Ký ức những ngày gian khó

16:07 | 14/12/2014 Print
(TBTCVN) - Ngày đầu thành lập với tên gọi Tổng kho A44 chỉ có vẻn vẹn 12 công chức, cơ sở vật chất gần như là một số 0 (không kho, không xưởng, không bến bãi, không văn phòng làm việc).

>> 30 năm Cục Dự trữ Nhà nước Nam Trung bộ (26/11/1984

>> Kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Cục DTNN khu vực Nghĩa Bình (26/11/1984

>> Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Bắc Tây Nguyên:

30 năm sau, Cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) khu vực Nghĩa Bình đã vươn lên phát triển thành một hệ thống quy mô, hiện đại, đảm trách dự trữ chiến lược cho một vùng rộng lớn (gồm các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi).

Cục Dự trữ nhà nước khu vực Nghĩa Bình
Đồng chí Nguyễn Quý – Giám đốc (người đội mũ) và cán bộ chủ chốt giai đoạn đầu thành lập Tổng kho A44 (nay là Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nghĩa Bình).

Bắt đầu với nhiều… “số 0”

Ông Nguyễn Quý – nguyên giám đốc Tổng kho A44 là một trong những nhân vật lịch sử khởi thủy của đơn vị. Gặp ông vào dịp cuối năm, ở độ tuổi xưa nay hiếm (90 tuổi) sức đã yếu nhiều, tai đã lãng, thế nhưng khi nghe nhắc tới Tổng kho A44, đôi mắt ông như sáng lên. Ông kể, ngày 26/11/1984, Tổng kho A44- Nghĩa Bình được thành lập, theo quyết định (số 591/DT-QĐ) của Cục Quản lý Dự trữ Vật tư Nhà nước. Tổng kho có nhiệm vụ: Tổ chức tiếp nhận các loại vật tư DTNN được giao, sẵn sàng thực hiện các lệnh xuất cấp vật tư DTNN đầy đủ, kịp thời; Tổ chức bảo vệ, bảo quản hàng dự trữ đủ về số lượng, tốt về chất lượng; Giữ gìn kho tàng, tài liệu an toàn, bí mật; Quản lý các công trình xây dựng cơ bản, củng cố cở sở vật chất kỹ thuật.

“Chúng tôi nhận nhiệm vụ ấy với đôi bàn tay trắng: không văn phòng, không kho tàng. Còn cán bộ thì vỏn vẹn 12 người là tôi, cô Liên, cô Đào, ông Lai, ông Nhân, cô Dư, ông Hùng, ông Cảnh, ông Hoàng, ông Hoành, ông Tuấn, ông Thuận... Để có chỗ “ra vào” bàn bạc công việc đơn vị, tôi đã mời anh em đến “đóng tạm” ở nhà tôi chừng hai tháng. Sau đó, khi thuê được địa điểm- tại 450 đường Trần Hưng Đạo (thành phố Quy Nhơn) thì Văn phòng của Tổng kho mở giao dịch ở đó, cho mãi đến ngày 02/5/1986 thì mới chính thức có trụ sở của riêng mình…”- ông Quý hồi tưởng. Vanh vách những cái tên, ký ức mấy chục năm của ông cụ ngoài 90, mà như đang hiển hiện trước mắt.

“Ngày ấy vất vả lắm, nghèo khổ lắm nhưng tinh thần lao động của anh em vẫn hăng say. Dù được thành lập năm 1984 nhưng mãi đến 1986, chúng tôi mới được giao đất để xây dựng điểm kho Bình Nghi- 1 nhà kho A2 Đồng Giao (tích lượng 800 tấn, xây dựng năm 1986 nay đã hủy bỏ) và năm 1988 xây thêm 1 nhà kho Tiệp (tích lượng 2.400 tấn). Để tiết kiệm tiền công, tôi đã huy động anh em cùng xắn tay đào đất, san mặt bằng… vào những ngày chủ nhật.”- ông Quý kể.

