Nợ công sẽ giảm dần từ năm 2017

10:18 | 18/12/2014 Print
Bộ Tài chính cho biết, đỉnh nợ công rơi vào năm 2015 - 2016. Từ năm 2017 sẽ giảm dần cho đến 2020 nhưng vẫn đảm bảo nhu cầu vay nợ cho đầu tư và phát triển trong tương lai.

nợ công

Từ năm 2017 sẽ giảm dần cho đến 2020 nhưng vẫn đảm bảo nhu cầu vay nợ cho đầu tư và phát triển trong tương lai. Ảnh minh họa

Nợ công vẫn trong giới hạn

Theo Bộ Tài chính, tính đến cuối năm 2014, nợ công ước đạt 2.395.488 tỷ đồng, bằng 60,3% GDP, nằm trong giới hạn được Quốc hội cho phép.

Nợ công của quốc gia là vấn đề, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta quan tâm. Do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu cùng với những khó khăn nội tại, kinh tế nước ta tăng trường chậm lại, từ bình quân 7%/năm giai đoạn 2006 - 2010 xuống còn khoảng 5,8%/năm giai đoạn 2011 - 2015.

Nghị quyết của Đảng và Quốc hội đề ra chủ trương giảm thu để nuôi dưỡng nguồn thu, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn và tăng chi cho bảo đảm xã hội. Tỷ lệ thu ngân sách/GDP giảm tương ứng từ 24,8% (giai đoạn 2006 - 2010) xuống còn 21% (giai đoạn 2011 - 2015).

Trong khi đó nhu cầu chi tăng mạnh để bảo đảm an sinh xã hội, chi lương và tăng lương theo lộ trình, hoạt động hành chính sự nghiệp. Do đó, phần còn lại chi cho đầu tư phát triển có xu hướng giảm mạnh, còn khoảng 18% giai đoạn 2011 - 2015.

Trước thực trạng này, để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội đã đề ra, trên cơ sở bảo đảm an toàn tài chính quốc gia và ổn định kinh tế vĩ mô, Đảng và Nhà nước ta đã chủ trương chủ động tăng vay nợ cả trong và ngoài nước – chuyển mạnh sang vay trong nước - để tập trung cho đầu tư phát triển, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, dẫn đến việc nợ công của Việt Nam tăng nhanh.

Đỉnh nợ sẽ rơi vào năm 2015 - 2016

Cũng theo Bộ Tài chính, những năm tới sức ép do nhu cầu đầu tư lớn, tiếp tục tăng, áp lực trả nợ lớn trong ngắn hạn; một số chương trình, dự án có hiệu quả sử dụng chưa cao; tỷ trọng thu ngân sách/GDP giảm; chi thường xuyên tăng nhanh và chiếm tỷ trọng lớn; tỷ trọng chi đầu tư giảm; bội chi còn cao, đặt ra những khó khăn, thách thức.

Báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 vừa qua đã dự kiến, năm 2015 và 2016 tỷ lệ nợ công trên GDP lần lượt là 64,0% và 64,9% GDP, đã sát với giới hạn được Quốc hội cho phép tại Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 là không quá 65% GDP.

Trong giai đoạn 2015 – 2020, các chỉ tiêu dự kiến bao gồm tăng trưởng kinh tế khoảng 6 - 7%, chỉ số CPI khoảng 5 - 6%, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng khoảng 12-15%; bội chi Ngân sách Nhà nước giảm dần đến năm 2020 là 4% GDP. Để đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế theo Chiến lược, Bộ Tài chính dự kiến tổng nhu cầu vay mới của Chính phủ ở mức khoảng 500 nghìn tỷ đồng; nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ ở mức khoảng 400 nghìn tỷ đồng.

Như vậy, các chỉ tiêu về an toàn nợ công vẫn được kiểm soát trong giới hạn cho phép. Đỉnh nợ rơi vào năm 2015 - 2016. Từ năm 2017 sẽ giảm dần cho đến 2020 nhưng vẫn đảm bảo nhu cầu vay nợ cho đầu tư và phát triển trong tương lai.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nợ công

Tuy nhiên cũng theo Bộ Tài chính, vì nợ công đã tiến đến sát ngưỡng nên việc quản lý sử dụng vốn vay hiệu quả phải đặc biệt được quan tâm, bên cạnh việc rà soát các dự án đang và đã có chủ trương vay, lựa chọn các chương trình dự án có hiệu quả, tránh trùng lặp, cần thẩm định các dự án vay mới trong hạn mức giới hạn được cho phép, đánh giá tác động và hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng nợ công trong thời gian tới, Bộ Tài chính cho biết đã kiến nghị Chính phủ đã đưa ra các nhóm giải pháp đồng bộ bao gồm quản lý chặt chẽ nợ công, đảm bảo theo đúng quy định và trong giới hạn cho phép. Đồng thời, nợ công phải tập trung cho đầu tư phát triển, xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế xã hội quan trọng, thiết yếu theo quy hoạch.

Tiếp tục cơ cấu lại nợ công, giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn và chi phí vay vốn; Từng bước chủ động điều chỉnh cơ cấu ngân sách nhà nước theo hướng lành mạnh, tập trung thu nội địa, tiết kiệm và giảm tỷ trọng chi thường xuyên, tăng tỷ trọng chi đầu tư và bố trí đủ nguồn trả nợ.

Ngoài ra, rà soát, hoàn thiện thể chế, đánh giá và nghiên cứu sửa đổi bổ sung Luật quản lý nợ công và các Luật có liên quan (nếu cần thiết)./.

N.P

N.P

© Thời báo Tài chính Việt Nam