực quản lý nợ công, tiếp cận gần hơn với thông lệ quốc tế và tăng cường công khai, minh bạch. Đồng thời, từng bước nâng cao trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, trong việc quản lý, sử dụng vốn vay.

nợ công, bộ tài chính

Bộ Tài chính chủ động hợp tác với IMF thực hiện phân tích bền vững nợ công của Việt Nam.

>> Nợ công sẽ giảm dần từ năm 2017

Sau 5 năm triển khai thực hiện, về cơ bản Luật Quản lý nợ công và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tương đối đầy đủ, bao quát khá toàn diện các nội dung đối với lĩnh vực này. Về cơ bản, hệ thống pháp lý về quản lý nợ đã tạo ra được hiệu ứng tích cực trong việc quản lý nợ công, ổn định ngân sách, hỗ trợ phát triển và phù hợp thông lệ quốc tế.

Tăng dần chất lượng nợ công

Theo tổng hợp của Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (QLN&TCĐN), Bộ Tài chính, Việt Nam đã huy động một khối lượng vốn lớn bổ sung cho cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) để đầu tư xây dựng các kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng của đất nước.

Huy động vốn vay của Chính phủ tăng nhanh, với nhiều hình thức đa dạng, linh hoạt, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho cân đối NSNN và đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2013, huy động vốn đạt khoảng 404 nghìn tỷ đồng, tăng trên 40% so với năm 2012; năm 2014 ước đạt 470 nghìn tỷ đồng, tập trung vào vay ODA, vay ưu đãi và phát hành trái phiếu chính phủ, góp phần thực hiện dự toán NSNN hàng năm đã được Quốc hội phê duyệt.

Việc phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) được đánh giá là kênh huy động vốn giữ vị trí quan trọng; phương thức phát hành trái phiếu chính phủ chủ yếu, bao gồm: đấu thầu, bảo lãnh phát hành, bán lẻ và phát hành trực tiếp cho Bảo hiểm xã hội (BHXH), Tổng công ty Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

Năm 2012, phát hành 144 nghìn tỷ đồng TPCP; kỳ hạn phát hành bình quân là 2,97 năm, lãi suất bình quân 9,8%/năm. Năm 2013, phát hành gần 182 nghìn tỷ đồng, trong đó dành khoảng 40 nghìn tỷ đồng để đảo nợ; kỳ hạn bình quân là 3,21 năm, lãi suất bình quân khoảng 7,79%/năm.

Năm 2014, phát hành khoảng 262 nghìn tỷ đồng; kỳ hạn bình quân là 4,85 năm, lãi suất bình quân là 6,62%/năm. Hình thức tín phiếu, trái phiếu đa dạng hoá với nhiều kỳ hạn khác nhau, tập trung chủ yếu vào các kỳ hạn dưới 1 năm, 2 năm, 3 năm, 5 năm, 10 năm và 15 năm để thu hút vốn nhàn rỗi trong các tầng lớp dân cư, các tổ chức kinh tế, tín dụng; đảm bảo kịp thời nhu cầu vốn cho cân đối NSNN và đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; tạo công cụ để phát triển thị trường vốn và điều hành thị trường tiền tệ.

Trong năm 2013 - 2014, trong điều kiện kinh tế vĩ mô dần ổn định, lãi suất giảm dần, Bộ Tài chính đã tập trung thực hiện tái cơ cấu thị trường trái phiếu, theo hướng kéo dài kỳ hạn phát hành TPCP.

Cụ thể, đã tăng cường tổ chức phát hành kỳ hạn dài (5- 15 năm) cả về khối lượng gọi thầu và số phiên tổ chức phát hành. Theo đó, kỳ hạn phát hành bình quân đã tăng từ 2,97 năm (2012) lên 4,85 năm (2014, tỷ trọng kỳ hạn phát hành từ 5 năm trở lên trong tổng khối lượng phát hành TPCP đã tăng mạnh từ 24,2% năm 2012 lên 47,1% năm 2014).

Huy động vốn nước ngoài của Chính phủ hiện nay vẫn đang tập trung vào các khoản vay ODA, vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nên có mức lãi suất và chi phí vốn tương đối thấp, với lãi suất khoảng 1,6%/năm, thời hạn vay bình quân khoảng 20 năm.

Việc Chính phủ đã phát hành thành công 1 tỷ USD TPCP kỳ hạn 10 năm ra thị trường vốn quốc tế, với mức lãi suất 4,8%/năm để đảo nợ các khoản TPCP đã phát hành trước đây (năm 2005 và năm 2010), với lãi suất bình quân 6,8%/năm, làm giảm đáng kể chi phí lãi vay; đồng thời xác lập chuẩn lãi suất mới có lợi hơn cho các hoạt động kinh tế - tài chính của Việt Nam, trên thị trường quốc tế.

Đến ngày 31/12/2014 ước dư nợ công ở mức 2.395.488 tỷ đồng, bằng 60,3% GDP. Với các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô và dự toán NSNN năm 2015 vừa được Quốc hội thông qua, dự kiến nợ công đến cuối năm 2015 sẽ ở mức 2.869 nghìn tỷ đồng, bằng 64% GDP- vẫn trong giới hạn Quốc hội cho phép (nợ công không quá 65% GDP).

Nguồn: Cục quản lý nợ và tài chính đối ngoại - Bộ Tài chính

Tiếp cận gần với thông lệ quốc tế

Công tác quản lý nợ công đã có sự đổi mới, hiệu quả hơn và từng bước tiếp cận gần hơn với các thông lệ tiên tiến trên thế giới. Các nghiệp vụ về quản lý nợ công triển khai theo hướng linh hoạt và chủ động hơn.

Một số phương pháp quản lý nợ hiện đại bước đầu đã được triển khai ở các nghiệp vụ quản lý và xử lý rủi ro, phân tích đánh giá bền vững nợ, công tác dự báo, theo dõi thị trường, đánh giá mức độ các nghĩa vụ nợ dự phòng.

Việc phân loại nợ từng bước phù hợp với thông lệ quốc tế, áp dụng các nguyên tắc thị trường và không phân biệt đối xử trong hoạt động quản lý, như quản lý cho vay lại, quản lý bảo lãnh chính phủ. Các công cụ điều hành chính sách quản lý nợ công đã được chủ động nghiên cứu, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt

Tổ chức phát hành TPCP đã có những bước cải tiến mới. Cơ chế điều hành lãi suất đã có nhiều đổi mới, lãi suất TPCP bám sát diễn biến thị trường, đảm bảo được quyền lợi của người đầu tư cũng như nhu cầu vốn của NSNN và từng bước trở thành lãi suất định hướng trên thị trường vốn.

Ngoài ra, cơ quan quản lý nợ chủ động phối hợp chặt chẽ với các tổ chức tài chính quốc tế (IMF, WB, ADB) thực hiện phân tích bền vững nợ công của Việt Nam, phù hợp với khuyến nghị của các tổ chức tài chính quốc tế.

Đức Minh

Đức Minh

© Thời báo Tài chính Việt Nam