Hồi ấy, việc bảo quản thóc cũng khó khăn vô kể, thóc để rời thông thoáng tự nhiên. Mà, hệ thống kho đều là thuê, ký gửi vừa nhỏ lẻ, phân tán, vừa bị hư hỏng, thấm dột, không thuận lợi trong việc xử lý côn trùng và sinh vật hại. Việc kê lót chưa có quy trình chặt chẽ, nên không đảm bảo thông thoáng cho khối hạt, dễ xảy ra hiện tượng bốc nóng. Thóc giao nhận để bảo quản chưa có quy định chất lượng. Việc kiểm tra thiếu dụng cụ kiểm nghiệm, chủ yếu bằng cảm quan. Anh em là công tác thủ kho bảo quản phần lớn là từ bộ đội xuất ngũ, chưa được đào tạo. “Thế nhưng, chúng tôi đã cố gắng tự học hỏi, siêng năng dọn vệ sinh kho luôn sạch sẽ, đảm bảo khi thóc xuất đạt chất lượng tốt nhất.”- ông Quý tự hào nói.

Tự hào vì là một phần của Tổng kho A44

Điển hình cho sự phát triển, vượt khó vươn lên của Cục Dự trữ Nghĩa Bình chính là hình ảnh của Chi cục Quảng Ngãi. Ngày 6/8/1988 Cục Quản lý Dự trữ vật tư Nhà nước ra quyết định (số 592/DT-QĐ), thành lập Cụm kho C441 trực thuộc Tổng kho A44- tiền thân của Chi cục DTNN Quảng Ngãi bây giờ.

Nhớ lại những ngày đầu mới thành lập, ông Trần Dũng- nguyên chi cục trưởng tâm sự: Lúc ấy cơ sở vật chất hầu như không có gì, kho tàng phải thuê mượn; thóc là mặt hàng dự trữ duy nhất phải ký gửi nhiều nơi. Trong khi đó cán bộ chỉ có 6 người, chưa ai có kinh nghiệm về công tác dự trữ, quản lý mặt hàng lương thực. “ Là đơn vị mới thành lập nên cái gì cũng thiếu, thiếu từ cơ sở vật chất đến cơ chế quản lý. Đời sống cán bộ công chức cực kỳ khó khăn. Có lẽ, chỉ có tinh thần nhiệt tình là không… thiếu!”- ông Dũng trải lòng.

Cũng theo ông Dũng, hoạt động cứu trợ là trong mùa mưa bão. Đối tượng cứu trợ chủ yếu là đồng bào ở các huyện miền núi và hải đảo xa xôi. Do vậy tình trạng tắc đường do sạt lỡ núi thường xuyên xảy ra. Rồi, biển động cũng làm ảnh hưởng đến hoạt đọng cứu trợ các vùng hải đảo xa xôi. Mặc dù vậy, với lòng quyết tâm cao độ, với tinh thần trách nhiệm, hằng năm cán bộ, công chức chi cục đã hoàn thành một cách xuất sắc nhiệm vụ được giao, đảm bảo đúng tiến độ, đảm bảo số lượng, chất lượng hàng dự trữ đến tay đồng bào cần cứu trợ. Nhiều năm, chi cục còn làm đầu mối, hướng dẫn các Cục DTNN bạn để tiếp cận, giao dịch, vận chuyển gạo dự trữ cứu trợ cho đồng bào tỉnh Quảng Ngãi.

Sau 26 năm xây dựng và phát triển, trải qua những thăng trầm, Chi cục Quảng Ngãi góp một phần không nhỏ vào chặng đường 30 năm xây dựng - phát triển - trưởng thành của Cục DTNN khu vực Nghĩa Bình. Ngày đầu mới thành lập, đơn vị chỉ có một điểm kho là Cụm kho C441, đóng tại xã Đức Hiệp, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Đến nay, chi cục đã có 3 điểm kho dự trữ khang trang và hiện đại; có tường rào bao kiên cố; có trạm điện hạ thế và đường đi nội bộ bằng bê tông. Mỗi điểm kho dự trữ có từ 3 đến 4 kho, tích lượng từ 4.000 – 5.000 tấn. Các kho mái bê tông chiếm tỷ trọng đáng kể trong hệ thống kho toàn đơn vị. Phương tiện, công cụ làm việc trang bị đầy đủ và kịp thời theo quy định.

Thấm thoắt, Tổng kho A44- nay là Cục DTNN khu vực Nghĩa Bình đã có bề dày 30 năm xây dựng, trưởng thành, có được sự phát triển vượt bậc về mọi mặt. Chứng kiến chặng đường dài đầy gian khó như vậy, hẳn thế hệ hôm nay của đơn vị đều cảm thấy rất vui mừng và tự hào./.

Hồng Sâm

Hồng Sâm

© Thời báo Tài chính Việt Nam